2. Các danh nhân văn hóa tiêu biểu thời trung đại từ lịch sử đến truyền thuyết
2.2.4. Nguyễn Thị Duệ
Căn cứ vào những tài liệu thành văn hiện còn lưu giữ như: Hải Dương phong vật chí, Chí Linh phong vật chí, chí Linh bát cổ, sắc phong, tài liệu khảo cổ học và các tài liệu có liên quan cho biết: Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh phi (tức Sao Sa).
Nguyễn Thị Duệ, sách Lịch triều tạp ký và Quốc triều khoa bảng lục
đều chép rõ: “Nguyễn Thị Duệ vốn phận gái, người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương (Hải Dương quê gốc nhà Mạc), gia thế thuộc trung nông và đặc biệt không có truyền thống khoa bảng. Năm lên 10 tuổi, Duệ đã đọc được sách thánh hiền, văn hay, chữ tốt nổi tiếng trong vùng. Là phận gái mà thông tuệ khác thường, am hiểu tứ thư, ngũ kinh, có chí lớn như bậc nam tử. Duệ xin cha mẹ cải nam trang, đổi tên thành Nguyễn Văn Du sang làng khác học, thầy đồ cùng các bạn không ai hay biết. Học xong ở làng, Nguyễn Văn Du lên theo học thầy Nguyễn Nhân An, người từng đậu tiến sĩ, làm quan đến Tả Thị Lang đời vua Phúc Nguyên, văn tài của Du được các bạn đồng môn kính nể”.
Vào năm Quang Hưng thứ 15 (1592), sau khi bị quân Lê - Trịnh chiếm thành Thăng Long, quân nhà Mạc phải rút về phía Đông thuộc trấn Hải Dương. Đầu năm Quang Hưng thứ 16 (1593), quân Lê - Trịnh tấn công vùng Nam Sách, Chí Linh, trước sức mạnh của quân triều định, nhà Mạc phải rút lên Cao Bằng lập căn cứ. Năm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi cùng gia đình đi theo.
Tại Cao Bằng, nhà Mạc củng cố thanh thế, mở mang quyền binh, ổn định tổ chức, mục đích xây dựng nhà Mạc trở thành thế lực hùng mạnh, có thời cơ sẽ nắm quyền trị vì đất nước. Tại đây nhà Mạc mở khoa thi Hội để kén chọn nhân tài, sĩ tử ứng thí khá đông, Nguyễn Thị Duệ đóng giả trai đi thi cùng với thầy giáo của mình. Kết quả bà đã đỗ đầu, thầy dạy đứng hàng thứ hai. Xúc động trước người học trò của mình ông nói “Mầu xanh từ màu lam mà ra, nhưng đẹp hơn màu lam”. Khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt
mày thanh tú... nên dò hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi, lấy làm vợ phong là Tinh phi.
Năm 1625, quân Lê - Trịnh do Đinh Văn Tả làm tiên phong tiến đánh Cao Bằng, quân Mạc đại bại. Nguyễn Thị Duệ ẩn trong hang núi bị quân Trịnh bắt được. Trước quân địch, bà vẫn hiên ngang rút gươm quát bảo bọn lính phải đem giải mình đến gặp chúa Trịnh nếu không bà sẽ tự tử. Đến gặp vua Lê, chúa Trịnh, bà đối đáp thông minh nên lại được nhà chúa trọng dụng cho trông coi việc học của phủ chúa. Sau đó, bà được phong chức Nghi ái quan. Năm 70 tuổi, bà về quê hương nghỉ ngơi rồi qua đời lúc ngoài 80 tuổi. Nhân dân lập đền thờ gọi là đền bà chúa Sao.
Tháp mộ Nguyễn Thị Duệ được đặt trên đỉnh một quả đồi cạnh núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương). Cuối triều Lê, Tinh Phi cổ tháp được xếp vào hàng Chí Linh bát cổ. Đình làng Kiệt Đoài có một pho tượng đẹp gọi là Vua Bà (tức Nguyễn Thị Duệ) và một sắc phong thờ phụng: “Chánh vương phủ, thị nội cung tần, lễ sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân...”. Tại đền làng Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cũng còn tượng Bà chúa Sao Sa và một sắc phong của triều đình để lại. Trong Hậu cung Văn miếu Mao Điền ở Hải Dương, bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thần toán Vũ Hữu, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh và danh y Tuệ Tĩnh.
