7. Khung lý thuyết
1.3.2. Nội dung giảng dạy
Nội dung dạy học là hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, những cách thức hoạt động sáng tạo và những tiêu chuẩn về thái độ liên quan đến một ngành nghề nhất định mà sinh viên cần nắm vững phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường đại học.
Nội dung dạy học đại học là phạm trù cơ bản của Lý luận dạy học đại học, là một hệ toàn vẹn, tích hợp thể hiện sự thống nhất của hai mặt bản chất của xã hội và lý luận dạy học. Về mặt xã hội, nội dung dạy học đại học là mô hình của kinh nghiệm xã hội (tập hợp những tri thức, kĩ năng, thái độ) cần truyền thụ cho sinh viên thông qua dạy học. Về mặt lý luận dạy học, nội dung dạy học đại học là mô hình lý luận dạy học của đơn đặt hàng xã hội (yêu cầu của xã hội) đối với sinh viên và thích hợp cho sự lĩnh hội của sinh viên.
Nội dung dạy học đại học là một nhân tố của hoạt động dạy học đại học, có mối quan hệ biện chứng với các nhân tố khác như mục tiêu, nhiệm vụ dạy học, hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của sinh viên, phương pháp, phương tiện dạy học và cách kiểm tra, đánh giá tạo nên hoạt động dạy học phong phú, đa dạng.
Nội dung dạy học đại học là một bộ phận được lựa chọn từ hệ thống kinh nghiệm chung của loài người, đặc biệt từ hệ thống kinh nghiệm riêng về ngành nghề nhất định và đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phản ánh những yếu tố cơ bản của nền văn hóa tương ứng;
- Phù hợp với mục đích giáo dục, mục tiêu đào tạo nói chung, mục tiêu và nhiệm vụ dạy học nói riêng của ngành nghề nhất định;
- Phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước và khả năng, trình độ nhận thức của sinh viên.
Từ đó có thể hiểu nội dung dạy học đại học là một hệ thống gồm bốn thành phần cơ bản sau đây:
- Hệ thống những tri thức khoa học về tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ thuật và về các cách thức hoạt động có liên quan đến ngành nghề nhất định. Sự
lĩnh hội yếu tố này sẽ giúp cho sinh viên hình dung được bức tranh thế giới khách quan nói chung, bức tranh về ngành nghề tương lai của mình nói riêng, đồng thời, nắm được cách tiếp cận phương pháp luận đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. Hệ thống những tri thức này bao gồm tri thức cơ bản, tri thức cơ sở của chuyên ngành, tri thức chuyên ngành và tri thức công cụ.
- Hệ thống những kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp tương lai cũng như về nghiên cứu khoa học và tự học. Sự lĩnh hội yếu tố này sẽ giúp cho sinh viên nắm vững hệ thống những kĩ năng, kĩ xảo chuyên biệt, đảm bảo cho việc tổ chức và thực hiện hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. Nhờ có khả năng lặp lại những kinh nghiệm nghề nghiệp mà các thế hệ đi trước đã tích lũy được mà sinh viên góp phần tái tạo và bảo tồn được di sản văn hóa. Vấn đề đặt ra là trên cơ sở mục tiêu đào tạo nói chung, mục tiêu, nhiệm vụ dạy học nói riêng, giáo viên phải xác định rõ hệ thống kĩ năng, kĩ xảo liên quan trực tiếp đến cách “hành nghề” tương lai của sinh viên.
- Hệ thống những kinh nghiệm hoạt động sáng tạo. Hoạt động học tập nói riêng và hoạt động nghề nghiệp nói chung phải là những hoạt động sáng tạo. Nhờ những kinh nghiệm sáng tạo. mà trong quá trình học tập và khi ra đời, sinh viên không chỉ có năng lực lặp lại những kinh nghiệm nghề nghiệp mà các thế hệ đi trước đã tích lũy được mà họ còn có năng lực vận dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo, làm cho chúng phong phú hơn, sâu sắc hơn. Nhờ vậy, nền văn hóa không những được bảo tồn mà còn phát triển không ngừng.
- Hệ thống những kinh nghiệm về thái độ đối với thế giới, đối với con người, đối với nghề nghiệp. Sự lĩnh hội yếu tố này giúp cho sinh viên có cách ứng xử đúng đắn, thích hợp với mọi mối quan hệ với đất nước, xã hội, con người, với hoạt động nghề nghiệp của mình.
Bốn thành phần trên đây tuy có những chức năng riêng biệt, nhưng liên quan mật thiết với nhau, dựa vào nhau và hỗ trợ cho nhau. Chúng được đưa
vào nội dung dạy học đại học trên cơ sở tính đến mục tiêu đào tạo, mục tiêu và nhiệm vụ dạy học của các ngành cụ thể, tới hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của đất nước cũng như đặc điểm tâm - sinh lí của sinh viên.