Thông tin về bệnh dịch

Một phần của tài liệu Thông tin y tế - sức khỏe trên báo in hiện nay (Trang 25)

7. Kết cấu của luận văn:

2.1.2.Thông tin về bệnh dịch

Trong những năm qua, báo chí đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của các chương trình y tế và vào thành công của các chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức về y tế cho mọi người. Có thể nói, việc đưa tin về dịch bệnh là một nội dung được xuyên suốt trong các số báo của tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống. Những năm gần đây toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong khoảng thời gian tiến hành nghiên cứu, ở nước ta xuất hiện một số loại dịch bệnh theo mùa, một số dịch bệnh ở trẻ em khiến xã hội quan tâm lo lắng. Trước mỗi đợt dịch bệnh trong năm, báo Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đều có những bài viết cảnh báo, cung cấp những thông tin để phòng ngừa, khống chế dịch bệnh cho cộng đồng. Trong thời gian khảo sát của luận văn, có 3 loại dịch bệnh được đề cập đến nhiều trên hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống là dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh chân tay miệng, dịch tiêu chảy ở trẻ em, trong đó dịch chân tay miệng được nói đến nhiều nhất, dàn trải trong suốt khoảng thời gian một năm. Khảo sát tin bài trên Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống cho thấy, số lượng tin bài được đưa nhiều cũng

trùng khớp với thời điểm dịch chân tay miệng tăng cao (từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm). Cụ thể, trong tháng 6 năm 2011, trên báo Khoa học & đời sống có bài: “Khử khuẩn phòng bệnh chân tay miệng” (số 70, ra ngày 11/6/2011) đề cập đến 1 số phương pháp khử khuẩn nhằm đề phòng dịch bệnh truyền nhiễm cho trẻ em trong đó bệnh chân tay miệng, với sự tư vấn cho ý kiến của Ths.BS Lê Hồng Nga - Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM; số 74, ngày 21/6/2011 có bài: “Chế độ dinh dưỡng phòng trị bệnh tay chân miệng” với sự tư vấn trả lời của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM…

Đối với báo Sức khỏe & đời sống - tờ báo của Bộ y tế thì trong tháng 6/2011, báo đã đưa tất cả 12 tin bài về dịch bệnh chân tay miệng với nội dung phong phú, cập nhật những thông tin đa chiều về bệnh chân tay miệng. Trong đó, báo đã đề cập đến vấn đề phòng chống dịch bệnh, hướng giải quyết dịch bệnh, diễn biến dịch bệnh trên cả nước, các điểm nóng bùng phát dịch bệnh, kết quả đạt được đối với việc đẩy lùi dịch bệnh,… Khi theo dõi nội dung các bài viết, độc giả có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh về việc diễn biến của dịch bệnh. Chỉ riêng trong tháng 6, tình hình dịch bệnh chân tay miệng ở trẻ em đã được báo Sức khỏe & đời sống phản ánh nhiều chiều, tại nhiều địa phương: Cần Thơ, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ngãi. Các bài viết đa dạng, nhằm cung cấp cho cộng đồng những thông tin mới, cập nhật nhất về tình hình diễn biến của dịch bệnh, số lượng các ca mắc mới, cách phòng chống, xây dựng phác đồ điều trị,…

* Thông tin về số lượng người mắc bệnh

Đối với mỗi loại dịch bệnh, hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của dịch. Trước tiên, hai báo thông tin về số lượng người mắc bệnh. Trên tờ Khoa học & đời sống, một số bài viết nổi bật chứa đựng thông tin về số lượng người mắc bệnh như “Hà Nội – số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng”. Bài viết đã chỉ ra sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết và một số dịch bệnh khác: “Thông tin từ trung tâm y tế dự

phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2010. Hà Nội cũng ghi nhận 141 trường hợp mắc tiêu chảy cấp, gần 600 ca sốt phát ban, 4 ca dương tính với sởi. Nguyên nhân là do diễn biến của dịch đang ở giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, nhất là tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết, cộng với việc thời tiết diễn biến thất thường, độ ẩm cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh. Cùng với đó là ý thức của người dân chưa cao…”

