2. Các danh nhân văn hóa tiêu biểu thời trung đại từ lịch sử đến truyền thuyết
2.2.3. Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380- 1442), hiệu là Ức Trai, sống vào một giai đoạn lịch sử sôi động, từ cuối đời Trần, trải qua đời Hồ, thời đấu tranh chống ách Minh thuộc cho tới đầu đời Lê. Cha ông là Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh, tên hiệu Nhị Khê vốn gốc ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau rời về làng Ngọc Ổi (sau đổi thành Nhị Khê), huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, Hà Tây). Cha
ông là một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (Tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần.
Lúc nhỏ Nguyễn Trãi ở với ông ngoại là Trần nguyên Đán ở Côn Sơn. Sau khi ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh nhậm chức Ngự sử đài Chánh chưởng triều Hồ. Cuối năm Khai Đại thứ 6 (1406), giặc Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ, xâm lược nước ta. Sau 10 năm phiên chuyển trong cảnh loạn lạc, kiên trì tránh giặc, tìm đường cứu nước, Nguyễn Trãi về Côn Sơn, ông rất đau xót trước cảnh quê nhà bị hoang tàn, ông đã sớm tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn, dâng Bình Ngô sách, cùng Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc, cứu nước; trở thành tổng tham mưu và linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, biên soạn nhiều văn kiện quan trọng. Ông đã nhân danh Lê Lợi viết những thư từ giao thiệp với tướng Minh. Những bức thư đó (về sau được tập hợp dưới tên Quân trung từ mệnh tập) có tính chiến đấu mạnh mẽ và có tác dụng lớn trong việc đánh vào tinh thần quân địch. Năm 1427, cuộc kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết bài Bình ngô đại cáo
nổi tiếng. Năm đó, ông được phong làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, tước quan phục hầu. Nguyễn Trãi tuy có nhiều đóng góp lớn, tuy chức vụ của ông chưa phải là chức vụ chủ chốt nhất trong triều để có thể làm cho ông thi thố hết tài năng.
Sang đời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi đã đấu tranh với những quyền thần Lê Sát, Lê Ngân để thực hiện đường lối "giản chính, khoan hình". Lê Thái Tông vì còn trẻ tuổi nên thường cùng bọn cận thần chơi bời phóng phiếm. Sau sự cố về lễ nhạc với Lương Đăng, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), Nguyễn Trãi thoái triều về Côn Sơn, viết bài Côn Sơn ca để tỏ chí mình. Ở đây, ông đã sống một cuộc đời thanh bạch trong ngôi nhà " bốn vách xác xơ, chỉ có sách là giàu", ăn thì "dù có dưa muối, áo mặc nài chi gấm thêu" nhưng rất ung dung thư thái: "Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, áo mặc bố quen cật vận xênh xang". Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Trãi vẫn "một lòng âu việc nước" mong sao "trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu".
Năm 1440, Lê Thái Tông đã trưởng thành, đã hiểu được rằng Nguyễn Trãi là người có tài, có đức, bèn triệu ông ra làm quan, phong cho chức Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm thừa chỉ học sĩ coi việc Tam quán và kiêm chức hành khiển Đông bắc đạo, phụ trách quân dân bạ tịch Hải Dương. Ông tin rằng đây là lúc quyền thần đã bị dẹp thì chắc rằng có thể thi thố tài năng của mình và ông nỗ lực trong nhiệm vụ mới được trao. Đến năm 1442, ông về kinh đô làm chủ khảo kỳ thi hội.
Ngày 5 tháng 8 năm 1442, sẩy ra vụ án Lệ Chi viên, nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ. Ngày 16 tháng 8, gia đình ông bị hành quyết, những người còn sống sót của dòng họ, phiêu tán khắp nơi và đổi thành họ khác mong thoát qua đại hạn. Triều đình nhà Lê sớm nhận thấy sai lầm trong vụ án này, nhưng không chịu sửa sai đến nơi đến chốn. Lê Nhân Tông (1443-1459), ông vua kế nhiệm Thái Tông, đã phải thừa nhận:
"Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của bản triều không ai sánh kịp ". Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan.
Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người đã phải chịu những oan khiên thảm khốc, do xã hội cũ gây nên cũng tới mức hiếm có trong lịch sử.
Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là nhà văn, nhà thơ lớn. Ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Quân trung từ mệnh tập; Lam Sơn thực lục; Dư địa chí; Chí Linh sơn phú. Các tác phẩm ấy đều là văn bằng chữ Hán. Về thơ, có hai tập: Ức trai thi tập bằng chữ Hán, Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm, tức chữ Việt.