2.3. Danh nhân văn hoá – từ lịch sử đến truyền thuyết
Trong tâm thức dân gian, vị trí của những nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hoá có công với nước, với dân vô cùng lớn lao. Lễ hội và truyền thuyết nhìn chung đều phản ánh nhân vật mà nhân dân tưởng nhớ, ngợi ca.
Con đường thiêng hóa các nhân vật lịch sử trong tâm thức nhân dân thường bắt đầu bằng một chi tiết nào đó của cuộc đời thật trong tiểu sử rồi huyền thoại hóa nó lên, thêm vào những yếu tố tưởng tượng để nhân vật trở thành một con người tầm vóc, tôn kính. Chính những hư cấu này tạo nên màu sắc hư ảo, hoang đường, một mặt làm cho nhân vật lịch sử trở nên sống động trong hồi ức của nhân dân, mặt
khác các truyền thuyết cộng với các nghi lễ thờ cúng lại làm cho nhân vật truyền thuyết được thiêng hóa trong tâm thức của con người.
Các danh nhân văn hoá được trân trọng thờ ở các đền: đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng - Chí Linh, đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở làng Lũng Động (Nam Sách), đền thờ Nguyễn Trãi (Côn Sơn - Chí Linh), đền thờ Nguyễn Thị Duệ (xã Văn An- Chí Linh), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Điền - Cẩm Giàng) nơi thờ cả bốn danh nhân văn hoá trên. Sức sống của các danh nhân văn hoá được truyền thuyết hóa không chỉ được thể hiện qua sự hóa thân hay thờ cúng của nhân dân mà còn thể hiện rất rõ qua những huyền thoại mang tính tâm linh mà nhân dân vẫn truyền tụng.
2.3.1. Chu Văn An
Là một nhân vật được truyền thuyết dân gian hoá. Soi chiếu vào sử sách, ta tiếp nhận được lòng ngưỡng vọng, sự đánh giá của nhân dân đối với Chu Văn An. Chu Văn An không phải sinh ra ở Hải Dương nhưng cuộc đời có nhiều gắn bó với mảnh đất Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vì thế để tìm hiểu cuộc đời và con người Chu Văn An, người viết tiến hành đối chiếu so sánh từ các tư liệu lịch sử đến truyền thuyết dân gian nhằm đưa ra những nhận định chính xác và toàn diện.
Hiện nay, dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian đã xoá nhoà nhiều dấu tích, nhưng trên đất Hải Dương vẫn còn lưu giữ nhiều di tích đã từng gắn bó với cuộc đời của nhà giáo Chu Văn An: Tiều ẩn cổ bích (Chí linh bát cổ), đền thờ Chu Văn An, lăng mộ, giếng Son là những truyền thuyết được nhân dân lưu giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở Hải Dương, nhân dân lưu truyền những câu chuyện về sự đức độ, tài năng, thanh cao của ông. Nổi bật ông là một nhà sư phạm gương mẫu, một thầy giáo đạo cao đức trọng. Chung quanh cuộc đời của Chu Văn An có nhiều giai thoại và truyền thuyết. Đó là giai thoại về người học trò đã trở thành bậc đại thần, nhưng vẫn giữ gìn lễ độ, tuân theo phép tắc nghiêm ngặt của thầy. Và truyền thuyết nói về người học trò của ông đã vâng lời làm mưa cứu nạn nên bị trời phạt. Vùng Thanh Trì, Thanh Oai có mộ và đền thờ thuồng luồng này và đều gắn với uy tín của Chu Văn An. Những di tích như Đầm Mực, Miếu Gàn, Giếng Son cũng nằm trong hệ thống truyền thuyết ấy.
Cuộc đời của Chu Văn An đã đi vào văn hoá dân gian qua con mắt ngưỡng vọng của nhân dân từ những sự kiện lịch sử, Chu Văn An toả sáng qua truyền thuyết với tầm vóc của một người thầy mẫu mực “thầy giáo giỏi của muôn đời”. Có thể nói truyền thuyết đã bổ sung vào chính sử để làm toàn vẹn hơn chân dung của nhà giáo Chu Văn An. Nói như tác giả Lê Văn Kỳ “Truyền thuyết là nhưng câu chuyện dân gian, phản ánh những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, nó vừa hiện thực, vừa hoang đường, vừa có cái đáng tin, lại vừa có cái đáng ngờ nhưng dù sao nó vẫn là kho tư liệu quý mà những người am hiểu tinh tường có thể sử dụng được”. [..., tr...]