Trên báo Khoa học & đời sống đã có những bài viết thống kê thông tin về số lượng người mắc bệnh. Số 113 đã chỉ ra: “Cho đến ngày 19/9/2011, cả nước đã có 47.600 ca mắc tại 61 địa phương, trong đó 102 người đã tử vong”. Hay như bài: “Dịch tay chân miệng bùng phát” (số 32) đề cập đến thông tin số lượng trẻ mắc bệnh này có xu hướng tăng cao, bài viết có đoạn: “Thường tháng 6 đến tháng 9 mới là mùa dịch tay chân miệng, nhưng ngay từ đầu năm, các ca bệnh tay chân miệng đã ồ ạt nhập viện. Điều bất thường là rất nhiều ca bệnh không tiếp xúc với nguồn lây, có triệu chứng không điển hình nhưng lại diễn biến nhanh, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi…” Đối với tờ Sức khỏe & đời sống, bài viết thống kê thông tin về số lượng người mắc bệnh cũng xuất hiện khá nhiều. Ở số 78, ngày 30/6 có tin “40 ca tử vong do bệnh chân tay miệng” đề cập đến việc “Ngày 29/6, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng cục y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca mắc bệnh chân tay miệng, cao hơn nhiều so với năm 2009, 2010: mỗi năm 10.000, trong đó gần 40 trường hợp tử vong. Phần lớn ca bệnh là trẻ nhỏ, tập trung chủ yếu ở miền Nam”. Trong số 97 ra ngày 25/6/2011, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra rằng: trung bình mỗi năm có từ 25.000 - 76.000 ca bệnh sốt xuất huyết và từ 45 - 111 ca tử vong do sốt xuất huyết trên khắp cả nước. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2011 đến 5/2011, cả nước ghi nhận trên 8.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trung bình số người mắc sốt xuất huyết là 500 ca/tuần, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010. Hơn nữa, dịch sốt xuất huyết từ đầu năm 2011 có chiều hướng

diễn biến bất thường với nhiều ca biến chứng nặng. Bệnh gia tăng ở các tỉnh thành phía Nam.

Dịch bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh ở trẻ em tăng cao theo từng giai đoạn. Đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến từng gia đình nên cần được báo chí quan tâm, theo dõi để đưa tin một cách nhanh chóng, chính xác. Việc thông tin kịp thời về dịch bệnh khiến cho người dân có thể kịp thời nắm bắt diễn biến lây lan, phát triển của bệnh, từ đó có phương pháp phòng ngừa, đối phó, ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Từ tháng 4/2011 đến 4/2012, trên cả nước ta đã xuất hiện dịch bệnh chân tay miệng, mà nổi bật là thời điểm tháng 6, tháng 7 và tháng 10 năm 2011. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu và khảo sát trên 2 tờ báo này từ tháng 4/2011 đến 4/2012 thì báo Sức khỏe & đời sống bám sát và đưa nhiều thông tin về dịch chân tay miệng hơn báo Khoa học & đời sống.

* Thông tin về phòng ngừa, cách phòng chống bệnh dịch

Ở mỗi dịch bệnh, hai tờ báo Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đều có những bài viết đề cập đến vấn đề phòng ngừa, phân tích nguyên nhân bùng phát, xu hướng điều trị các bệnh dịch. Đối với dịch sốt xuất huyết, trên báo Sức khỏe & đời sống, số 84 ra ngày 26/5/2011, “Cách chăm sóc và phòng bệnh sốt xuất huyết” của TS Bùi Vũ Huy (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương). Bài viết đã hệ thống các nguyên nhân gây bệnh, biểu hiện của sốt xuất huyết, diễn biến của bệnh, phương pháp điều trị sốt xuất huyết,…

Đối với dịch bệnh chân tay miệng, những thông tin về vấn đề phòng ngừa, phân tích nguyên nhân bùng phát, xu hướng điều trị cũng được hai báo chú trọng đăng tải thông tin. Trên Khoa học & đời sống đã có những bài viết phân tích về tình trạng chân tay miệng ở trẻ em thời gian gần đây, tiêu biểu như các bài: “Bệnh chân tay miệng - Dễ nhầm với bệnh khác” (Số 117, ngày 29/9/2011), bài viết đưa ra các triệu chứng ở bệnh nhân nhi mắc chân tay miệng, các thể bệnh, phương pháp điều trị, và đặc biệt phân tích, nhấn mạnh đến sự nhầm lẫn với một số các bệnh khác có triệu chứng tương tự như: viêm

loét miệng, các bệnh có phát ban da, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu, nhiễm khuẩn huyết, sốt xuất huyết, và các bệnh viêm não - màng não do vi khuẩn, virus, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi,…

