Những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu và hạnh phúc gia đình

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 38)

Trở về sau cuộc chiến, điều mà những người lính vấp phải không chỉ là những thiếu thốn, khó khăn về vật chất mà đau xót hơn chính là những đổ vỡ trong khát vọng cuộc sống gia đình và hạnh phúc lứa đôi. Nhà văn Chu Lai trong một cuộc nói chuyện ở Câu lạc bộ Bạch Đằng (Hải Phòng) đã kể rằng:

“Tôi có cô người yêu là hoa khôi của một trường trung học Hà Nội. Trước lúc tôi vào chiến trường, cô ấy có nói với tôi giữa trời bom Hà Nội như thế này: “Anh đi, em không giữ được anh, khi trở về, nếu anh có bị làm sao thì em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời”. Tôi đã mang câu nói ấy đi suốt các cánh rừng, để rồi sau 10 năm, khi tôi trở về, cô ấy chở con người khác đến thăm tôi… Thực tế chiến tranh là thế, nó vừa hào sảng, vừa trần trụi. So với những nỗi buồn mất mát đồng đội, việc người mình yêu đi lấy người khác cũng chỉ là một nỗi buồn. Một nỗi buồn “nhè nhẹ” mà thôi...”. Đó là tâm sự của người đã trải qua trận mạc, từng vào sống ra chết cùng đồng đội là những chiến sỹ đặc công nơi vùng ven Sài Gòn những năm đánh Mỹ. Ông cho rằng: “Bây giờ, mỗi khi xem kịch hoặc phim, tôi khó có thể “tiêu hóa” nổi những cảnh, những đoạn được đạo diễn “tài ba” dựng lên, mô tả hình ảnh người lính trở về biết tin người yêu đi lấy chồng. Nào là vẻ mặt chàng trở nên buồn bã, chàng nhớ lại những câu nói có cánh năm xưa của nàng, rồi chàng chạy đi cầm con dao chặt búa xua vào gốc cây nọ, gốc cây kia để nuốt giận vào lòng…”. Thực tế người lính trong đời thường, nhất là trong chiến tranh không như vậy. Chỉ riêng nội hàm của hai từ “chiến tranh” đã có quá nhiều nỗi đau, có những nỗi đau đã lặn vào trong, đã trở thành vô cảm bởi dường như ngày nào cũng có cảnh chôn đồng đội mình, ngày nào cũng phải băng bó vết thương, cũng phải đương đầu với cái chết… vì thế mà hình ảnh cô người yêu ở hậu phương cũng đã “nhòa” dần đi và chính khi ấy cả hiện tại cũng như tương lai của họ càng trở nên mờ mịt. Nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh là một trường hợp như thế. Ngày đầu tiên trở về sau cuộc chiến lại chính là ngày Kiên nhận giấy báo tử cho mối tình đầu đẹp đẽ của mình, mối tình mà anh chờ đợi và hy vọng bao năm, mối tình mà nhờ nó anh có động lực để vượt qua cuộc chiến tranh tàn khốc sống sót trở về. Đặt Kiên - nhân vật trung tâm trong cái nhìn đa chiều, Bảo Ninh đã xây dựng thành công bi kịch người lính. Bước ra từ cuộc

chiến, Kiên phải đối mặt với những phũ phàng mới của thời hậu chiến, những mặt trái của xã hội - điều mà Kiên gọi là “tấn trò đời”. Phương - người yêu của Kiên - một mối tình trinh trắng, đắm say... đẹp như một bài thơ giờ trở thành tan nát - đau như một vết thương lòng. Phương trở thành một gái điếm, một ca kỹ. Rồi em gái của một đồng đội đã hy sinh cũng trở thành một gái điếm, đói rách khốn khổ, bị ruồng rẫy... Rồi những đồng đội khác đều mang thương tật, mặc cảm với hòa bình... Không phải không có lý khi nhiều người cho rằng Bảo Ninh bi quan, bế tắc, khi tác giả đã để cho nhân vật của mình phát ngôn như sau: “Hừ, hòa bình, mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là một thứ cây mọc lên từ máu thịt bao nhiêu anh em mình, để chừa lại chút xương... nền hòa bình này, tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết... Mặt thật bày ra gớm chết”.

Như trên đã nói, Kiên là kiểu nhân vật “bệnh lý” - một “di chứng của thời đại trước”. Với Kiên: “Tương lai đã nằm lại ở phía xa rồi... Kiên có cảm giác không phải mình đang sống mà đang mắc kẹt ở trên cõi đời nay”. Bi kịch của người lính sau chiến tranh là chỗ đó. Ở chỗ, họ không thể dung hòa với thực tại. Cuối tác phẩm hai nhân vật chính Kiên và Phương đều bỏ đi, mỗi nhân vật là mỗi kiểu chối bỏ thực tại... Vậy bức thông điệp của Nỗi

buồn chiến tranh là gì, nếu không phải đó chính là sự phản ứng của Bảo

Ninh đối với những mặt trái của xã hội Việt sau chiến tranh? Tính chân thực của tác phẩm là ở đó.

