Nghệ thuật tổ chức điểm nhìn

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 62)

1. Nghệ thuật miêu tả

1.1Nghệ thuật tổ chức điểm nhìn

Không thể hiểu được sâu sắc tác phẩm tiểu thuyết nếu ta không tìm hiểu điểm nhìn nghệ thuật. Bởi lẽ, để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải

xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp lý. Trong tiểu thuyết, điểm nhìn trần thuật được hiểu là vị trí người trần thuật quan sát, cảm thụ và miêu tả, đánh giá đối tượng. Qua khảo sát các tiểu thuyết của Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai thời hậu chiến, chúng tôi thấy bên cạnh những tác phẩm kiến tạo điểm nhìn quen thuộc là những hình thức tổ chức điểm nhìn mới, trong đó đáng chú ý như: sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật; sự luân chuyển điểm nhìn người trần thuật và nhân vật...

Điểm nhìn trần thuật trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là sự di động hết sức linh hoạt, từ nhân vật này sang nhân vật khác. Việc tổ chức điểm nhìn từ nhiều phía giúp cho cái nhìn về chiến tranh trở nên chân thực và chính xác hơn. Trong Nỗi buồn chiến tranh ta bắt gặp hai mạch kể: mạch kể người trần thuật (xưng “tôi”) và mạch kể của nhân vật (Kiên cùng một số nhân vật khác được tái hiện lại qua cái nhìn của Kiên). Trước hết, chúng ta xem xét

điểm nhìn nhân vật. Nét độc đáo của Nỗi buồn chiến tranh là phần lớn tác

phẩm được nhìn bằng cái nhìn của Kiên. Nói chính xác hơn, tác phẩm được dệt nên bằng tâm trạng của Kiên trên đường tìm về quá khứ. Vì thế, đọc phần đầu Nỗi buồn chiến tranh, ta ngỡ như tác phẩm được trần thuật từ ngôi thứ ba. Đây là hình thức giấu kín người trần thuật nhằm tạo bất ngờ cho người đọc. Bước ra khỏi cuộc chiến, Kiên không thể hoà nhập được với hiện tại. Chấn thương tinh thần đã vĩnh viễn lưu cữu trong hồn anh và kéo anh về với quá khứ. Với Kiên, chỉ có quá khứ là có ý nghĩa. Chính vì thế, với anh, Phương mãi mãi tinh khiết, trong trẻo bất chấp cuộc chiến đã tàn hại nàng.

Tuy nhiên, không chỉ có điểm nhìn của Kiên, tác giả còn trao điểm nhìn cho các nhân vật khác như Can, Phán, cha Kiên... Trong tác phẩm, cha Kiên như một nghệ sĩ “lạc loài”. Cũng như Phương: “Cháu rất đẹp... cái đẹp của cháu không bình thường... Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài... sẽ khổ đấy. Khổ lắm”. Người nghệ sĩ nhận xét vẻ đẹp của Phương nhưng lại như tự ngẫm từ đời

mình. Cái nhìn của ông, vì thế, là cái nhìn của kẻ sinh bất phùng thời. Cái nhìn ấy khác với cái nhìn lý trí và khô khan của mẹ Kiên, đồng thời cũng khác với cái nhìn mang tính “bảo toàn” của ông bố dượng. Điều đáng nói là mặc dù khi bố còn sống, Kiên không thật hiểu ông, nhưng sau này, Kiên lại có những nét giống ông. Sự thay đổi ấy gắn liền với những trải nghiệm, những đau đắng mà Kiên đã gặp. Tuy nhiên, trong cuốn tiểu thuyết này, bên cạnh cái nhìn của Kiên, đáng chú ý hơn cả là cái nhìn của Phương. Yêu Kiên nhưng Phương không phải là cái bóng của Kiên. Phương có quan điểm riêng của mình. Ngay từ khi sắp ra trận, Phương đã có cách hình dung về chiến tranh khác với Kiên. Kiên thấy cần tham gia cuộc chiến (về điều này Kiên gần với mẹ), còn Phương nhìn thấy trước sự bi thảm của chiến tranh (về điều này Phương gần gũi với cha Kiên). Vì thế, giữa Phương và hoạ sĩ có mối giao cảm đặc biệt. Đây là sự gặp gỡ của những linh cảm mang tính tiên tri.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sự không hoà nhập với cuộc sống hậu chiến của Kiên được nhìn từ phía bàn dân trong phố. Với họ, Kiên là “kẻ dị biệt, khó cắt nghĩa”. Cũng phải, bởi hồn vía của nhân vật đã gửi lại hết trong quá khứ, chỉ có tiếng gọi của quá khứ và tiếng gọi của tình yêu là lực hấp dẫn duy nhất kéo Kiên vào vòng quay của nó. Muốn hiểu thực sự về Kiên, cách duy nhất là tìm đến những trang bản thảo của anh. Mà cái đó chỉ có “tôi” mới hiểu, không ai nhận ra một Kiên khác trong hình hài của nhà văn phường kỳ dị, thất thường.

