2. Lễ hội
2.3.3. Nội dung lễ hội Côn Sơn
2.3.3.1. Lễ hội mùa xuân
Lễ hội mùa xuân là lễ hội tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (22/1/1334); tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn là lễ hội nhằm duy trì công tác tổ chức lễ hội truyền thống mùa xuân đã được phục dựng theo Đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (2006- 2010) của tỉnh Hải Dương; thực hiện công tác xã hội hóa công tác văn hóa của Đảng, Nhà nước, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Việc tổ chức lễ hội diễn ra hàng năm, nhưng quy mô lớn, nhỏ tùy thuộc và các năm: năm chẵn sẽ tổ chức với quy mô lớn hơn, còn những năm lẻ sẽ tổ chức với quy mô nhỏ hơn.
* Thời gian: Căn cứ vào việc tổ chức lễ hội diễn ra trong những năm gần đây, chúng tôi thấy lễ hội mùa xuân Côn Sơn thường diễn ra trong 03 ngày từ ngày 15 đến ngày 17/1 Âm lịch.
* Lực lượng tham gia lễ hội
Trước đây, lực lượng tham gia chính của lễ hội là dân làng hai thôn Chi Ngại và Chúc Thôn (Chúc Thôn tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng, Chi Ngại tổ chức ngày 18 tháng Giêng ) và nghi lễ chính của lễ hội mùa xuân Côn Sơn là rước lễ và tế lễ của hai thôn này. Ngày nay, lễ hội đã được mở rộng quy mô lớn hơn, lễ hội không chỉ do hai thôn đứng lên đảm nhiệm mà đã có sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, huyện, địa phương về việc tổ chức lễ hội truyền thống về nguồn. Ủy ban nhân dân
tỉnh hàng năm đều có ý kiến chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Tỉnh Hội Phật giáo, thành lập các tiểu ban và đoàn kiểm tra liên ngành về việc tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả. Những năm gần đây, lễ hội Côn Sơn đã thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia lễ hội
* Tiến trình lễ hội
Căn cứ vào việc tổ chức lễ hội diễn ra trong những năm gần đây, chúng tôi thấy lễ hội mùa xuân Côn Sơn diễn ra theo trình tự sau:
● Ngày 15 tháng Giêng
- Lễ dâng hương, lễ tế tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi. Diễn ra các nghi lễ sau:
- Lễ dâng hương tưởng niệm Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
- Hai làng Chúc Thôn, Chi Ngại thực hiện nghi lễ cổ truyền. - Tổ chức một số trò chơi dân gian: đấu vật, chọi gà, thư pháp...
● Ngày 16 tháng Giêng
- Tổ chức lễ khai Hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc (vì hai địa điểm đền, chùa gần nhau nên UBND tỉnh tổ chức Hội kép) tưởng nhớ ngày viên tịch Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn Giả tại sân đá chùa Côn Sơn; nơi tổ chức lễ dâng hương khai hội có trang trí lễ đài tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn Giả.
- Lễ rước: rước nước, mộc dục
- Nổi trống chiêng, nhạc lưu thủy hành văn mời đại biểu và nhân dân dâng hương tại lễ đài
- Đại biểu, nhân dân dâng hương tại di tích chùa Côn Sơn. ● Ngày 17 tháng Giêng
- Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc.
- Trang trí lễ phẩm, hoa nghi trên 5 miếu; tập trung các cụ trong đội tế nam, đội tế nữ tại Bắc Nhạc miếu.
- Tổ chức dâng hương tại 4 miếu thờ: Bắc Nhạc miếu; Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và Tây Nhạc miếu; lễ tế tại Trung Nhạc miếu- Lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực
* Nội dung phần lễ
Qua tìm hiểu lễ hội trong những năm gần đây, chúng tôi thấy các nghi lễ diễn ra tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn như sau:
● Lễ giao tín: Do Ban quản lý di tích đảm nhiệm. Đây là lễ dâng cổ chay trình dâng phật Thánh. Các nghi lễ của nghi thức này diễn ra rất trang nghiêm, tôn kính.
