Trả lời: Thiên đạo
Hỏi: Có điểm gì khách với đạo của phương Tây không?
Trả lời: Tương tự với học thuật của phương Tây nhưng có điểm khác. Tây học có ý cầu khấn nhiều chứ thực chất thì không có. Nhưng vận là một. Đạo thì giống còn quy luật thì khác. [18, 48]
Sau khi nhận và ngộ ra đạo „vô cùng vô tận‟, SuUn tự tin nói với những người tìm tới hỏi mình là “Thiên đạo”. Câu trả lời của SuUn cũng chứng tỏ người đã hiểu và tìm ra điểm khác biệt cơ bản giữa việc học về “Thiên đạo” của mình với việc học về “Thiên đạo” của người phương Tây. Người phê phán thái độ cầu nguyện vì chính bản thân mình chứ không phải vì Thiên chủ, thái độ không có thực chất hành động, thái độ không có trên dưới trong lời nói của người phương Tây.
“Thiên” được SuUn gọi là “Thiên chủ”. Còn Thiên chủ nói rằng “Con người gọi ta là thượng đế‟ và „quỷ thần cũng là ta‟. Dựa vào những ghi chép của SuUn thì rõ ràng, cuộc gặp „thần Trời‟ là cuộc gặp không định trước. Giả định có một vị thần được gọi là thần Trời, thì vị thần Trời đó là đối tượng chủ động gặp SuUn chứ không phải SuUn tìm tới gặp. Điều duy nhất SuUn đang tìm kiếm chính là „liệu có cách nào bảo vệ tổ quốc, trấn an dân chúng không đây?‟ [18, 28] trong khi “con người thế gian tự tạo ra tâm tính cho mình, không tuân theo lẽ trời, cũng không nghĩ tới mệnh trời. Thế nên tâm tính lúc nào cũng lo âu bất ổn con người không biết đặt tâm mình vào đâu” [18, 15] và “...ta nghe thiên hạ xôn xao chuyện con người của phương Tây nói là làm theo ý trời, không mưu cầu phú quý mà lộ rõ ý đồ muốn thâu tóm thiên hạ, lập giáo đàn mà hành đạo ấy” [18, 17].
Trong tất cả những gì SuUn ghi chép về “Thiên chủ”, chúng ta có thể biết được ít nhất hai điều. Thiên chủ còn được con người gọi là Thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao, là vị thần cao nhất mà tư duy của con người nghĩ tới, là tồn tại „hoàn mỹ‟, „toàn diện‟, là tồn tại mà con người hướng tới. Thiên
54
chủ trao cho SuUn đạo „vô cùng vô tận‟, trao cho SuUn lời dạy và tạo ra pháp mới để SuUn mở đạo. Dưới góc độ này thì đúng là SuUn là người được lựa chọn để thực hiện một sứ mệnh mà thần Trời trao cho. Không những vậy, Thiên chủ còn tự nhận mình là „quỷ thần‟. Quỷ thần vốn là những tồn tại khiến con người sợ hãi, gây hại cho con người hay những gì mà con người chưa biết. Vậy có nghĩa là thần Trời không đơn giản chỉ trao cho con người những gì con người mong muốn mà người trao cho cả những điều kỳ lạ, những bí ẩn mà con người chưa biết. Đặc điểm thứ hai là từ cuộc gặp của Thiên chủ với SuUn, chúng ta nhận thấy Thiên chủ không „gặp‟ SuUn dưới dạng thức thông thường, không ở một hình thù vật chất trông thấy - „ngó quanh mà không thấy‟. Người đối thoại với SuUn không phải bằng ngôn ngữ của âm thanh. SuUn nghe thấy tiếng nói ở đâu đó vọng lại, SuUn nhìn quanh tìm kiếm mà không trông thấy, ngóng tai nghe mà không nghe thấy gì. Vị thần Trời đã gặp SuUn vừa có tính bao quát, phổ rộng. Nhưng làm sao mà vị thần khổng lồ đó lại có thể hiển hiện ngay trong chính tâm tính của con người? Điểm mấu chốt ở đây chính là “tấm lòng ta cũng là tấm lòng con”. SuUn đã tiến hành một việc là kết nối cái vũ trụ to lớn về với bản thể cá nhân con người. SuUn vừa đặt con người và thần Trời vào một hệ thống, lại vừa tìm ra mối quan hệ giữa hai đối tượng trong hệ thống đó.
