2. Lễ hội
2.2.3. Quá trình hình thành lễ hội
Thời phong kiến, lễ hội đền Phượng Hoàng, tức đền Chu Văn An rất giản dị, chỉ trong phạm vi làng, xã trong ngày qua đời của thầy giáo. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ các vị quan chức địa phương đến thắp hương thầy nhưng không thành Hội. Hội lớn đầu tiên có quy mô cấp tỉnh ở đây có lẽ là ngày 12/8/1997, lễ khánh thành trùng tu bước I đền thờ nhà giáo đã được tổ chức trọng thể tại khu di tích, được giáo giới, học sinh và nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt liệt trước sự chứng kiến của các ban, ngành hữu quan. Trong ngày hội đầu tiên này có hàng nghìn giáo viên và học sinh của Chí Linh và trường Chu Văn An (Hà Nội) đến dâng hương và tổ chức cắm trại từ điện Lưu Quang đến lăng mộ của thầy.
Sau một năm, điện Lưu Quang – nơi dạy học của thầy được tái tạo. Trước khi xây dựng nền điện Lưu Quang đã tiến hành khai quật, tìm được nhiều di vật quý, trong đó có pho tượng đá cao 80 cm, ngờ rằng tượng thầy Chu. Tại đây còn tìm thấy tượng Cửu long, nghĩa là có lúc biến thành chùa. Vì chùa lệ Kỳ bị hủy diệt
nên nhân dân mang tượng vào điện để thờ trong khi chưa có điều kiện khôi phục chùa.
Một ngày hội về nguồn, một loại hình lễ hội mới được hình thành tại khu di tích. Đúng vào dịp kỷ niệm 707 năm ngày sinh của danh nhân 25/8/1999, tại khu di tích đã khánh thành điện Lưu Quang và Lễ đón nhận bằng công nhận di tích Quốc gia. Đây là lễ hội lớn thứ hai diễn ra tại khu di tích. Ngoài giáo viên, học sinh và nhân dân huyện Chí Linh còn có đại diện giáo viên các huyện, thị, đại biểu của Bộ văn hóa, Giáo dục, trường Chu Văn An (Hà Nội) và đoàn đại biểu quê hương danh nhân. Hội kéo dài hai ngày, được nhân dân địa phương và học sinh hưởng ứng nhiệt liệt.
Việc khôi phục và tôn tạo khu di tích Phượng Hoàng không chỉ ngành giáo dục hưởng ứng tích cực mà các tổ chức nhà nước và xã hội ủng hộ tích cực. Năm 2002, Quân khu III công đức con đường nhựa 8 km vào khu di tích. Năm 2005, nhiều công trình lớn tại khu di tích đã được khởi công. Ngày 26- 11 năm Mậu Tý (4-1-2008), đúng vào kỷ niệm 638 năm ngày qua đời của danh nhân, công trình tôn tạo đền Chu Văn An khánh thành tạo nên một không gian thiêng hoàn tráng, tương xứng với vị thế của người thầy vĩ đại. Đây cũng là ngày hội lớn của khu di tích, do Bộ Giáo dục và Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức.
Tiếp sau đó, tổ chức lễ hội về nguồn, nhân kỷ niệm 608 năm ngày nhà giáo qua đời 25-26/11 năm Mậu Tý (2008), thu hút gần một vạn giáo viên, học sinh các trường tham dự trong hai ngày. Hai ngày đó giáo viên, học sinh ôn lại lịch sử giáo dục nước nhà, lịch sử khu di tích với sự nghiệp thầy Chu Văn An, biểu diễn văn nghệ, chơi thư pháp. Học sinh một số trường đã làm các biển ngữ lấy trong giáo khoa thư xưa hay tam tự kinh như: Tiên học lễ, hậu học văn. Nhân bất học bất tri lý... Những trò ở đây hoàn toàn trong sáng, phục vụ giáo dục.
Ngày 21-8-2009, Bộ giáo dục – Đào tạo, đại diện ngành giáo dục – Đào tạo của 63 tỉnh, thành phố tổ chức dâng hương tại đền, thể hiện lòng tri ơn và quyết tâm phục hưng nền giáo dục. Tại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào ‘‘xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực” của cả nước. Bộ cũng đang xúc tiến xây dựng ‘‘Giải thưởng Chu Văn An” nhằm trao tặng, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với tỉnh Hải Dương sẽ tiến hành xây dựng quy chế phát triển du lịch đền thờ Chu Văn An thành điểm đến tâm linh chung.
Như vậy một loại lễ hội mới ra đời, lễ hội của thầy và trò nhớ về cội nguồn của đạo học và khuyến học. Thành phần của khách hành hương chủ yếu là giáo viên và học sinh cả nước.
Từ một phế tích đã mai một qua nhiều năm, nay trở thành nơi thăm quan, nghiên cứu du lịch hấp dẫn, trước hết là của giáo viên, học sinh cả nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục thế hệ trẻ. Ngày sinh và ngày qua đời của nhà giáo xưa chỉ là việc của Hội tư văn và quan chức địa phương, nay trở thành ngày hội về nguồn của hàng vạn thầy và trò trong cả nước. Không những thế hàng ngày khu di tích tấp nập khách tham quan, chiêm bái, tưởng nhớ công ơn người thày vĩ đại, cầu mong cho con em mình học hành tiến tới xứng đáng với truyền thống hiếu học của dân tộc.
Hằng năm, lễ hội đền được tổ chức ngày 25-8 (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh và ngày 26-11 để tưởng nhớ ngày thầy Chu Văn An từ trần.
Mọi người đến dâng hương tại đền là tự tâm đến với thầy vì lòng kính trọng, tôn thờ thầy về tâm đức, đạo làm thầy, làm người đã đắp nền móng cho nền giáo dục nước ta bằng tâm đức và chính cuộc đời của mình. Chu Văn An - Người làm sáng ngời về đạo học, đạo làm thầy và đã làm vẻ vang cho nền giáo dục của nước nhà.