Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là một tín ngưỡng dân gian, được bắt đầu hình thành khi trình độ tư duy lí luận của người Việt chưa phát triển đến trình độ cao. Do vậy, những quan niệm của người Việt được phản ánh trong đó cũng rất mộc mạc và không được trình bày và phổ biến dưới dạng kinh sách. Tuy nhiên qua thực tiễn, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định về các quan niệm về vũ trụ và nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trong tục thờ cúng tổ tiên, việc chôn cất người đã mất là một vấn đề rất quan trọng. Quan niệm của người Việt cho rằng, nếu sơ xuất trong việc chôn cất người đã mất có thể dẫn đến những điều không lành. Theo sự khảo sát của các nhà khảo cổ học: “Hầu hết những ngôi mộ thuộc văn hoá Phùng Nguyên được phát hiện ở lưu vực sông Hồng đều được quay đầu về hướng đông” [59;97]. Hiện tượng này được các nhà nghiên cứu cho rằng nó gắn liền với sự sùng bái mặt trời.
Như chúng ta biết, tín ngưỡng chủ yếu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời Hùng Vương ở đồng bằng Bắc Bộ là tín ngưỡng đa thần sùng bái tự nhiên như thờ thần núi, thần sông, thần mặt trời… Sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Với người Việt Nam sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, thì sự gắn bó với tự nhiên lại càng dài lâu và bền chặt. Vì vậy, dù là khi còn sống hay đã mất thì người Việt
cũng không tách rời với tự nhiên mà luôn muốn gắn bó với tự nhiên. Vậy nên, việc các ngôi mộ quay đầu về hướng Đông gắn với tư tưởng tôn sùng mặt trời cũng không có gì là khó hiểu.
Đối với người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, mồ mả là một không gian rất thiêng liêng, không chỉ đối với người đã mất mà cả với người đang sống. Mồ mả được coi là ngôi nhà của người đã mất. Dù đó là dòng họ nhiều người hay ít người, sang giàu hay cơ cực, quan chức hay bình dân… thì phần mộ tổ đời nào cũng được con cháu chú tâm chăm sóc nghiêm cẩn, hàng năm mỗi khi đến dịp lại tảo mộ và hương khói đầy đủ. Việc kiến thiết lăng mộ, nhất là mộ tổ thậm chí đã được các triều đại phong kiến đưa ra những quy định thành văn bản chính thức. Dưới thời phong kiến, các triều đại Trần, Lê, Nguyễn… đều ban hành những qui định xây dựng liên quan đến mồ mả. Dù ở bất cư nơi đâu và bất cứ khi nào, các thế hệ người Việt đều gắng sức giữ gìn, chăm sóc mồ mả tổ tiên và mong tổ tiên có được “mồ yên, mả đẹp”. Quan niệm dân gian vẫn luôn cho rằng người ta “Sống vì mồ mả, ai sống vì cả bát cơm”.
Mỗi khi đến dịp lễ tết hay ngày giỗ, hoặc khi có chuyện trọng đại trong gia đình, con cháu lại ra mộ tổ tiên thắp hương để xin phép mời tổ tiên về dự bữa cơm cùng với gia đình. Khi có chuyện trọng đại cần báo cáo hay khi nhớ về tổ tiên, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ ngoài việc thắp hương trên ban thờ tổ tiên thì vẫn thường hay ra mộ để bày tỏ tình cảm, vì đối với người Việt ngôi mộ là không gian quan trọng đối với người đã mất. Đó là nơi người đã mất thường cư ngụ và việc giữ gìn mộ phần của tổ tiên cũng là việc quan trọng đối với con cháu. Nếu gia đình, dòng họ nào không giữ được mộ phần của tổ tiên thì sẽ cảm thấy rất áy náy trong lòng.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ cũng đã cho chúng ta thấy quan niệm có thế giới bên kia, bên cạnh thế giới hiện thực. Như vậy, ngoài không gian đang hiện hữu trước mắt, với người Việt,
còn một không gian nữa vô hình nhưng lại song song tồn tại với thế giới của những người đang sống.