2.3.2. Mạc Đĩnh Chi
Truyền thuyết về Mạc Đĩnh Chi tựa như mô típ “người xấu xí mà có tài”. Theo truyền thuyết miêu tả, Mạc Đĩnh Chi tướng mạo xấu xí, nhưng trí tuệ uyên thâm. Ông là một người tài năng, đức độ, khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc và tài văn thơ, ứng đối mẫn tiệp. Ông được phong học vị Lưỡng quốc Trạng nguyên và được các sứ thần triều Nguyên ghi chép rất trân trọng vào Bộ chính sử quốc gia. Trong truyền thuyết được lưu truyền ở Hải Dương, Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng với tài ngoại giao, ứng đối, văn thơ xứng bậc "đứng đầu quần Nho”. Ông đã đi vào sử sách và đi vào tiềm thức của nhân dân từ chính tài năng văn chương của mình. Vẫn còn những giai thoại kể (ở đây chúng tôi coi là truyền thuyết) về tài ứng đối, thơ, phú của ông như Ngọc tỉnh liên phú (bài phú hoa sen trong giếng ngọc), Phiến Minh (bài minh về quạt), Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi hai lần đi sứ, Câu đối qua cửa ải .v.v. Đây là những câu chuyện thể hiện rõ tài năng và học vấn uyên thâm của Mạc Đĩnh Chi cũng như thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với tài năng của ông.
2.3.3. Nguyễn Trãi
Hiện nay, những truyền thuyết về Nguyễn Trãi vẫn còn lưu truyền sâu rộng trong đời sống nhân dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là Chí Linh nơi quê hương ông. Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính
trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Ở Hải Dương lưu truyền rất nhiều những truyền thuyết xung quanh cuộc đời của Nguyễn Trãi, có truyền thuyết liên quan đến địa danh như: Am bạch vân và bàn cờ tiên, Thạch bàn..., những truyền thuyết về tài chính trị, ngoại giao, giúp dân, cứu nước và truyền thuyết nhân dân vẫn nhắc nhớ nhiều nhất vẫn là vụ án oan thảm khốc Lệ Chi Viên. Trong lịch sử, đã có nhiều vụ án oan diễn ra, tuy nhiên, vụ án Lệ Chi Viên là vụ án đã tru di cả ba họ một khai quốc công thần, đã thảm sát người anh hùng dân tộc có tài kinh bang tế thế Nguyễn Trãi...Xung quanh vụ án này có rất nhiều truyền thuyết và những câu chuyện kể xung quanh liên quan đến Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi và nhiều ý kiến khác nhau về vụ án này (sẽ tìm hiểu ở chương sau). Một số truyền thuyết đã được in thành văn như: Truyện ông Lê Trãi (Truyện Nguyễn Trãi, Nói về sự tích ông Nguyễn Trãi), Nguyễn Trãi đi tìm minh chủ, Rắn báo oán.v.v. Ngoài ra, còn có một số truyền thuyết khác được lưu truyền trong nhân dân như: Giếng ngọc, Am Bạch Vân và Bàn cờ tiên, Thạch bàn...
2.3.4. Nguyễn Thị Duệ
Truyền thuyết về Nguyễn Thị Duệ không nhiều và được lưu truyền chủ yếu ở quê hương Kiệt Đặc (nay là xã Văn An, thị xã Chí Linh). Như ở phần trên đã đề cập, trong chính sử có rất ít các tài liệu viết về bà, có thể do chiến tranh loạn lạc, thất lạc nên nhân vật nữ tiến sỹ đầu tiên của nước Việt được viết rất ngắn gọn, sơ lược. Chính vì vậy, truyền thuyết đã bổ sung thêm cho chính sử một cách đầy đủ hơn về danh nhân này. Nơi quê hương Kiệt Đặc, nhân dân vẫn truyền tụng nhau về bà, một người tài sắc vẹn toàn, có ý chí, tinh thông chữ nghĩa, là “nữ thần đồng”, tài hoa sắc sảo và có “chí nam nhi”. Khác những người con gái bình thường khác, không chịu cam phận nữ nhi (tập tục ngày xưa là nữ không được theo học như nam giới) Nguyễn Thị Duệ đã khao khát được đi học và đòi bố mẹ cho cải trang thành con trai để theo học. Đến khi triều đình nhà Mạc mở khoa thi Hội, Nguyễn Thị Duệ cũng lều chõng đi thi và đỗ tiến sỹ. Bà được giữ lại trong cung để dạy dỗ cung nữ. Đến triều Lê (Lê Thần Tông) bà được mời ra dạy dỗ cung nữ và phong tặng danh
hiệu Nghi Ái Quan. Tài năng và đức độ của bà cũng như những cống hiến đóng góp cho triều đình, cho nhân dân đã khiến vua chúa và quan triều đình và nhân dân kính trọng và khâm phục. Khi bà mất, nhân dân Kiệt Đặc đã lập đền thờ và tôn bà làm phúc thần.
