Tốc độ cực nhanh của thông tin

Một phần của tài liệu Thông tin kinh tế - xã hội trên báo trực tuyến các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 26)

Báo trực tuyến có một lợi thế rất lớn đó là đưa tin nhanh. Đưa tin nhanh là tiêu chí hàng đầu của các báo trực tuyến. Những sự kiện thời sự nóng (breaking news) là trận địa nóng bỏng nhất. Các toà soạn báo trực tuyến thường huy động sức mạnh tổng lực cho những sự kiện này.

Để chạy đua đưa tin sớm nhất, ngay khi sự kiện diễn ra trong vòng vài phút đầu, báo trực tuyến đã có thể chạy “tít” và viết một câu mở đầu thông báo bản chất vấn đề để lôi cuốn bạn đọc (hay còn gọi là đặc thù "bài báo mở"). Sau đó bổ sung dần thông tin, ảnh, tiếng động, băng hình để độc giả có thể theo dõi dòng sự kiện liên tục, hấp dẫn không kém trên tivi. Tin tức những ngày cuối tháng 9/2007 ghi nhận: Sự kiện sập cầu Cần Thơ xảy ra lúc 7h55 phút sáng ngày 26/9/2007, thì chỉ 1h30 phút sau, Tuổi trẻ online (TTO) vào lúc 9h30 phút đã lên bài đầu tiên và thực hiện “tiếp tục cập nhật”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự khoá họp 62 Đại hội đồng LHQ đến sân bay JKF NewYork 9h30 phút địa phương, tức là 20h30 giờ Việt Nam ngày 25/9 thì chỉ 3 tiếng sau, cách đúng nửa vòng trái đất, lúc 23h31 cùng ngày VietNamnet đã có bản tin đầu tiên. Với 3 tờ báo trực tuyến Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang do không phải chạy đua về tin tức với bất kỳ tờ báo nào, nên khả năng này hầu như không được tận dụng. Một sự kiện nóng xảy ra, phóng viên của các tờ báo này không sử dụng những thủ thuật như chạy "tít"... sau đó mới bổ sung hình ảnh, thông tin ...mà thường đợi cho tới khi sự kiện kết thúc mới đưa một thể. Điều này đã làm cho 3 trang báo này đánh mất khả năng hấp dẫn độc giả rất nhiều.

Để tranh thủ độc giả, để thể hiện sự nhanh nhạy, báo trực tuyến không đòi hỏi phóng viên phải viết bài hoàn chỉnh rồi mới “duyệt” cho xuất bản mà sử dụng thủ pháp có đến đâu đưa ngay đến đấy. Hầu như tất cả các sự kiện quan trọng, sự kiện nóng, bạn đọc thường thấy bốn chữ “tiếp tục cập nhật” xuất hiện trên các báo trực tuyến. Đặc biệt, các toà soạn báo trực tuyến còn có thể tường thuật trực tiếp sự kiện bằng hình ảnh (web TV) và bằng chữ để độc giả có thể theo dõi liên tục sự kiện đang diễn ra.

Có thể khẳng định, về khả năng đưa tin cực nhanh của báo trực tuyến là quán quân trong cuộc truy tìm nước rút. Độc giả không cần phải chờ đến giờ

ra báo, điểm phát hành, thời gian phát sóng…mà vẫn có thể sở hữu được những thông tin cần thiết một cách nhanh nhất, cập nhật liên tục nhất. Sự kiện cháy sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra lúc 4h sáng ngày 27/10/2008, chỉ 2h sau đó, vào lúc 6h các tờ báo trực tuyến như Vnexpress, Dân trí...đã đưa tin tức lên mạng, trong khi báo in không thể đưa lên được trong ngày mà phải đợi tới hôm sau mới đưa tin.

Tuy nhiên, do phải chạy đua với sự kiện với các tờ báo khác, nên báo trực tuyến gặp không ít sai sót từ nội dung thông tin đến ngôn từ. Tuy nhiên, với một hệ thống thu thập thông tin phản hồi nhanh nhạy, rộng khắp, báo trực tuyến đã được bạn đọc và ngay cả những người trong cuộc chỉ ra những sai sót, và ngay lập tức toà soạn chỉnh sửa, bổ sung, chuyển hướng thông tin, chuyển hướng khai thác vấn đề…một cách nhanh chóng.

Để đảm bảo tôn trọng sự thật, Quy chế cải chính trên báo chí của Bộ văn hoá thông tin9 (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) quy định rõ: “Thời hạn cải chính là chậm nhất một ngày đối với báo điện tử trên mạng Internet, sau năm ngày đối với báo in ra hàng ngày, cách ngày đối với báo nói, báo hình”. Điều này cho thấy cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam rất quan tâm tới tiến độ xử lý những thông tin thiếu chuẩn xác, trong đó báo trực tuyến phải cải chính ngay trong một ngày. Với quy định này, đòi hỏi người làm báo trực tuyến, đi đôi với nhanh nhạy, phải coi trọng tính chính xác. Không thể vì dễ dàng đính chính trong một ngày mà coi nhẹ tiêu chí quan trọng số một của báo chí là tính chính xác, khách quan và trung thực.

Một phần của tài liệu Thông tin kinh tế - xã hội trên báo trực tuyến các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 26)