Anh hùng Thái Vă nA trên đảo Cồn Cỏ.

Một phần của tài liệu Phuơng pháp sử dụng mẩu chuyện trong dạy học lịch sử Việt Nam (Trang 30)

II. Những mẩu chuyện lịch sử có thể sử dụng trong dạy học lịch sử Việt Nam từ 1954 đến nay.

5.Anh hùng Thái Vă nA trên đảo Cồn Cỏ.

“Thái Văn A, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê thôn Liên Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ 1962.

Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, quan sát viên đảo Cồn Cỏ, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Lớn lên sau ngày cách mạng thành công, được học tập, rèn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, Thái Văn A hăng hái tham gia mọi công tác xã hội: giúp hợp tác xã tính thuế nông nghiệp, dạy bổ túc văn hóa, làm thông tin xã...v.v. Hai

lần được huyện khen thưởng, năm 1961, được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam.

Sau khi nhập ngũ được điều về đơn vị pháo cao xạ, rồi chuyển sang trinh sát, học nhiều khoa mục chuyên môn phức tạp, đồng chí luôn cố gắng nên khoa mục nào cũng đạt loại giỏi, được đơn vị khen và đạt danh hiệu đoàn viên tiên tiến.

Mùa hè 1963 được chọn ra công tác tại đảo Cồn Cỏ, Thái Văn A hiểu rõ tầm quan trọng của đảo, nên kiên trì rèn luyện từng giờ, từng ngày để có được “đôi mắt và đôi tai ngàn dặm”, bất kể đêm ngày đều phải tỉnh táo phát hiện từng chấm đen trên biển, từng âm thanh khác lạ của sóng gió đại dương.

Ba năm công tác trên đảo, Thái Văn A đã phục vụ chiến đấu hàng trăm trận, trực tiếp chiến đấu 135 trận, góp phần bắn rơi 20 máy bay giặc Mĩ.

Một đêm tháng 8 năm 1963, địch lợi dụng ánh trăng, tắt hết đèn ẩn dưới bóng mây, rồi hãm máy lẻn vào xâm phạm đảo. Đồng chí phát hiện kịp thời, báo cáo ban chỉ huy xử trí. Chiếc tàu địch biết bị lộ vội mở máy chuồn thẳng.

Ngày 8 tháng 8 năm 1964, địch cho nhiều tốp máy bay từ hướng Đông-Nam bay lướt qua đảo rồi quay về không có hoạt động gì. Đến trưa hai chiếc F.100 từ hướng Tây – Nam, bay rất thấp, định lợi dụng cây cối che khuất, bất ngờ công kích đảo. Đồng chí phát hiện được âm mưu địch, kịp thời báo cáo cho chỉ huy. Các trận địa đều sẵn sàng chủ động. Khi hai máy bay địch vừa sà xuống, súng của ta lập tức xả dữ dội, bắn rơi chiếc máy bay đi đầu, chiếc sau hoảng hốt bỏ chạy.

Ngày 11 tháng 3 năm 1965, một tàu trục địch từ ngoài khơi tiến dần vào đảo, đồng thời nhiều máy bay của chúng lượn ở phía nam, hòng đánh lạc hướng và làm rối loạn mục tiêu của ta. Bất ngờ 6 máy bay của địch lợi dụng ánh nắng mặt trời, từ phía đông lao vào. Thái Văn A đã nắm chắc địch nhanh chóng đánh kẻng báo động và báo cáo về đài chỉ huy. Các trận nhất loạt nổ súng hạ chiếc máy bay đi đầu, những chiếc khác xé đội hình bỏ chạy.

Bị thua đau, địch điên cuồng cho 20 máy bay AD.6 từ các hướng đánh vào đảo, vào đài quan sát. Một quả bom rơi trúng chân đài, đất đá văng cao, nhiều

chấn song, thang và cột đài quan sát bị mảnh bom quạt gãy, sàn đài chòng chành nghiêng ngả, rồi lệch hẳn sang một bên. Nhận được lệch cho phép xuống đài, đồng chí rất cảm động trước sự quan tâm của cán bộ, nhưng càng hiểu rõ trách nhiệm của mình ở vị trí tiền tiêu quan trọng này, đồng chí tình nguyện xin ở lại nguyên vị trí cũ. Người đau ê ẩm hai cánh tay tê dại vì phải bấu víu nhiều để khỏi bị hất xuống đất, Thái Văn A cảm thấy vương vướng ở chân. Nhìn xuống thấy máu chảy mới biết mình bị thương, đồng chí nghiến răng rút mảnh đạn ở chân ra, rồi tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới khi trận chiến đấu kết thúc, góp phần cùng đơn vị bắn rơi hai máy bay của giặc Mĩ và bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Ngày 15 tháng 3 năm 1965, đài quan sát di chuyển đến một mỏm đồi cao. Thấy địa hình thuận lợi vừa quan sát, vừa có thể bắn máy bay thấp, đồng chí xin lĩnh súng và lập tổ chiến đấu.

Ngày 4 tháng 4 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay vào đánh đảo.Thái Văn A quan sát nắm chắc địch, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy và cùng tổ bình tĩnh chờ địch lao xuống thấp mới bất ngờ nổ súng mãnh liệt, bắn rơi 1 phản lực Mĩ.

Liên tục từ ngày 5 đến ngày 29/4/1965, địch cho nhiều tốp máy bay ngày đêm đánh phá đảo, có đêm 3-4 lần ném bom xuống đảo nhiều loại bom có cả bom nổ chậm. Đồng chí vẫn bình tĩnh, kiên cường làm nhiệm vụ. Có ngày địch ném xuống 64 quả bom nổ chậm, đồng chí tỉnh táo ghi lại chính xác vị trí từng quả bom, báo cho công binh xử trí.

Thái Văn A là một chiến sĩ trẻ, có quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền bắc thống nhất tổ quốc, tích cực hăng hái trong rèn luyện, học tập, luôn luôn nêu cao tinh thần anh dũng kiên cường trong chiến đấu, bị thương không rời vị trí, gương mẫu, đoàn kết giúp đỡ đồng độ, chấp hành nghiêm kỷ luật, được đồng đội thương yêu, mến phục.

Đồng chí đã được hưởng một huân chương chiến công hạng nhì, ba bằng khen, 2 năm liền được bầu là chiến sĩ giỏi, Chiến sĩ thi đua và được chọn là chiến sĩ xuất sắc nhất của đảo.

Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Thái Văn A được chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”

Khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc lần 1, giáo viên sẽ kể cho học sinh nghe về người anh hùng Thái Văn A trên đảo Cồn Cỏ. Người anh hùng có “đôi mắt và đôi tai ngàn dặm” đã phục vụ chiến đấu hàng trăm trận và bắn rơi nhiều máy bay Mĩ, bảo vệ vùng trời trên đảo. Dù bị thương nhưng đồng chí vẫn anh dũng chiến đấu. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ để giáo dục cho học sinh lòng tin yêu, kính trọng và khâm phục các vị anh hùng.

Một phần của tài liệu Phuơng pháp sử dụng mẩu chuyện trong dạy học lịch sử Việt Nam (Trang 30)