● Lễ rước: lễ rước nước, mộc dục. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội Côn Sơn, diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hàng năm, với mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm tượng), mặt khác biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng; biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc.. Lễ rước từ hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn diễn ra long trọng với đầy đủ các nghi thức rước nước, mộc dục như: dâng hương, diễu hành, đăng đàn cầu nước, an vị bình thủy, lễ cáo thần, tắm tượng, an vị tượng và cầu an.
● Lễ dâng hương, lễ tế: tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi, chùa Côn Sơn.
● Lễ tế trên Ngũ Nhạc Linh Từ: Tổ chức dâng hương tại 4 miếu thờ: Bắc Nhạc miếu; Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và Tây Nhạc miếu. Tổ chức lễ tế tại Trung Nhạc miếu có nhạc bát âm, chiêng trống, loa máy phục vụ nghi lễ.
● Lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực: Các nhà sư thực hiện nghi lễ nhiễu đàn, sau đó tiến hành lễ hành khoa đăng đàn: Thỉnh, thí thực cho âm hồn chúng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, nhân dân ấm no, hạnh phúc
* Nội dung phần Hội
Ở lễ hội chùa Côn Sơn, cùng với những nghi lễ trang trọng, thiêng liêng trong phần lễ là phần hội với các trò chơi dân tộc và hiện đại. Phần hội được diễn ở
nhiều nơi trong di tích Côn Sơn với sự tham gia hào hứng, nhiệt tình của các nam thanh, nữ tú cũng như dân làng và khách thập phương.
● Đấu vật: Đấu vật rất phổ biến ở nhiều hội xuân miền Bắc. Các đô vật cởi trần và chỉ đóng một cái khố cho kín hạ bộ. Cởi trần cốt để đôi bên không thể nắm áo, nắm quần nhau gây lợi thế cho mình được. Sau một hồi khua chân múa tay để rình miếng nhau, họ mới xông vào ôm lấy nhau. Họ lừa nhau, dùng những miếng để vật ngửa địch thủ.
● Chọi gà: Đây cũng là trò chơi phổ biến trong thôn, làng và trong ngày hội thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả
● Cờ người: là tên gọi cuộc chơi cờ tướng, gồm 32 quân (như cỗ bài tam cúc), mỗi phe 16 quân (trong mỗi phe có một Tướng. Tướng nam gọi là tướng Ông, trang phục đen hoặc xanh; tướng nữ còn gọi là tuớng Bà, trang phục đỏ). Chơi cờ tướng là chơi trên bàn cờ. Ba mươi hai quân cờ bằng gỗ, sừng, hay ngà tiện tròn, đường kính 2 cm, dày 1cm. Chơi cờ người cũng vẫn là luật lệ của cờ tướng. Nhưng quân cờ là người thật, và bàn cờ là sân đất rộng, đủ đường đi nước bước cho 32 người.
● Hát quan họ, hát chèo: được tổ chức tại Hồ Bán Nguyệt, khuôn viên đền thờ Nguyễn Trãi do đoàn văn nghệ làng Chi Ngãi, Chúc Thôn phường Cộng Hòa, đoàn quan học Bắc Ninh thực hiện. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở nhiều địa phương và được nhân dân rất yêu thích.
● Hội thư pháp: được bố trí ở chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi và đền Trần Nguyên Đán: thư pháp thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ với những đường nét rồng bay phượng múa, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết.
● Biểu diễn nghệ thuật: tại sân chùa Côn Sơn do trung tâm nghệ thuật biểu diễn thực hiện.
Hội mùa thu, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (16 tháng 8), trùng với hội Kiếp Bạc nên thường rất đông du khách. Hội mùa thu Côn Sơn được tổ chức với quy mô nhỏ hơn.
* Lực lượng tham gia lễ hội: cơ bản giống với lễ hội mùa xuân.
* Tiến trình lễ hội(được tổ chức trong 02 ngày) ● Ngày 15 tháng Tám
- Lễ dâng hương, lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán. - Các đại biểu tập trung làm lễ dâng hương.
