Nội dung của Chương 1 đề cập đến các khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý và quản lý nhà trường, hoạt động dạy học và quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động dạy học thực hành nhóm nghề Công nghệ thông tin ở Trường Trung cấp Nghề. Quản lý dạy học thực hành ở trong nhà trường là bộ phận hữu cơ của quản lý dạy học, quản lý đào tạo và quản lý nhà trường nói chung. Những mảng quản lý khác tại cấp trường xét đến cùng là để hỗ trợ quản lý dạy học và đào tạo của trường.
Nội dung chủ yếu của quản lý hoạt động dạy học thực hành nói chung và hoạt động dạy học thực hành nhóm nghề Công nghệ thông tin ở Trường Trung cấp Nghề nói riêng bao gồm: Quản lý mục tiêu dạy học thực hành; Quản lý nội dung, kế hoạch, chương trình dạy học thực hành; Quản lý phương pháp dạy học thực hành; Quản lý hoạt động dạy thực hành của giáo viên; Quản lý hoạt động học của học sinh; Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị; Quản lý kiểm tra đánh giá dạy học thực hành.
Đối với Trường Trung cấp Nghề Đồng hồ - Điện tử - Tin học Hà Nội, việc vận dụng lý luận quản lý vào thực tế hoạt động dạy học có ý nghĩa hết sức
quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ đòi hỏi lực lượng lao động phải có trình độ, tay nghề và sức khỏe để đáp ứng được thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Nghiên cứu, vận dụng các giải pháp quản lý, góp phần làm phong phú năng lực chỉ đạo hoạt động dạy học là vấn đề rất có ý nghĩa đối với giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, khi mà chất lượng giáo dục – đào tạo đang còn nhiều bất cập, sẽ phần nào khắc phục những yếu kém, góp phần tăng cường chất lượng đào tạo, nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi trường dạy nghề để không ngừng phát triển, đáp ứng mục tiêu giáo dục – đào tạo của Đảng.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THỰC HÀNH NHÓM NGHỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ
ĐỒNG HỒ - ĐIỆN TỬ - TIN HỌC HÀ NỘI