Không gian lễ hội

Một phần của tài liệu Truyền thuyết về một số danh nhân văn hóa thời trung đại trên đất Hải Dương (Trang 77)

2. Lễ hội

2.1.1.2. Không gian lễ hội

Văn miếu Mao Điền ở tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 15km về phía Tây. Văn miếu Mao Điền là không gian chính diễn ra lễ hội tưởng niệm Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của trấn Hải Dương xưa.

Căn cứ vào nội dung các văn bia khắc dựng hiện còn lưu giữ, quy mô Văn miếu vào đầu thế kỷ XIX khá rộng lớn, ngang dọc tới 10 mẫu (tương đương 3,6 ha). Trước cửa văn miếu có giếng Thiên Quang trong vắt. Ngoài tạo cảnh quan, theo thuyết âm dương giếng còn thu tụ linh khí đất trời. Một cây cầu đá trạm tứ quý, tứ linh bắc ngang. Từ đây, không gian kiến trúc lần lượt trải ra: gác chuông, gác trống, tháp bút, đài nghiên, bái đường, hậu cung, giải vũ (tây vu, đông vu), nhà Khải Thánh (thờ thân phụ, thân mẫu Khổng Tử). Bên hồ nước xanh, cây gạo cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm vẫn sừng sững soi bóng Thiên Quang. Cây gạo có từ thời Tây Sơn, đánh dấu sự kiện tái thiết Văn miếu Mao Điền. Hai dãy tả vu, hữu vu, nơi cất giữ những cổ vật đèn sách, những áng văn chương của danh nhân xứ Đông. Sừng sững trước đền chính là đài nghiên, tháp bút đắp rồng cao 5m.

Phần chính của Văn miếu gồm hai tòa nhà lớn là Bái đường và Hậu cung có mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng. Lầu chuông đồng, trống đại ở hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái bằng gỗ lim giản dị mà đẹp mắt. Những hàng cây cảnh, cây ăn quả xanh mát bao bọc xung quanh, tạo nên vẻ đẹp yên bình, tôn nghiêm của khu di tích.

Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá trải qua năm tháng đã bị sứt mẻ một bên tai nhưng có âm thanh trong trẻo và lạ tai khi đánh ba tiếng sẽ phát ra ba tiếng chuông khác nhau.

Chính giữa bái đường có bàn thờ đặt chiếc lư hương cổ bằng đá, chiếc khánh đá có niên đại từ thời Tây Sơn, đôi đầu tường treo bảng ghi tên 637 vị tiến sĩ trấn Hải Dương xưa.

Trong hậu cung đặt tượng thờ và linh vị Khổng Tử cùng 8 vị đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến (trong số đó có 7 vị gốc Hải Dương) là những danh nhân hàng đầu của đất nước gồm: Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Nhà giáo của muôn đời Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thần toán Vũ Hữu, Đại danh y Tuệ Tĩnh, Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.

Trong vườn Văn miếu có nhiều cây cổ thụ, nhãn, vải, xoài, mít đang trổ hoa. Đan xen là những tán tùng, bách mới trồng đã vươn mình trong bụi mưa xuân. Văn Miếu ngày nay, tuy đã khác xưa rất nhiều, khang trang hơn, sạch đẹp hơn song vẫn mang đậm những dấu ấn lịch sử, vẫn còn lưu giữ được những cổ vật, bút tích có giá trị thời xưa. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là một việc làm cần thiết, nhằm góp phần đẩy mạnh truyền thống giáo dục của Hải Dương nói riêng và của cả nước nói chung

Một phần của tài liệu Truyền thuyết về một số danh nhân văn hóa thời trung đại trên đất Hải Dương (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)