- Đọc diễn văn khai hội
- Đội tế của hai làng Chúc Thôn và Chi Ngãi tế Thánh
Cùng ngày sẽ là lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn do Ban Tổ chức lễ hội chủ trì. ● Ngày 16 tháng Tám
- Lễ giỗ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại nội tự đền thờ Nguyễn Trãi
- Đọc văn tế anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi
* Nội dung phần Hội (được tổ chức trong 02 ngày): Ngày 17, 18/8 Âm lịch: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian: hát quan họ, hát chèo, hát dân ca, thư pháp...
* Tiểu kết chương 3:
Qua việc tìm hiểu tín ngưỡng và một số lễ hội liên quan đến các danh nhân văn hóa tiêu biểu trên đất Hải Dương, chúng tôi nhận thấy các lễ hội chính là môi trường tái hiện lại truyền thống về các danh nhân văn hóa. Truyền thuyết là một thể loại văn hóa dân gian còn lễ hội là một hình thức sinh hoạt của văn hóa dân gian nên giữa chúng có mối quan hệ qua lại, gắn bó khăng khít, dựa trên tính nguyên hợp của văn hóa dân gian. Truyền thuyết được coi là yếu tố cơ sở, nền tảng để dựa vào đó lễ hội mới có thể tái tạo, mô hình hóa, làm sống lại truyền thuyết một cách sống động, hấp dẫn nhất.
Như chúng tôi đã khẳng định, bốn danh nhân văn hóa trên trong các truyền thuyết được tôn vinh ở nhiều khía cạnh: là những con người tài năng xuất chúng, trung quân, ái quốc; có tài thơ văn và đặc biệt là những người có công trong lĩnh vực giáo dục, khai sáng văn hóa. Dễ dàng nhận thấy là trong các công trạng trên Chu Văn An được tôn vinh là người thầy mẫu mực - “Vạn thế sư biểu” của Việt Nam; Mạc Đĩnh Chi là vị lưỡng quốc Trạng nguyên với tài chính trị, ngoại giao hiếm có trong lịch sử, một tài năng văn chương xuất chúng; Nguyễn Trãi, một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa lỗi lạc với tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao phán đoán như thần; Nguyễn Thị Duệ, nữ tiến sỹ đầu tiên của nước Việt với tài năng văn chương, một người khai sáng văn hóa học “đào tạo từ xa”, có nhiều đóng góp cho việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Vì thế, mà tên tuổi của họ được nhân dân đời đời ghi nhớ và cũng chính nhân dân là người tạc lên những bức tượng đài bất tử về họ qua các truyền thuyết và lễ hội.
Các nghi lễ thờ cúng các danh nhân, việc mô phỏng các hoạt động diễn ra trong lễ hội, các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội, trong cõi tâm linh của mỗi người hình ảnh các danh nhân dường như đang hiện hữu. Đặc biệt trong lễ tế tại các lễ hội, chủ tế là người thay mặt nhân dân đọc văn tế. Qua đó, sự tích và truyền thuyết dân gian về các danh nhân cũng như tiểu sử, công trạng của họ được nhắc lại một cách trang trọng. Bài văn tế được những người có mặt lắng nghe với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Bài văn tế do đó không phải là lời cầu khẩn mà còn có ý nghĩa diễn xướng ca ngợi công lao của các danh nhân.
Lễ hội cũng chính là môi trưởng bảo lưu các tín ngưỡng dân gian, nét văn hóa dân gian: lễ rước nước ở lễ hội chùa Côn Sơn, lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực cầu cho quốc thái dân an mùa màng tốt tươi mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. Các trò chơi dân gian đấu vật, chọi gà, hát quan họ, thư pháp ... là những nét đẹp văn hóa tồn tại từ bao đời nay vẫn đang hiện hữu giữa cuộc sống hiện đại làm say lòng bao du khách khi đến với Hải Dương. Đến với các lễ hội ở Hải Dương có thể nhận thấy nơi đây chính là môi trường bảo lưu nhiều lớp tín ngưỡng, nhiều lớp văn hóa Việt. Vì vậy, đến với các lễ hội, du khách sẽ có dịp tìm hiểu và tiếp nhận
giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc đặc biệt là đời sống tâm linh. Trở về với cội nguồn dân tộc, mỗi người sẽ được nuôi dưỡng những điều tốt đẹp để mỗi ngày ta càng gần các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Đó là ý nghĩa nhân văn cao cả nhất trong các lễ hội.