Đối với người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, cái chết không phải là sự kết thúc cuối cùng của một kiếp người. Mà đó là sự bắt đầu bước vào một thế giới khác. Đó là quá trình chuyển di sự sống từ thế giới bên này có thực sang thế giới bên kia, từ thế giới của những người sống sang thế giới của những người chết. Vì nhận thức rằng, sau khi mất đi, con người vẫn có một cuộc sống tiếp tục diễn ra ở thế giới bên kia nên người Việt cổ chôn cất người chết với hình ảnh như đang sống để bắt đầu chuẩn bị bước vào một thế giới khác. Người chết được chôn với tư thế của những người đang sống, đó là tư thế ngồi xổm, ngồi xổm bó gói - tư thế ngồi đặc trưng của người Việt cổ. Tư thế này còn được ghi chép trong sách Tùy thư của Trung Quốc khi nhận định về tập tục của người dân ở quận Giao Chỉ và Nam Hải rằng “ngồi xổm là tục cũ của họ” [35;152].Người Việt quan niệm người chết vẫn phải lao động để duy trì cuộc sống ở thế giới bên kia và họ vẫn có nhu cầu làm đẹp là lý do để người sống chôn theo người chết những vật dụng như công cụ lao động và đồ trang sức. Cư trú trên một địa bàn ngập trũng với mạng lưới sông ngòi dày đặc nên người Việt đã sớm sáng chế phương tiện đi lại thích ứng với môi trường ngập lụt quanh năm đó là di chuyển bằng thuyền. Vì mang theo lối tư duy dịch chuyển bằng thuyền của cư dân nông nghiệp lúa nước nên người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đã thiết kế những thân cây khoét rỗng giống hình con thuyền độc mộc để chôn người chết. Họ hy vọng và mong mỏi nhờ những con thuyền đó, người chết sẽ bình an, có phương tiện đi lại và có thể tiếp tục sống một cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Ở nước ta, hiện nay đã có gần 30 di tích có quan tài hình thuyền thuộc văn hoá Đông Sơn được khai quật và nghiên cứu. Nổi tiếng như khu mộ Việt Khê (Hải Phòng), hay Châu Can (Hà Tây).
tìm thấy các hiện vật như các lưỡi cuốc trong các mộ cổ của người xưa. Cùng với đó, “Trong các ngôi mộ đào được ở di chỉ Lũng Hoà (Phú Thọ) có chôn theo người chết rất nhiều loại công cụ, vật dụng, đồ trang sức như: rìu, đục, bàn mài và đồ trang sức bằng đá như vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi hoặc nồi, bình, bát, dọi xe chỉ bằng gốm. Đặc biệt trong một số mộ, còn thấy có xương hàm lợn, có mộ có đến ba chiếc” [59;101]. Cư dân nơi đây chôn đầu lợn theo người chết hẳn là quan niệm đầu lợn có tác dụng đối với người đã khuất ở thế giới bên kia. Cũng có thể đây là một hình thức mang tính ma thuật, bùa phép.
Tất cả những dữ liệu đó, cho chúng ta thấy về quan niệm tồn tại thế giới bên kia của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, căn cứ vào những thành tựu nghiên cứu của khảo cổ học, dân tộc học, sử học cùng với sự xuất hiện, phát triển ngày càng phong phú các loại hình huyệt mộ qua các nền văn hóa khác nhau, chúng ta có cơ sở khoa học xác đáng để khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ mà trước hết là tổ tiên dòng tộc có nguồn gốc bản địa. Sự du nhập của các tôn giáo khác cùng với những ảnh hưởng của nó xuất hiện sau khi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời.
Đối với người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, thì vũ trụ được nhìn nhận là một tổng thể nhiều thành phần, các thành phần ấy làm nên một chỉnh thể thống nhất, một hệ thống toàn vẹn với những mối liên hệ nội tại có quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng vừa phong phú và đa dạng.
