Quan niệm về thời gian

Một phần của tài liệu Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (Trang 50)

Cùng với không gian, thời gian cũng là yếu tố quan trọng trong vũ trụ quan của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Tìm hiểu quan niệm về thời gian của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt nơi đây. Như chúng ta đã biết, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là một trong những chủ nhân của nền văn hoá Đông Sơn, nền văn hóa này có một số đặc trưng như:

Nền văn hóa lúa nước phát triển và đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các cư dân trong nền văn hóa này. Người Việt nằm trong cộng đồng thuộc chủng Mongoloid, và là tổ tiên của Văn minh lúa nước. Nền văn minh này đã tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào cho các cư dân Việt. Tuy nhiên việc thực phẩm dồi dào đã dẫn đến sự dự trữ, từ đó bắt đầu hình thành nên sự phân cấp trong xã hội của người Việt cổ.

Về kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật đúc đồng là một trong những thành quả nổi bật của người Việt. Đỉnh cao của kĩ thuật này thể hiện trên các trống đồng Đông Sơn. Về mặt quân sự, đỉnh cao là mũi tên đồng và nỏ, đây là những vũ khí có tác dụng rất lớn giúp cư dân của văn hóa Đông Sơn chống lại quân thù.

Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc là biểu hiện của sự nỗ lực trong việc tổ chức cộng đồng của cư dân Đông Sơn. Dựa vào những kết quả nghiên cứu của các học giả, thì trên cơ sở văn hóa Đông Sơn, nhà nước Văn Lang của

các Vua Hùng là nhà nước văn minh đầu tiên của người Việt. Nối tiếp đó là nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, về sau văn hóa Hán đã xâm nhập và tác động không nhỏ đến cuộc sống của cư dân nơi đây.

Người Việt có truyền thống coi trọng mồ mả của tổ tiên, yêu thích các hoạt động nghệ thuật như ca hát, lễ hội, nhảy múa.

Hệ thời gian của chủ nhân văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa mang đặc tính nông nghiệp lúa nước là thời gian chu kỳ.

Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đã vận dụng lịch mặt trăng của Trung Quốc vào trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Nếu người phương Tây quan niệm thời gian một cách khoa học, theo một sự vận động đều đều của những khoảng thời gian giống nhau về số lượng thì người phương Đông chúng ta lại có những suy nghĩ khác. Tác giả Kim Định đã giải thích rằng “Với văn hóa Tây Âu thì thời gian được biểu thị bằng thần Kronos, tay cầm lưỡi liềm tay cầm bình cát. Căn cứ vào số cát chảy mà xác định thời khắc theo đường thẳng”, “nó có tính cách chảy thẳng một dòng. Còn lưỡi liềm biểu thị tính cách bất khả phục hồi ra đi không hẹn ngày về ”[27;25]. Trong khi đó người Trung Hoa nhìn thấy Thời gian là một tổng thể các kỷ, các mùa hay các đại. Những điều này đều phản ánh tính chu kì chứ không phải chỉ có một chiều.

Do nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa nên tư duy về thời gian của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ cũng mang nhiều nét tương đồng. Thời gian của người Việt được xem như là một diễn biến tuần hoàn theo chu kỳ sau: mỗi năm có bốn mùa, 12 năm làm thành một giáp, và 60 năm lại trở về một hội. Quan niệm này khác biệt nhiều với quan niệm thời gian tuyến tính của người phương Tây.

Giờ của người Việt không phải chỉ có một chiều khô cứng mà giờ cũng có giờ tốt, giờ xấu. Khi làm những việc quan trọng trong tang lễ, người Việt

nơi đây đều xem giờ lành, giờ dữ. Ngay cả người mất, người Việt cũng xem họ mất vào giờ lành hay giờ dữ, nếu là giờ lành thì họ sẽ được mát mẻ khi ra đi, còn nếu vào giờ dữ sẽ gặp những điều không an lành. Và con cháu nên làm lễ để hóa giải điều này.

Là một dân tộc lấy nghề nông làm hoạt động sản xuất chủ đạo, người Việt Nam từ xưa đã dựa nhiều vào lịch của người Trung Hoa để xác định thời vụ làm ăn của mình. Mặc dù điều kiện tự nhiên phương Bắc và phương Nam có những khác biệt. Ở Việt Nam, các lễ tiết theo mùa ít được qui định thành văn bản, sách vở mà chỉ là một tập quán ứng xử theo truyền thống, truyền từ đời này sang đời khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng đã phần nào phản ánh việc sử dụng thời gian dựa theo thời gian chu kì như trên.

Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ làm lễ cúng tổ tiên thường vào các thời gian sau trong năm:

Ngày tết Đoan Ngọ, ngày ấy các gia đình người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đều làm lễ cúng gia tiên. Vì tết Đoan ngọ được người Việt xem là ngày đẹp nhất trong cả năm. Ngày ấy mọi người có tục giết sâu bọ, hái lá thuốc vào giờ Ngọ với hy vọng khi uống có thể tiêu trừ nhiều bệnh tật. Tết Đoan Ngọ vốn đã tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá của cư dân nơi đây. Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ trưa, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong một năm. Trong ngày đặc biệt có ý nghĩa như vậy, người Việt không quên việc nhớ về tổ tiên, cội nguồn.