Có thể nói, việc trần thuật từ điểm nhìn của nhiều nhân vật đã tạo ra nhiều góc quét khác nhau, làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cuộc chiến tranh hiện ra trong cõi nhớ và trong cảm nhận của họ. Đây là tư duy nghệ thuật mới mẻ của Bảo Ninh và của cả Chu Lai, Lê Lựu. Nó khước từ cách nhìn đối tượng một phía vì theo cách nhìn này, chiến tranh chỉ có một khuôn mặt duy nhất mà thôi. Với tiểu

thuyết Ăn mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai, điểm nhìn nghệ thuật gắn liền với nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất với cái tôi ký ức có khả năng chiếm lĩnh và chi phối mọi yếu tố trong tác phẩm, cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian. Điểm nhìn này đã làm bùng dậy vùng lãng quên trong ký ức, tái hiện một cách trọn vẹn mối tình của Hai Hùng - Ba Sương, cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc nhưng cũng hết sức hào hùng của những người lính. Bằng việc sử dụng hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất nhà văn đã xây dựng nhiều điểm nhìn khác nhau, nhân vật xưng “tôi” (Hai Hùng) không hề đứng một chỗ mà luôn di động, chịu sự điều khiển của ký ức. Vì vậy không gian, thời gian cũng gắn với chính nhân vật này. Không chỉ dừng lại ở đó, diễn biến của câu chuyện còn được khắc họa qua các điểm nhìn của các nhân vật Ba Sương, viên đại úy Tường vì vậy mà câu chuyện càng thêm phần hấp dẫn, mở ra cho người đọc nhiều cách nhìn khác nhau, những cách lý giải mà nhân vật xưng “tôi” không thể lý giải được từ đó cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến mà người đọc tưởng chừng như mình cũng tham gia cuộc chiến ấy.

Như vậy chính điểm nhìn mới về chiến tranh đã đưa lại cho Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai cũng là một tìm tòi nỗ lực trong ý thức cách tân trên cơ sở

của tiểu thuyết truyền thống. Tác giả đã vượt qua được cái vòng xoáy cuộc đời của những người lính trở về trong Vòng tròn bội bạc tiếp tục cuộc tìm

kiếm của mình bằng việc đưa nhân vật trở lại với chiến tranh. Cũng là một sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại trong đó quá khứ hiện ra như buộc lòng không thể bị quên lãng, bị đổi trắng thay đen. Cuộc hành trình nhọc nhằn để tìm chân dung đích thực của một con người cũng là cuộc hành trình tìm lại những giá trị thật: đó là vẻ đẹp của tình người, tình đồng đội, của tinh thần hi sinh anh dũng của những người lính, người dân. Viết về chiến tranh là viết về con người trong chiến tranh, qua con người độc giả sẽ hiểu được chiến tranh

và từ chiến tranh độc giả sẽ thấy rõ con người..

Nếu Hai Hùng của Chu Lai “ăn mày dĩ vãng" để tìm chỗ dựa tinh thần cho hiện tại thì Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hướng về quá khứ để "vĩnh viễn được sống

trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao mà chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng và hy sinh tất cả".

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh (Trang 62)