Điều đó thể hiện ở việc không gian trong vũ trụ không phải đơn thuần chỉ có một phạm vi, mà theo quan niệm của người Việt, không gian gồm có: cõi sống (cõi dương), cõi trời và cõi âm.
Cuộc sống thực tại của con người đang sống được diễn ra ở cõi dương hay còn gọi là trần thế. Và cõi âm là nơi các linh hồn đã mất cư trú hay còn gọi là âm phủ. Âm giới là một quan niệm tồn tại ngay từ thời nguyên thủy và
nó tiếp tục được trải dài trong các nền văn hóa từ cổ đại, trung đại, cận đại đến tận ngày nay. Quan niệm về cõi âm góp phần phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan trong đời sống tinh thần của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Người Việt xưa quan niệm, cõi âm cũng có một xã hội như cõi dương và người sống cần phải cúng tế đầy đủ, chu đáo cho người đã mất để họ có được một cuộc sống đầy đủ, không thiếu thốn sau khi mất. Ngày nay, tư tưởng này vẫn còn rất phổ biến ở người Việt. Chính vì vậy, trong xã hội, hiện tượng đốt vàng mã diễn ra rất phổ biến cũng là bởi quan niệm này. Người ta vẫn thường hay nói câu : “ trần sao âm vậy”. Dưới đất có thổ địa và thổ công cai quản. Trước khi cúng tế, người Việt vẫn thường hay xin phép thổ công, thổ địa.
Đối với người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, quan niệm đất là nơi sinh ra thì cũng là nơi trở về tồn tại rất phổ biến. Chính vì vậy, hình thức mai táng người thân theo kiểu thổ táng là phổ biến nhất. Người Việt thường chọn những mảnh đất đắc địa, phong thủy đẹp để đặt mả. Phong thủy không phải là một yếu tố đơn lẻ mà là tổng hợp hàng loạt yếu tố về địa hình, hình sông thế núi xung quanh nơi đặt mộ. Huyệt cát hay hung ảnh hưởng đến người đã khuất và cả người đang sống. Như vậy, mồ mả không chỉ là nơi chôn cất người chết mà còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng khác. Mồ mả trong 4 đời nên chôn kín và cố định. Việc giữ gìn tránh để động mồ động mả có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu không việc động mộ sẽ gây tai họa đến người sống. Theo quan niệm của người Việt, nếu để hiện tượng này xảy ra thì con cháu trong gia đình sẽ gặp họa như đau ốm, tai nạn, làm ăn thất bát… Quan niệm này vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Chúng ta có thể thấy rằng quan niệm về thế giới bên kia của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ có điểm tương đồng với một số tôn giáo như Phật giáo, Ki tô giáo, Nho giáo… Điểm tương đồng ở chỗ tất cả các quan niệm này đều
thừa nhận có tồn tại thế giới sau khi con người chết, mặc dù cách biểu đạt có thể khác nhau. Tuy nhiên, quan niệm của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ về thế giới bên kia lại chứa đựng nhiều nét khác biệt tạo nên bản sắc riêng.