Theo sử sách ghi bà là nữ tiến sỹ đầu tiên của nước Việt. Một số truyền thuyết được in thành văn: Bà Kiệt Đặc, Nữ tiến sỹ, Sự tích Bà chúa Sao Sa, Từ dấu tích đến mộ tháp đến đền bà chúa Sao Sa. Ngoài ra còn một số truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân như: truyền thuyết về sự đức độ, tài năng của Bà chúa Sao Sa (Nguyễn Thị Duệ), truyện về Nguyễn Minh Triết, truyện về người anh trai của Nguyễn Thị Duệ, Truyện về Dương Đức Quảng, truyện về Phạm Bá Kỷ, Dải yếm bà chúa Sao Sa ..v.v.
* Để thấy rõ mối quan hệ giữa lịch sử và truyền thuyết, chúng tôi đưa ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất: Giữa lịch sử và truyền thuyết về bốn danh nhân văn hoá trên có sự song hành. Khó có thể khẳng định lịch sử ghi chép dựa vào truyền thuyết hay truyền thuyết về các danh nhân văn hoá bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử.
Thứ hai: Tổng hợp các bộ chính sử, các sử gia ghi chép khá toàn diện về các danh nhân văn hoá (trừ danh nhân văn hoá Nguyễn Thị Duệ) từ yếu tố gia đình, quê quán, sự nghiệp, cống hiến, cái chết.
Thứ ba: Nhìn chung, giữ lịch sử và truyền thuyết không có sự đối lập. (trừ truyền thuyết “Rắn báo oán” viết về Nguyễn Trãi). Truyền thuyết và chính sử chép về các danh nhân văn hoá trên tương đối đồng nhất đồng nhất trên một quan điểm - ngợi ca tài năng, đức độ, phẩm hạnh tốt đẹp của các danh nhân. Cảm hứng tôn vinh lịch sử của truyền thuyết dân gian được thể hiện sắc nét.
* Tiểu kết chương một
Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Người dân ở đây có bản tính cần cù, chịu khó, yêu lao động. Với địa thế đặc biệt, vùng đất này từng có vị trí chiến lược trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Người dân Hải Dương có đời
sống tinh thần phong phú với những tín ngưỡng mang đậm chất nhân văn và những lễ hội dân gian khá đặc sắc. Văn học dân gian Hải Dương mang màu sắc tiếp xúc và hội tụ vừa chứa đựng cái nguồn sống chảy trong mạch ngầm văn hoá cộng đồng vừa tích tụ nét bản sắc riêng của địa phương độc đáo.
Mảnh đất Hải Dương nơi sinh ra và hội tụ những người anh hùng, những danh nhân văn hoá, những con người ưu tú, lỗi lạc của thời đại. Trong niềm thành kính và tự hào, người dân đã truyền nhau những truyền thuyết đẹp về các danh nhân văn hoá: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ. Các danh nhân đã bước vào truyền thuyết với vầng hào quang lung linh đầy ngưỡng mộ chân thành cùng biết bao tình cảm yêu mến của nhân dân. Yếu tố lịch sử và yếu tố hư cấu thần kỳ đã hòa quyện khiến cho truyền thuyết về họ vừa là đối tượng nghiên cứu của văn học dân gian vừa là tài liệu tham khảo của khoa học, lịch sử. Hàng năm, nhân dân Hải Dương và nhân dân cả nước nói chung, mỗi khi có điều kiện lại đến với các lễ hội Hải Dương để tham quan di tích lịch sử và tưởng nhớ công đức của các danh nhân văn hoá - những con người đã góp phần làm rạng rõ non sông đất Việt. Và những truyền thuyết về các danh nhân văn hoá đã góp phần làm nên nét đặc sắc của văn học dân gian Hải Dương và còn là một hiện tượng văn học lý thú cần được nghiên cứu sâu sắc hơn dưới góc độ khoa học.
Chương 2
TRUYỀN THUYẾT VỀ DANH NHÂN VĂN HOÁ TIÊU BIỂU THỜI TRUNG ĐẠI TRÊN ĐẤT HẢI DƯƠNG
1. Khảo sát truyền thuyết danh nhân văn hóa tiêu biểu thời trung đại