Một đặc điểm khác nữa là với cách thức xuất hiện của thần Trời như trên, con người không thể có một hình tượng thần Trời bằng xương bằng thịt hay có hình thù để tôn thờ, cũng không thể tạo ra một hình tượng nào đó và gán vào đó là biểu tượng thần Trời. Cách thức tiếp cận đặc biệt này với SuUn khiến cho con người không thể dựa vào đó để „nhân danh‟ như rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong lịch sử các học thuyết, tôn giáo. Nó cũng đẩy con người tới chỗ đối mặt trực diện và khám phá thần Trời, cũng không thể „nhân danh‟ ai đó để làm gì bởi ai ai cũng có tồn tại thần Trời trong mình giống như cơ thể hòa sinh. Ở đây có một vấn đề nữa mà chúng ta cần để ý là chữ “Thiên chủ”. Đây là
55
cách mà SuUn sử dụng để gọi tồn tại mà người được gặp. Vậy trong nhận định của SuUn, Thiên chủ là ai? Theo định nghĩa của SuUn thì „chủ‟ có nghĩa là „cái nói tới sự tôn quý mà đối xử như cha mẹ mình‟ [18, 56]. Vậy “Thiên chủ” là đối tượng mà ta phải tôn kính và đối xử như với cha mẹ mình. Mở đầu Luận học văn, người nói: “Cái được gọi là đạo của trời có vẻ như không có hình dạng nhưng có dấu tích”. Và SuUn còn nhận định tiếp về Thiên chủ: “Từ ngày xửa ngày xưa bốn mùa không đổi, thời gian trôi trong thế giới này hằng không đổi. Đây chính là dấu tích điều hòa của “Thiên chủ” được thể hiện dưới hạ giới” [18, 9]. Như vậy có thể thấy, trong nhận định của SuUn về thần Trời thì Thiên chủ rõ ràng là một vị làm công việc „điều hòa‟ vạn vật. Và công việc điều hòa đó không hề đơn giản mà nó cần cả một công sự nỗ lực không kết thúc. Nhưng bởi „đời sống của con người ngắn ngủi nên không biết được cái cuối cùng đó‟ mà thành ra vô ơn như SuUn đã phê phán: “Những người bình thường chưa biết nghĩ là phải cảm tạ mưa rơi, sương đọng, chỉ biết đó là cái tự vận động mà thành, không cần chút nỗ lực nào cả” [18, 11]. “... Đời sống của con người ngắn ngủi như sương sớm trên cành, chẳng thể nào biết được chính là ân huệ của Trời, cũng chính là dấu hiệu của hóa công” [18, 36]. Trong câu nói trên, chữ „ân huệ‟ cho thấy SuUn tôn kính „nỗ lực‟, „sự điều hòa‟ của thần Trời, không những vậy SuUn còn phê phán sự „không biết ơn‟ của con người trước Thiên chủ. Và „chỉ khi con người đối diện với cái chết, con người mới tìm tới Thiên chủ‟. Bởi con người bất lực với cái chết, con người không biết về cái chết. Và khi không biết gì, thì điều duy nhất và cuối cùng có thể làm chính là cầu nguyện.
Cách thức tư duy “thần Trời” là vị thần điều hòa vạn vật, không trông thấy nhưng có dấu tích, “ta sinh con ra thế giới này để dạy con người” cho ta liên tưởng tới cách thức tư duy trong thần thoại DanGun của người Hàn. Trong thần thoại DanGun, HwanUng là người con thứ được HwanIn – thần Trời cho phép xuống hạ giới để lập nghiệp. Còn trong Donghak, SuUn được vị thần
56
Trời giao cho nhiệm vụ “chữa bệnh, giáo huấn cho con người”. Đây là một trong những yếu tố dẫn tới nhận định rằng Donghak là học thuyết tiếp nối tiến trình lịch sử tư tưởng truyền thống của dân tộc Hàn từ khi mới lập nên nhà nước.
SuUn cũng đã viết lại những đặc điểm mà mình nhận định về Thiên chủ trong những lần đối thoại với các học giả khác: “Bởi người không chọn lựa đâu là thiện ác” [18, 69]. SuUn cũng cho rằng “Mệnh vốn do Trời giữ và việc giáng vạn dân xưa kia là do thánh nhân tìm ra”. Đến nay chúng ta vẫn chưa thể biết cuộc sống sau cái chết. Chữ “thánh nhân” có thể hiểu như khái niệm “trí thức” ngày nay. SuUn cũng kể lại rất rõ ràng những gì người được trao. Trong Bố đức văn, người ghi lại lời Thần Trời tuyên bố: “ta có linh phù ở đây, nếu gọi tên ra thì nó là thuốc tiên, còn hình dạng thì vừa là thái cực, vừa là cùng cùng. Con nhận lấy linh phù để chữa bệnh cho con người, nhận lấy chú văn để dạy cho con người” [18, 18]. Thần Trời tiếp tục: „Ta trao cho con đạo vô cùng vô tận, con mài giũa nó rồi mang ra giáo dưỡng thiên hạ. Ta viết ra lời dạy, tạo ra pháp mới để con mở đạo‟ [18, 42]. Còn một đặc điểm nữa về Thiên đạo do Thiên chủ nói: “Đạo của ta là vô vi lý hóa. Nếu giữ tấm lòng ấy, làm cho khí vận ngay thẳng, theo tính phẩm ấy, nhận lời dạy ấy thì mọi sự sẽ tuôn ra từ sự tự nhiên” [18, 50].