Nếu như với người Việt, cuộc sống của con người sau khi chết là điều vô cùng quan trọng thì các nhà tư tưởng Nho gia ở Trung Quốc chủ trương chỉ chú trọng đến sự sống, ít quan tâm đến cái chết. Nho giáo quan niệm, tuy cuộc đời của con người người có hạn nhưng nếu biết tu dưỡng học vấn đạo đức có thể khiến tinh thần tồn tại vĩnh hằng bất tử. Nếu lúc sống con người biết biết nỗ lực cố gắng tối đa trong mọi công việc thì đến cuối đời có thể ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Những người theo Khổng giáo “Dường như tin rằng, mặc dù các thần tồn tại và việc thờ cúng và lễ nghi có giá trị đoàn kết mọi người, những điều này có tầm quan trọng thứ yếu so với một trật tự xã hội công bằng và hợp lí. Việc cầu nguyện thần linh không được ngăn cản con người thi hành các bổn phận chính đáng đối với xã hội” [48;301]. Còn các nhà tư tưởng của Đạo giáo thì đề ra phương châm “sống chết là do sự biến hóa của khí, thuận theo lẽ tự nhiên” [ 65;89 ], coi sự sống hay cái chết đều là những hiện tượng tự nhiên, con người không nên suy nghĩ hay bàn tới nhiều.Vì thế, nếu con người giữ tâm lí thoải mái, không quá xem trọng sự sống của mình, thì sẽ càng dễ bảo toàn được sinh mệnh. Quy trình sinh, lão, bệnh, tử đều diễn ra theo tự nhiên, chết chính là sự yên nghỉ, sống hay chết là do khí tụ lại hay tan ra mà thôi. Như vậy, các nhà tư tưởng của Đạo giáo có quan niệm coi vấn đề sống – chết của con người là bình thường, nên để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
Đối với Phật giáo, mặc dù có thừa nhận sự tồn tại của thế giới sau khi con người mất nhưng với Phật giáo, những hành động của con người ở cuộc sống hiện tại có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau khi mất. Nếu như ở hiện tại, con người biết sống tốt, nghe theo lời dạy của Phật, thì chẳng những gặp
điều lành ở hiện tại, mà ngay cả sau khi mất đi, cũng gặp điều lành. Cuộc sống ở hiện tại, cũng chính là nhân cho quả nghiệp sau khi con người mất.
Như vậy quan niệm về thế giới sau khi mất của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang nhiều nét rất riêng bên cạnh điểm chung là sự thừa nhận thế giới sau khi con người mất. Người Việt không những coi trọng cuộc sống ở thế giới hiện tại mà ngay cả thế giới sau khi mất người Việt cũng đặc biệt coi trọng. Vì vậy, họ đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết cho thế giới bên kia của người đã khuất. Đây là một nét độc đáo của người Việt. Dựa trên những đặc thù về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của mình mà người Việt đã đưa những điều ấy vào thế giới sau khi họ mất đi.
Với những đặc thù cơ bản ấy, mặc dù về sau tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ tuy có chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhưng quan niệm về vũ trụ của người Việt vẫn luôn mang bản sắc riêng không bị hòa lẫn với tôn giáo, tín ngưỡng khác.
Bên cạnh đó, không gian trong quan niệm của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ còn có “Trời”. Trời là một thể bao quanh Đất và Người, ở trên cao, bao gồm khoảng không, mặt trời, tinh tú, có hình tròn, màu sắc thay đổi. Về bề nổi, con người có thể nhìn thấy được phần nào. Trời có trước đất và người. Trong không gian ấy, người cai quản tối cao của trời được dân gian gọi một cách quen thuộc là “ông Trời” hay còn gọi là Ngọc Hoàng. Ông Trời cư ngụ ở trên trời, là chủ thể tối cao có quyền định đoạn số mệnh của cả người sống và người chết. Theo quan niệm của người Việt, ông Trời sáng tạo ra muôn loài, từ cỏ cây, hoa lá đến con người. Nói như đại thi hào Nguyễn Du trong truyện
Kiều:
“ Ngẫm hay muôn sự tại Trời Trời kia đã bắt làm người có thân Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Trải qua rất nhiều thế kỷ biến động, ngay cả sau khi có các tôn giáo từ bên ngoài như Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo với hệ thống lí luận chặt chẽ truyền đến, người dân Việt vẫn lấy tín ngưỡng thờ Trời làm nền tảng để tôn thờ, từ đó giữ gìn truyền thống của dân tộc, gia đình. Cả ba tôn giáo nói trên đã góp phần củng cố thêm cho niềm tin con người phải biết sống hợp với Đạo Trời. Người Việt mỗi khi cầu khấn vẫn thường niệm "Cầu Trời Khấn Phật." Hợp với ý Trời, thuận lòng người là đạo lý mà người Việt cố gắng giữ gìn và phát huy. Chính vì đó mà người dân Việt thờ Trời.
Ngay từ thời các Vua Hùng dựng nước, người Việt đã biết thờ Trời. Mỗi