C. KẾT LUẬN
1. Hải Dương là vùng đất ở phía đông của Tổ quốc với lịch sử phát triển từ rất sớm. Nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc cùng Bắc Ninh lại tiếp giáp Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên, Hải Dương luôn tự hào về một truyền thống văn hoá vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thấm đượm khí thiêng vùng miền. Mặt khác, Hải Dương còn là địa bàn chiến lược, với những vị trí trọng yếu trong các cuộc chiến tranh giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc; Hải Dương án ngữ các đường thuỷ bộ chủ yếu để tiến vào Thăng Long và rút chạy của những đội quân xâm lược phương Bắc. Hình thế núi sông hiểm yếu (đặc biệt là vùng Chí Linh, Kinh Môn), rất thuận lợi cho người chỉ huy tác chiến có tài, cả khi công hoặc khi thủ, tiến hay lui. Vì vậy, rất nhiều nhà quân sự - văn hoá lỗi lạc của dân tộc đã đến đây, nghiên cứu thực địa, bày thế trận, lập chiến công, để lại dấu son không bao giờ phai trong lịch sử nước nhà. Cũng trên mảnh đất này, do điều kiện địa lý và lịch sử mà hệ thống di tích và truyền thuyết về danh nhân văn hoá rất phong phú, đa dạng. Đi cùng với những di tích ấy là một hệ thống truyền thuyết vô cùng phong phú về bốn danh nhân văn hoá: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ.
Với đề tài truyền thuyết và lễ hội về danh nhân văn hoá tiêu biểu trên đất Hải Dương chúng tôi mong muốn đóng góp thêm một tiếng nói để giới thiệu khẳng định về diện mạo văn hoá dân gian của vùng đất này
2. Luận văn đã giới thiệu một cách khá hoàn chỉnh hệ thống truyền thuyết về bốn danh nhân văn hoá tiêu biểu trên đất Hải Dương. Luận văn đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của truyền thuyết về các danh nhân. Hình tượng
các danh nhân văn hoá được khắc hoạ trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau nhưng có điểm chung đó là: các danh nhân văn hoá trên họ đều là những con người tài năng xuất chúng, trung quân ái quốc, đức độ, có tài thơ văn và đặc biệt học có nhiều công lao đóng góp trong lĩnh vực giáo dục, sáng tạo văn hoá. Về mặt nghệ thuật truyền thuyết về bốn danh nhân văn hoá trên mang những đặc điểm chung của truyền thuyết lịch sử. Kết cấu xâu chuỗi đã tạo cho hệ thống truyền thuyết này có tính chất mở. Qua đó, hình tượng các danh nhân văn hoá hiện lên với nhiều góc độ,
với nhiều tầng ý nghĩa. Nhân dân đã thêu dệt những yếu tố thần kỳ lấp lánh xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của họ với mục đích tôn vinh, ca ngợi. Việc tạo dựng hình ảnh lung linh về các danh nhân văn hoá trong truyền thuyết cũng là cách để nhân dân Hải Dương bày tỏ sự ngưỡng mộ biết ơn đối với những người đã có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước.
3. Hình tượng bốn danh nhân văn hoá không chỉ có trong truyền thuyết mà còn được tái hiện sinh động trong tín ngưỡng và lễ hội. Luận văn đã đi sâu mô tả cả phần lễ cũng như phần hội một cách khá chi tiết, cụ thể qua ba lễ hội tiêu biểu là: Lễ hội truyền thống văn miếu Mao Điền, lễ hội đền Chu Văn An, lễ hội chùa Côn Sơn