Tiếp theo là những cảm nhận của SuUn về Thiên đạo: Thái độ đầu tiên của SuUn chính là việc khẳng định Thiên đạo không phải giống mà là một với đạo của phương Tây, nhưng mặt khác, người cũng khẳng định về sự khác nhau giữa học thuật của phương Đông và phương Tây. Không những vậy SuUn còn phê phán chính những điểm yếu của học thuật về Thần Trời của phương Tây: “Tây học có ý cầu khấn nhiều chứ thực chất thì không có”. Và người cũng nói về Donghak : “người tu hành đạo này có vẻ như trống rỗng mà thực hành lại có, người chỉ nghe thôi thì có vẻ như có thực hành mà hóa ra rỗng tuếch”. Kết hợp với đặc điểm này là sự giải thích “Thiên đạo” theo Nho giáo:
57
“Nguyên hậu lợi trinh là đạo luôn như vậy của trời”. SuUn bắt đầu bằng những điều không thay đổi trong vô vàn cái thay đổi. „Cái như vậy‟ chính là Thiên đạo. Dấu vết của Thiên đạo chính là „nguyên hậu lợi trinh‟. Ứng với nó là việc của con người: xưa là “nhân nghĩa lễ trí”, nay là “thụ tâm chính khí”. SuUn nói rằng mình chỉ san định lại “thụ tâm chính khí” là gì mà thôi. Hẳn là SuUn đã lường trước tới khả năng con người dễ bị mê hoặc và bị làm cho mờ mắt bởi nhiều thứ trong đời sống của con người. Người khuyên “việc của con người là nắm bắt được cái lõi giữa của sự việc” bằng “thị Thiên chủ”, bằng “thụ tâm chính khí” và bằng “bất nhiên kỳ nhiên”. Nếu cần chỗ dựa, con người nên dựa vào Thiên chủ, mà Thiên chủ lại tồn tại trong chính bản thân mỗi con người. Như vậy là con người thị Thiên chủ được đặt ở vị trí tự tin vào bản thân mình, tự dựa vào bản thân mình và vào tồn tại Thần Trời bên trong mình. Nhưng trong quá trình nhận thức, con người mắc phải không biết bao nhiêu ngõ cụt, khoảng trống, sự hư vô, hay bức tường ngăn kiên cố. Khi đó điều có thể làm chính là “thụ tâm chính khí”, để lại một lần nữa củng cố lòng tin. Và cuối cùng “bất nhiên kỳ nhiên” để tư duy đúng mạch, tìm ra cái cốt lõi, cái cội nguồn của sự vật.
Cuối cùng SuUn viết: “Nhìn một cách toàn diện thì đạo này là đạo tin thì thành... Sau khi định tâm, lời nói không tin cũng thành tin, thì ấy là lòng tin. Cứ luyện theo cách này thì sẽ thành. Ôi hỡi tình và tín. Chẳng phải cái gì xa xôi. Người nói có tin rồi mới thành ra tình được” [18, 101]. Xét trong lịch sử, phần nhiều các sản phẩm mà con người được hưởng xuất phát từ „tình, kính, tín‟. Việc tạo ra sản phẩm nào đó nhiều khi xuất phát từ tình yêu và lòng kính trọng. Khổng Tử và học thuyết Nho giáo cũng xuất hiện trong tình cảnh thiên hạ chém giết lẫn nhau, gây cảnh loạn lạc và khốn khổ cho dân chúng. Động cơ sáng tạo bảng chữ cái “Huấn dân chính âm” của SeJong đại đế không đơn giản xuất phát từ sự tự tôn dân tộc, từ động lực xây dựng nền văn hóa với bản sắc riêng mà có cả tình yêu đối với dân chúng còn đang bị mù chữ và phải sử dụng
58
chữ Hán để biểu đạt tình cảm, suy nghĩ của mình. Hồ Chí Minh nhất quyết cùng cả dân tộc đấu tranh tới cùng để dành được độc lập không gì khác ngoài tình yêu dân tộc. Thế nhưng nếu không có lòng kính trọng, sự tôn trọng đối với người dân thì Hồ Chí Minh đã hoàn toàn có thể trở thành một nhà lãnh đạo độc tài hay một kẻ bán nước. Cũng như SeJong đại đế hoàn toàn có thể không bao giờ ban bố „Huấn dân chính âm‟ nếu không tin, không kính trọng dân chúng của mình. Người ta dựng tương Phật cũng phần nhiều vì sự tôn kính và tình yêu đối với Phật. Chính vì vậy, tư duy ngược dòng để tìm về nguồn cội, „tình, kính, tín‟ chính là cách thức tư duy để hiểu về “cái đại nghiệp khiến cho „vật‟ thành „vật‟, lý trí thành lý trí ấy phải xa vợi biết bao” như SuUn viết trong “Bất nhiên kỳ nhiên”.
