Miêu tả tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 66)

1. Nghệ thuật miêu tả

1.2Miêu tả tâm lý nhân vật

Điểm đặc biệt đầu tiên của nhân vật người lính trong tiểu thuyết hậu chiến là họ không bộc lộ mình trong những sự kiện ác liệt được lấy làm bối cảnh chính của tác phẩm, bằng kỹ thuật dòng ký ức của nhà văn, người lính hiện lên như một “kiểu nhân vật hành động” mà chủ yếu xuất hiện trong trạng thái suy tư, chiêm nghiệm, “sống với thời gian hai chiều”. Người lính trong tiểu thuyết hậu chiến vừa là con người của thời hiện tại, trực tiếp đối mặt với cuộc sống thường ngày vừa là con người của quá khứ trong nhu cầu nhận thức lại quá khứ ấy. Một mặt, họ ý thức rõ ràng về sự tồn tại của bản thân khi đã đi qua một thời khói lửa với tư cách của người chiến thắng; mặt khác, cái giá phải trả cho chiến thắng ấy nhiều lúc lại dẫn dụ họ ngoái nhìn về quá khứ. Chiến trường xưa với diễn biến của một chiến dịch, một trận càn, những đồng đội thân thiết hay chỉ thoáng biết nhau qua một lần gặp gỡ… khiến những cựu binh sống lại trong chiến thắng và mất mát, tình yêu và hận thù, sự đầm ấm của tình người và cả những cay đắng trước sự yếu hèn, bội phản.

Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã đặt Hai Hùng trong sự đan bện đồng

thời của hai diễn trình: một cuộc hành trình tâm tưởng tìm về quá khứ và một cuộc hành trình hướng vào thực tại để xác minh lại quá khứ ấy. Cuộc gặp gỡ tình cờ với người phụ nữ tưởng có số phận đã chôn chặt cùng quá khứ của anh,

bỗng chốc xáo tung tất cả hiện tại. Quá khứ trỗi dậy làm phần đời còn lại của người lính đã bị chiến tranh vắt kiệt trở thành những tháng ngày không yên ả giữa thời bình. Đó cũng là chủ đề mà Chu Lai hướng tới trong tiểu thuyết trước

đó: Vòng tròn bội bạc (1987). Cuộc sống thời bình ác nghiệt đã xô đẩy bốn

người lính may mắn của cả một đại đội còn sống sót đi theo những ngả đường khác nhau, thậm chí tình cảm đồng đội thắm thiết khi xưa cũng nhanh chóng phai nhạt trước sức cám dỗ của đồng tiền. Con người còn giữ trong mình những tình cảm tốt đẹp của thời đã qua trở thành lạc lõng mà không dám tin rằng mình lạc lõng. Vì thế, quá khứ luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi, quá khứ đeo đẳng suốt cuộc đời họ.

Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã vượt lên một số nhà văn cùng

thời về kỹ thuật tiểu thuyết... Nỗi buồn chiến tranh đã chứng tỏ một cây bút

tiểu thuyết sắc sảo, có chiều sâu. Trong tác phẩm này, người đọc bắt gặp kiểu nhân vật “bệnh lý” của Dostoievski, thủ pháp độc thoại nội tâm và dòng ý thức của Faulkner, bút pháp gián ghép điện ảnh của M.Duras... Nhưng, thủ pháp đậm đặc nhất trong Nỗi buồn chiến tranh là thủ pháp độc thoại nội tâm. Thủ pháp này chi phối hàng loạt các vấn đề xử lý nghệ thuật trong văn bản... Các phương thức lưu chuyển, dồn nén, kéo căng không - thời gian và đặc biệt kiểu kết cấu phi logic đều tuân thủ nguyên tắc nghệ thuật này. Toàn bộ tác phẩm được tái hiện qua dòng kí ức của nhân vật Kiên. Những mảng kí ức lộn xộn, lắp ghép, đan xen, bấn loạn... Tất cả ùa về, ứ đầy, đông cứng, nghẹn tắc trong thế giới nội tâm nhân vật. Nhân vật dường như không tồn tại trong không thời gian thực, cuộc sống của Kiên đã dồn vào quá khứ, bị quá khứ chiến tranh níu giữ, bào mòn, gặm nhấm... Nó ám ảnh Kiên trong giấc mơ, trong những trang viết, trong sự bấn loạn của trực giác, vô thức của những cơn thần kinh kích động. Trong tâm thức của Kiên luôn ứ đầy những địa danh thảm khốc của cuộc chiến: sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi

Hồn, đồi Xáo Thịt…, là những nghĩa địa dày đặc với những bóng ma, những tiếng cười, tiếng hú ghê rợn, man rợ... Với Kiên, quá khứ đã thành sức mạnh ghê gớm kéo anh quay cuồng trong những hồi ức triền miên không dứt, “ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia”. Quá khứ hầu như đã trở thành bầu “sinh quyển” bao bọc đời sống của anh: “Biết bao kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng là phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường, rời rạc, vô vị nhất có thể có” của đời sống thường ngày. Để đến nỗi, “đêm đêm giữa chừng giấc ngủ, tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá”. Đối với người lính ấy, cuộc đời “có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui vào dĩ vãng” và “tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi”... Với kỹ thuật đồng hiện thời gian, gắn với thủ pháp gián ghép điện ảnh: đan xen những mảng màu tối sáng, những cơn mê sảng, thức tỉnh của nhân vật, tác giả đã đưa người đọc vào những màn sương mù, những cơn thác loạn của ký ức chiến tranh. Chọn kiểu nhân vật “bệnh lý” và đặt nhân vật vào những “mê trận” ký ức đó, Bảo Ninh đã soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau: Đó là con người vô thức và hữu thức, tâm hồn và thể xác, bản năng và tâm linh... Giá trị nhân bản của tác phẩm chính là cái nhìn chân thực, đa chiều này.

Một điểm nổi bật của nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính thời hậu chiến trong các tiểu thuyết của Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai là khả năng tạo ra được những vùng đặc thù cho tiếng nói của nhân vật thông qua độc thoại nội tâm. Với Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), độc thoại nội tâm chính là hình thức để họ nói lên những suy tư thầm kín của mình. Độc thoại nội tâm hay tiếng nói bên trong

của nhân vật sẽ mở ra đời sống tâm hồn của con người với đầy đủ những cung bậc khác nhau: vui, buồn, hạnh phúc, bất hạnh; hi vọng và thất vọng...

Thể hiện người lính sau chiến tranh với tư cách là những con người cá nhân, con người có số phận riêng biệt, đóng góp đáng kể nhất của tiểu thuyết hậu chiến là đã đi sâu vào vấn đề bi kịch tinh thần của người lính. Việc “kể lại”, “nhớ lại”, “viết lại” của chính những con người đã từng cầm súng về cuộc đời họ, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua khiến nhiều tiểu thuyết hậu chiến mang dáng dấp của tự truyện, chí ít cũng là sự nghiệm trải của những người lính đã dành cả phần đời tươi đẹp nhất của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh chung. Quá khứ đó cùng với những thức nhận về thực tại hậu chiến, khi nhiều bí mật được phơi bày, nhiều giá trị đời sống thường nhật bị đảo lộn, đã nhiều lúc đẩy người lính vào tình cảnh những con người mang bi kịch nhận thức.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 66)