Bi kịch của nhân vật Hai Hùng trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai lại chính là việc anh tự cảm thấy mình lạc lõng và cô độc sau khi từ chiến trường trở về. Bạn bè, cuộc sống và tất cả mọi người xung quanh không đem lại được cho anh tiếng nói chung, sự sẻ chia và đồng cảm. Hai Hùng lang thang giữa cuộc đời, lang bạt ở khắp nơi một cách vô định, không tương lai, chối từ hiện tại và duy nhất chỉ bấu víu vào những mảnh hồi ức quá khứ đang

dần dần lùi xa. Ngay cả người con gái mà anh yêu thương nhất, tôn thờ nhất thì cũng bị hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống làm cho biến đổi một cách méo mó. Từ một nữ y tá chiến trường tưởng chừng đã hy sinh, Ba Sương lột xác trở thành một nhân vật quyền thế, sang trọng trong thời bình và chính cô dù vẫn bị quá khứ ám ảnh nhưng đã thẳng thắn, phũ phàng khước từ Hai Hùng như một điều trốn tránh đương nhiên. Đến khi mội sự thật được phơi bày tưởng như anh có thể lấy lại được tình yêu đã mất thì người yêu anh - Ba Sương lại không còn trên cõi đời này nữa.

Nhân vật Nam trong tiểu thuyết Phố của Chu Lai là minh chứng cho sự đắng cay, chua xót của tình huống vỡ mộng gia đình. Tình yêu của Nam và Thảo được thử thách nơi hòn tên mũi đạn và ngàn ngày đằng đẵng xa nhau. Hạnh phúc tưởng như ở trong tầm tay khi Thảo “nguyên vẹn” trở về, tiền bạc dồi dào, nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc. Vậy mà, sóng gió lại xuất hiện. Chưa đầy năm sau, bi kịch đã giáng xuống gia đình họ. Chị bỏ mạng nơi biển Sầm Sơn một ngày dông gió trong chuyến “pic-nic” với tình nhân. Anh điên loạn, phẫn uất khi nhận ra mình bị phản bội. Còn cháu Niên Thảo quặn nỗi đau mất mẹ và hứng chịu những cơn thịnh nộ của bố. Do đâu mà hạnh phúc gia đình tan vỡ? Nhiều người đã nói đến lối sống Âu - Mỹ, ảo vọng giàu sang, những dục vọng thấp hèn… đã tiêm nhiễm vào con người Thảo. Tác giả mượn lời nhân vật trong truyện cho rằng Thảo sa ngã vì “nín nhịn bên đó để về bên này chị hụt hơi” và “chị giữ gìn được thể xác nhưng linh hồn chị đã bị nhiễm độc rồi”. Nhà văn không những nhiều lần nhấn mạnh hành vi bạo liệt của tay Việt kiều luôn là nỗi ám ảnh trong con người Thảo mà còn trực tiếp bộc lộ quan niệm của mình: “Thế gian điên đảo đang tràn lan những căn bệnh thời vi tính, những căn bệnh vô thức của thế kỷ bùng nổ tình dục. Người bị hiếp dâm ám ảnh đứa hiếp mình, kẻ bị bắt cóc đâm ra phải lòng kẻ bắt cóc nó...”. Đương nhiên, quan niệm trên, mang nặng tính chủ quan, thiếu sức

thuyết phục. Nếu phân tích thấu đáo khó chấp nhận. Theo chúng tôi, gia đình họ tan vỡ không chỉ vì Thảo “bị nhiễm độc” bởi lối sống Âu hoá mà một phần do Nam không bắt kịp với cuộc sống mới thời mở cửa và do họ chưa thật sự hiểu nhau trước khi lấy nhau. Thảo đến với Nam chủ yếu vì tò mò, vì tự ái. Sau khi lấy nhau, mọi tâm lực của họ dồn vào việc “kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi” của thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn sau chiến tranh. Ba năm sang châu Âu, tiếp xúc với cuộc sống phương Tây, tầm mắt được mở rộng, quan niệm về thẩm mỹ, về hạnh phúc, về giá trị cuộc sống ở chị có nhiều đổi thay. Trong lúc, Nam vẫn mang tâm lý của người lính chiến trường, khư khư giữ nếp xưa, kém thích ứng với cuộc sống mới thì Thảo lại vui thích cuộc sống hiện tại. Sống với một con người như thế, Thảo càng ngày càng cảm thấy buồn tẻ, nhàm chán. Vì thế, khi Hùng xuất hiện chị nhận ra đây là con người trong mộng của mình. Chị ngã gục trước tình yêu của Hùng là một hệ quả tất yếu. Dưới góc độ hôn nhân - gia đình, trong Thời xa vắng, vấn đề tình yêu và