Ngày tết Âm lịch, khi kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới, người Việt luôn chú trọng việc làm lễ cúng trời, đất, tổ tiên vào những ngày giao thời. Tết Nguyên Đán từ lâu đã được xem là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt từ hàng bao đời nay, đây là thời điểm giao thời giữa

năm cũ và năm mới; khép lại một năm đã qua, người Việt hy vọng vào những điều tốt lành hơn sẽ đến với mình. Và người Việt dù quanh năm bận rộn làm ăn kiếm sống, nhưng đến dịp này cũng đều gác lại mọi việc làm ăn để đón tết và tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội. Mâm cơm cúng tổ tiên ngày tết được người việt ở đồng bằng Bắc Bộ chuẩn bị rất chu đáo và thịnh soạn.

Ngày mùng một và ngày rằm, đều được người Việt xem là ngày đẹp, là ngày của trời của Phật, vì thế người ta thường làm lễ cúng thần và gia tiên với hy vọng những lời nguyện cầu của mình sẽ đến được với thần, Phật và gia tiên. Người Việt luôn hy vọng rằng thần, Phật không những che trở cho người đang sống mà còn sẽ che trở, phù hộ cho tổ tiên của họ.

Ngày rằm tháng Bảy, được người Việt xem là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu Lan báo hiếu theo quan niệm nhà Phật. Vì vậy, con cháu trong những ngày này đặc biệt nhớ về ông bà, cha mẹ với tình cảm thiêng liêng và chân thành. Ngày này, con cháu làm lễ cúng tổ tiên và các vị thần, phật với hy vọng sự thành tâm của mình có thể giúp cho linh hồn của tổ tiên được nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Ngày Hai ba tháng Chạp, là ngày tết ông Công, ông Táo, cùng với việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo người Việt cũng làm mâm cơm cúng tổ tiên. Theo truyền thống dân gian của người Việt, tết ông Công - ông Táo là lễ mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết Nguyên đán , kéo dài từ ngày 23 tháng chạp cho đến mùng 7 tháng giêng hoặc rằm tháng giêng..

Qua đó, chúng ta có thể thấy, những ngày quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là các ngày trên. Trong những ngày ấy, dù bận rộn đến đâu, người ta cũng không quên làm lễ cúng trời đất, tổ tiên.

Ngoài ra, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và người Việt ở nhiều địa phương trên cả nước nói chung, khi gia đình, dòng tộc có chuyện

trọng đại như làm nhà, trong gia đình có người đỗ đạt, có đám cưới hỏi, người ta cũng làm lễ cúng để báo với tổ tiên.

Không những vậy, nhiều khi gia đình có chuyện không vui, người ta cũng làm lễ cúng tổ tiên để mong nhận được sự phù hộ, che trở của tổ tiên để có thể sớm vượt qua khó khăn.

Tất cả những ngày trọng đại trên, trừ những ngày có sự kiện đặc biệt xảy ra, đều được người Việt tính theo lịch âm. Lịch âm được tính theo sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại. Từ ngàn đời nay, đối với người Việt, vòng tuần hoàn này không hề thay đổi. Trăng khuyết rồi lại tròn, đến các ngày mồng Một, hôm Rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy, ngày 23 tháng Chạp cho đến ngày giỗ của người chết đều có sự lặp lại trong các năm. Đến các ngày đó thì vòng quay Trái Đất - Mặt Trăng lặp lại.

Trong việc cử hành các nghi lễ cúng tế, người Việt bao giờ cũng thực hiện rất đúng với ngày đã định sẵn.Việc cúng sai ngày là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn ý nghĩa nữa.

Qua đó có thể thấy rằng, cùng với không gian, thời gian cũng là yếu tố quan trọng trong tâm thức, cảm quan của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Sống ở hiện tại, nhưng con người không bao giờ quên quá khứ và mặt khác vẫn luôn hướng tới tương lai. Và như vậy thời gian gồm có các chiều đó là quá khứ, hiện tại và tương lai.

Quan niệm về vũ trụ được phản ánh qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ mang tính duy tâm sâu sắc, tuy nhiên nó cũng biểu hiện mong muốn được một cuộc sống yên bình của người Việt nơi đây. Đồng thời cho thấy người Việt đã nhận thức được mối quan hệ tương tác giữa con người với các yếu tố của tự nhiên như trời, đất… rồi từ đó rút ra triết lý nhân sinh phù hợp với dân tộc mình.

Ngày nay, xã hội đã có nhiều thay đổi, trình độ hiểu biết của con người đã được nâng cao đáng kể cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, tuy nhiên những quan niệm trên vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Một phần của tài liệu Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (Trang 50)