Nội dung lễ hội

Một phần của tài liệu Truyền thuyết về một số danh nhân văn hóa thời trung đại trên đất Hải Dương (Trang 78)

2. Lễ hội

2.1.1.3.Nội dung lễ hội

Theo các tài liệu thu thập được và qua tìm hiểu, khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy lễ hội ở Văn miếu cơ bản diễn ra như sau:

* Lực lượng tham gia lễ hội

Trước đây, Văn Miếu là nơi tổ chức đại lễ của triều đình. Nếu tại Kinh đô, nhà Vua đích thân đến làm chủ lễ tế Khổng Tử và Tứ Phối thì ở các trấn, lộ, xứ giao cho các quan Trấn thủ, Tổng đốc tiến hành tế Thập triết theo nghi thức trang trọng nhất.

Tham gia hành lễ có các quan chức, cử nhân, tiến sĩ và nho sinh từ các phủ, huyện về theo y phục cổ truyền (những người ít học và phụ nữ không được tham dự).

Ngày nay, lực lượng tham gia lễ hội đã được mở rộng, nhân dân và các em học sinh, sinh viên khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc về dự tham gia lễ hội

* Tiến trình lễ hội

Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ (quyển 8) vào năm Gia Long thứ 1 (1802), ghi: Trước ngày lễ chính Văn Miếu được quét dọn sạch sẽ, đường làng ngõ xóm phải phong quang. Dọc đường cái quan (quốc lộ 5), từ cổng Văn Miếu tới Ghẽ (Tân Trường) dài gần 3km cắm đầy cờ thần chào đón quan Tổng đốc.

Ngày chính tế (ngày 18/1), quan Tổng đốc đi xe ô tô về Văn Miếu, xuống xe đi bộ vào trong, tư thế uy nghi cân đai, bối tử, có 4 lọng che và hai hàng lính lệ bồng súng đi kèm. Tiếp sau có các quan thủ huyện, chánh tổng, hào lý, trương tuần đi hộ tống. Hai bên đường dẫn vào Văn Miếu, phường lễ nhạc của địa phương cử hành những khúc nhạc lễ trang trọng chào đón quan khách và tấu nhạc ca ngợi Thánh nhân. Trong sân Văn Miếu, các nho sinh kỳ mục, hương đảng đội ngũ chỉnh tề, tàn lọng nghi trượng trang nghiêm rực rỡ. Các ban thờ rực sáng, lộng lẫy, hương thơm ngào ngạt... chủ tế là quan Tổng đốc bước vào nhà đông vu thay đồ lễ phục và tiến hành tế lễ.

Thời gian tiến hành từ 1 giờ đến 1 giờ rưỡi được tuân thủ nghiêm ngặt, không bỏ qua chi tiết nào, từ dâng hương, dâng rượu đến dâng phẩm vật đều rất chu đáo.

Sau khi quan Tổng đốc khai tế xong, các viên huyện thừa, chánh tổng, hào lý, nho sinh lần lượt vào dâng hương lễ thánh. Kết thúc lễ, cỗ được chia cho các quan theo thứ bậc, tuổi tác.

Căn cứ vào việc tổ chức lễ hội trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức lễ hội ở Văn miếu được tổ chức đơn giản hơn, song cũng thể hiện

được bản sắc văn hóa dân tộc: lễ hội xuân được tổ chức trong hai ngày (17, 18/2), lễ hội thu trong một ngày (20/8)

Trước ngày hội nửa tháng, Ban tổ chức lễ hội được thành lập: Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm Trưởng ban tổ chức. Giám đốc Bảo tàng tỉnh làm Phó trưởng ban Thường trực và mời một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng làm Phó ban. Cơ cấu tổ chức gồm bốn tiểu ban thành viên tham gia. Thành phần của Ban tổ chức được phân ra làm trưởng, phó các tiểu ban phụ trách từng phần việc của lễ hội như: nội dung, khánh tiết tuyên truyền, hậu cần tài chính và an ninh, vệ sinh, y tế.

Trước ngày hội, tại sân bái đường, kỳ đài được dựng lên hết sức trang trọng với tít chữ "Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền", hai bên phông chính đặt hai bản trích ca ngợi về đạo học của tiến sĩ nho học Thân Nhân Trung năm Đại Bảo, Nhâm Tuất (1442) và thư gửi các em học sinh năm học đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập (1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 17/1: Tổ chức khai mạc lễ hội, tổ chức lễ tế vào đám, tổ chức một số trò chơi mang tính chất thể thao, tổ chức văn nghệ.

Ngày 18/1: Tổ chức lễ rước thánh, lễ dâng hương tưởng niệm, tổ chức văn nghệ, các trò chơi dân gian.

* Nội dung phần lễ

Căn cứ vào việc tổ chức lễ hội diễn ra trong những năm gần đây, chúng tôi thấy nội dung phần lễ hội Văn miếu như sau:

Tế khai hội: do đội tế của thôn đảm nhiệm

Lễ rước: rước ảnh Khổng Tử, người sáng lập trường phái Nho gia của Trung Quốc.

Biểu diễn trống hội và các tiết mục văn nghệ chào mừng: do các em học sinh của các trường THCS trên địa bàn huyện biểu diễn.

Lễ dâng hương: các đại biểu, khách quý và toàn thể nhân dân lần lượt dâng hương tưởng niệm Khổng Tử và các bậc đại khoa Nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến tỉnh Đông. Kết thúc dâng hương có tiết mục diễn xướng văn

nghệ dân gian khá độc đáo tạo nên dấu ấn văn hoá đặc biệt của lễ hội đó là hoạt động lễ chữ.

Lễ chữ: Trình diễn gồm 40 thiếu nữ xiêm áo lộng lẫy, vừa múa vừa xếp chữ theo khối người một cách khéo léo, nhịp nhàng trong điệu nhạc bát âm "lưu thuỷ hành vân" cổ truyền. Nội dung thể hiện gồm 6 chữ Hán "Tiên học lễ, hậu học văn".

Tế an vị: do đội tế nam của thôn thực hiện.

Đặc biệt trong lễ hội, Ban tổ chức còn mời đội tế của các làng khoa bảng điển hình như: Mộ Trạch (Bình Giang), Nhân Lý (Nam Sách), Kim Quan (Cẩm Giàng) về Văn Miếu để tế Khổng Tử và các đại khoa Nho học các địa phương. Nhân dân từ các địa phương nô nức về dự lễ hội với lòng tự hào về quê hương, dòng họ hiếu học và tôn sư trọng đạo.

Một phần của tài liệu Truyền thuyết về một số danh nhân văn hóa thời trung đại trên đất Hải Dương (Trang 78)