hạnh phúc gia đình luôn là nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi. Sài hai lần lấy vợ đều tân vỡ. Sau bao lần đổ vỡ đớn đau anh đã ngậm ngùi tự đánh giá về cuộc đời mình: “Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có”. Những tác phẩm viết về đề tài gia đình hoặc có liên quan đến vấn đề gia đình của Lê Lựu thường kết thúc bi kịch. Sự đổ vỡ đó chủ yếu do sự cách biệt về quan niệm sống, về cách ứng xử, các mối quan hệ trong giao tiếp và đặc biệt hôn nhân không xuất phát từ tình yêu giữa người vợ và người chồng. Cũng như Hai Hùng, nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu tồn tại mà không hề có mục đích cho hiện tại và định hướng cho tương lai. Cả cuộc đời của Sài chưa khi nào được sống cho chính bản thân mình mà đều lựa theo, chiều theo người khác ngay cả trong hạnh phúc gia đình. Với Giang Minh Sài bi kịch không phải là sự nghèo khổ, thiếu thốn, cũng không phải những năm tháng lăn lộn trong chiến tranh với tư cách là

người chiến sĩ mà ở anh bi kịch khởi nguồn từ những ám ảnh khôn nguôi về mối tình đầu đầy hối hận và tiếc nuối với Hương, những dằn vặt về sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên hoàn toàn do sự sắp đặt với Tuyết. Và chắc chắn phải kể đến là cuộc sống vợ chồng đầy bất hạnh với Châu như lời nhân vật chính của Thời xa vắng đã ghi trong hồ sơ ly hôn: “Những ngày sống bên chị ta tôi bơi trong cái hạnh phúc giống như bơi trong cánh đồng nước lụt của làng tôi, nó mênh mông không biết đâu là bờ, không biết đến đâu là kiệt sức và mình sẽ chết đuối vào lúc nào”.

Quả thực, chuyển từ môi trường thời chiến sang thời bình, với những người lính, đó là sự thay đổi quá nhanh chóng. Họ chưa có sự chuẩn bị. Những đổ vỡ. mất mát trong và sau chiến tranh, những điều phải chứng kiến và bản thân phải trải qua khiến người lính cảm thấy chới với, hụt hẫng. Chiến tranh kết thúc với toàn dân tộc nhưng sẽ không bao giờ kết thúc với họ. Dân tộc bước ra khỏi cuộc chiến trong tư thế hân hoan của người chiến thắng nhưng những người anh hùng trở về sau cuộc chiến có lẽ sẽ mãi mãi mang mặc cảm của một người thua trận, vấn đề là trận đánh này không ở ngoài chiến trường mà ở chính trong cuộc sống đời thường, nơi đón chờ họ trở về, cuộc sống mà chính họ và biết bao người khác cùng thế hệ vừa giành lại được bằng bom đạn và xương máu.

Có thể nói, đặt vào bối cảnh chung của các tác phẩm tiểu thuyết này, đề tài chiến tranh và người lính đã thực sự được nhìn nhận ở những góc độ khác trước, hầu như đã không còn cảm hứng cắt nghĩa, lí giải, tái nhận thức mà là một cảm hứng mới: chiến tranh như một vấn đề, một bộ phận của đời sống nhân sinh chứ không phải một hiện thực tự thân được lấy làm đối tượng của sự nhận thức. Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng tiểu thuyết hậu chiến đã đáp ứng được yêu cầu tái nhận thức về chiến tranh, về người lính - đó cũng là

những đóng góp tiêu biểu đối với quá trình đổi mới văn xuôi Việt Nam sau 1975.

CHƢƠNG 2

NGƢỜI LÍNH VÀ NHỮNG PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP

Có thể nói, cảm hứng về đề tài người lính trở về từ chiến trường và mối quan hệ với cuộc sống trong tiểu thuyết hậu chiến được đánh dấu từ thời điểm ra đời tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu, một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam bấy giờ. Tiếp sau đó, cảm hứng bi kịch vẫn được tập trung thể hiện sâu đậm hơn cả trong bộ phận tiểu thuyết hậu chiến. Cắt nghĩa, lí giải, nhận thức lại hiện thực bằng cảm hứng bi kịch, tiểu thuyết hậu chiến đã thực sự đem lại cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc. Với những tác phẩm tiêu biểu

như Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu), Chim

én bay (Nguyễn Trí Huân), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn

nhân vật mới trong tiểu thuyết chiến tranh - con người suy tư, con người bi kịch - là dấu hiệu quan trọng bước đầu khẳng định sự đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết và những dấu hiệu xác lập lộ trình mới của văn học Việt Nam hiện đại. Mục tiêu chung của chương này trong luận văn là mô tả sự tiếp nối các giá trị tích cực vốn có của tuyến nhân vật người lính trong hoàn cảnh mới. Nói cách khác, chương hai sẽ khám phá sự tiếp biến của hình tương người anh hùng qua hai giai đoạn của lịch sử dân tộc.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)