Như vậy, với cách thức tư duy gắn việc điều hòa vạn vật trên thế giới này là công việc của Thiên chủ thì đại nghiệp của Thiên chủ chắc chắn sẽ là vô cùng vô tận, và ân huệ của Thiên chủ sẽ là lớn lao vô cùng. Thế nhưng con người, trong quan hệ giữa mình và đối tượng khác, đối tượng mà con người nghĩ tới và kính trọng đầu tiên, cũng là không thể chối bỏ chính là cha mẹ mình – người sinh ra mình. Chính vì vậy mà trong tư tưởng của SuUn, người ví sự tôn kính Thiên chủ như sự tôn kính cha mẹ. Điều này được thể hiện trong mệnh đề “thị Thiên chủ”. “Thị Thiên chủ” cũng là cách thức để tu hành đạo như SuUn nói.
Xuất phát từ cách thức tư duy phân tích, người phương Tây thường phân tách thế giới thần thánh và thần thánh với thế giới con người và con người. Vì vậy mà người phương Tây tin vào một phán quyết cuối cùng để có thể được lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Nhưng các tư tưởng phương Đông nói chung và tư tưởng Donghak nói riêng lại có đặc điểm điều hòa, dung nạp và nhất nguyên. Chính vì vậy mà các tư tưởng phương Đông thường chủ trương xây dựng nên thế giới thần thánh ngay trong hiện thực, không chờ đợi một sự phán quyết cuối cùng. Đặc điểm này chúng ta gặp trong tư tưởng Nho giáo, và
59
trong cả Donghak. Trong tư tưởng Donghak, chúng ta thấy được sự khác biệt này. Nếu như Thiên chúa giáo đặt tồn tại “Thiên chúa” như một đấng tối cao, đấng toàn năng - độc lập hoàn toàn với tồn tại con người, con người phải đợi tới khi qua thế giới bên kia để “thưởng thức” “thiên đàng” hay “hứng chịu” “địa ngục”. Trong tư tưởng Donghak, nơi nào có con người „thị Thiên chủ‟ thì nơi đó chính là thế giới thiên đàng. Một lần nữa, SuUn lại thể hiện tính chất vô cùng hiện thực trong tư tưởng của mình. Việc xây dựng một xã hội “thị Thiên chủ” được SuUn đặt vào tay của con người.
2.3.2. Si Cheon Ju (시천주, Thị Thiên chủ)
Donghak là học thuyết xuất phát từ phương Đông nên các đặc điểm của tư tưởng này chắc chắn có tính chất của một tư tưởng phương Đông. Đặc điểm đầu tiên là „phi bạo lực‟. Phật giáo mặc dù là một tư tưởng cách mạng vào thời điểm đương thời, bởi đức Phật đã làm hoán đổi hoàn toàn chế độ đẳng cấp tồn tại trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ nhưng Phật giáo cũng là tôn giáo cấm sát sinh triệt để. Khổng Tử sau khi hình thành nên học thuyết của mình quyết định lựa chọn con đường „thuyết phục‟ các minh quân thay vì cùng với các đệ tử của mình tạo lên một đội quân hùng mạnh đi chinh phạt và chấm dứt thời buổi loạn lạc, xây dựng xã hội „đại đồng‟ lý tưởng mà ông luôn mong muốn. SuUn và tư tưởng Donghak cũng mang các đặc trưng của truyền thống đó. Việc các đệ tử tiếp nhận tư tưởng này sau đó tạo ra cuộc cách mạng nông dân Donghak là một mặt khác của vấn đề nhưng trong Donghak, SuUn cũng đã lựa chọn cách thuyết phục, đưa ra một cách thức để tu luyện, mài đạo cho người tu luyện. Điểm mấu chốt của đặc điểm này là khái niệm “thị Thiên chủ”. Đây cũng là điểm mấu chốt mà SuUn nhấn mạnh trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và con người trong xã hội.