Ở báo Sức khỏe & đời sống, số 109 có bài: “Cần hiểu đúng về bệnh chân tay miệng” của ThS Phạm Anh Tuấn với 3 nội dung chính: Nhận dạng bệnh chân tay miệng, các biến chứng nguy hiểm của bệnh, cần thực hiện tốt vệ sinh thân thể và ăn uống. Trên báo Sức khỏe & đời sống cũng có nhiều bài phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân của đợt bùng phát dịch chân tay miệng ở các địa phương. Việc đưa ý kiến nhận định của các chuyên gia sẽ làm cho người dân có cái nhìn khách quan về dịch bệnh, từ đó thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan dịch chân tay miệng.

So sánh trên hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống, tác giả luận văn nhận thấy, số lượng bài viết về dịch bệnh chân tay miệng ở cả hai tờ báo đều nhiều hơn số lượng bài viết về dịch sốt xuất huyết.

Bảng 2.2 Số lượng bài viết dịch chân tay miệng và dịch sốt xuất huyết

Báo Tổng số bài về dịch bệnh Dịch sốt xuất huyết Tỷ lệ Dịch chân tay miệng Tỷ lệ Khoa học & đời sống 125 47 37,6% 78 62,4%

Sức khỏe & đời sống 363 127 35% 236 65%

Dựa vào bảng trên chúng ta có thể thấy, tỷ lệ bài viết về dịch chân tay miệng được đưa nhiều hơn so với dịch sốt xuất huyết. Điều này khẳng định, hai tờ báo đang phản ánh thực trạng tình hình và diễn biến của dịch bệnh. Dịch chân tay miệng có mức độ nguy hiểm và chiếm được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn so với dịch sốt xuất huyết. Bởi vậy, cả hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đều dành cho dịch chân tay miệng số lượng tin bài nhiều nhất. Các bài viết trên hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đều sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, phòng ngừa để tránh dịch bệnh bùng phát,…

Trước thực trạng dịch bệnh sốt xuất huyết và chân tay miệng có chiều hướng tăng mạnh, Bộ Y tế đã có những biện pháp nhằm tuyên truyền và khống chế dịch bệnh. Những văn bản, nội dung hướng dẫn chỉ đạo của Bộ y tế, tình hình diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước đều được hai tờ Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống chuyển tải đến độc giả. Tuy nhiên, báo Sức khỏe & đời sống đã cập nhật đầy đủ hơn diễn biến dịch bệnh, các chỉ đạo của Bộ Y tế so với tờ Khoa học & đời sống. Bản thân tờ Sức khỏe & đời sống có hẳn chuyên mục “Các chương trình mục tiêu quốc gia” trong đó đề cập đến việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước. Điều này thể hiện, tờ báo rất quan tâm đến việc tuyên truyền phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho người dân.

Trên cơ sở cung cấp thông tin, báo Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống đã giúp ích cho ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Từ thông tin tuyên truyền của báo chí, người dân đã nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần làm giảm những ca nhiễm bệnh do thiếu hiểu biết, giải quyết phần nào tình trạng quá tải trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Bên cạnh đó, báo Khoa học & đời sống và Sức khỏe & đời sống cũng kịp thời đưa tin diễn biến mỗi khi có dịch bệnh xảy ra ở từng địa phương, giúp mỗi gia đình và cộng đồng hình dung được bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh.

Qua sự thống kê về số lượng bài viết cũng như nội dung tin bài trên 2 báo có thể thấy rằng, báo Sức khỏe & đời sống bám sát và đưa tin đều đặn, phong phú hơn về dịch bệnh. Theo khảo sát của tác giả luận văn, thông tin về diễn biến của dịch bệnh (số ca nhiễm, tình hình lây lan) là nội dung được các tờ báo tập trung đăng nhiều hơn cả, trong đó nếu báo Khoa học & đời sống chủ yếu chỉ đưa tin, thì báo Sức khỏe & đời sống đã có nhiều bài viết sâu hơn để phán ánh về dịch bệnh, trong đó có một số bài phỏng vấn các chuyên gia.

Một phần của tài liệu Thông tin y tế - sức khỏe trên báo in hiện nay (Trang 25)