Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng năm 2030 (Trang 90)

I. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

4.Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y

nước về chăn nuôi, thú y

4.1. Tăng cường đào tạo, tập huấn

Để tiếp cận với các kỹ thuật cao, công nghệ mới của khu vực và thế giới áp dụng vào chăn nuôi, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi - thú y là rất cần thiết. Ngoài lực lượng cán bộ có trình độ cao được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, cần phải tổ chức các lớp tập huấn đào tạo tay nghề cho cán bộ ở địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và các biện pháp nâng cao khả năng sinh sản cho các loại vật nuôi.

- Kỹ thuật nuôi dưỡng và quản lý đàn gia súc, sản xuất, chế biến và sử dụng thức ăn cho các loại vật nuôi.

- Tập huấn bổ sung kiến thức dịch tễ học và kỹ năng giám sát, quản lý dịch bệnh

- Các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, phòng và trị bệnh cho vật nuôi trong các trang trại. Kỹ thuật sử dụng một số thiết bị chuyên dụng và tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch, xử lý vệ sinh thú y…

Nâng cao trình độ, kỹ năng của chủ trang trại về kỹ thuật chăn nuôi, trình độ quản lý,…

Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, tham quan học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn các hộ chăn nuôi dưới nhiều hình thức.

Việc tăng cường hệ thống ngành Thú y phải có sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan và người dân.

4.2. Đầu tư tăng cường năng lực quản lý ngành thú y

- Đầu tư cơ sở vật chất: Trước hết cần đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp văn phòng làm việc của các trạm thú y cấp huyện, xây dựng 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tại Yên Dũng và Lục Nam, trang bị máy tính và những thiết bị cần thiết cho văn phòng, đặc biệt hệ thống máy tính cần nối mạng từ tỉnh xuống huyện để nhận thông tin và thông báo dịch bệnh. Đầu tư nâng cấp Trạm Chẩn đoán xét nghiệm, trang bị các dụng cụ, máy móc đầy đủ và hiện đại.

- Chú trọng công tác cán bộ: Đảm bảo các cơ quan thú y có đủ số cán bộ biên chế để hoạt động; Cần có sự phối hợp đào tạo chuyên ngành bác sĩ thú y ở các trường đại học, đào tạo cán bộ đầu ngành, cán bộ trên đại học, đào tạo kỹ thuật viên ở các trường trung cấp, sơ cấp nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho cán bộ thú y.

- Đầu tư khoa học, công nghệ: Đầu tư cho công tác ứng dụng các đề tài nghiên cứu theo yêu cầu cấp bách của sản xuất như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh… Đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến cho ngành thú y.

4.3. Giám sát, thông tin dịch bệnh:

Giám sát và thông tin dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ. Hệ thống giám sát phải được xây dựng và củng cố thường xuyên từ tỉnh đến huyện và mạng lưới thú y cơ sở. Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức ngành từ tỉnh đến huyện xã, phường và mạng lưới thú y thôn xóm nhằm mục đích thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh đến người dân. Cần nâng cấp hệ thống tin quản lý công tác thú y tỉnh Bắc Giang trên nền công nghệ thông tin địa lý (GIS) hiện có.

4.4. Phòng chống dịch bệnh:

Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh. Nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích số liệu; dự báo, cảnh báo dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch, chiến lược, chương trình phòng, khống chế và thanh toán dịch bệnh, nhất là đối với những bệnh nguy hiểm, bệnh lây giữa người và động vật. Xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Nâng cao năng lực chẩn đoán nhằm phát hiện nhanh và chính xác mầm bệnh (thực hiện các Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN và 64/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp về việc quy định tiêm phòng bắt buộc và danh mục các bệnh phải công bố dịch, các bệnh nguy hiểm của động vật và các bệnh phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc).

Tổ chức tiêm phòng các loai vắc xin phòng các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm vào 2 đợt chính trong năm. Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tiêm phòng từ cấp xã tổng hợp lên cấp huyện và tỉnh, thực hiện quy định trách nhiệm các cấp, các ngành trong công tác tổ chức thực hiện theo quy định đã được UBND tỉnh ban hành. Hướng dẫn hộ, cơ sở, trang trại chăn nuôi chủ động sử dụng các loại vắc xin để tiêm phòng các loại bệnh theo qui định của Bộ nông nghiệp & PTNT; sử dụng thuốc sát trùng để khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi định kỳ và thường xuyên.

4.5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y:

Thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng qui định của Pháp luật về thú y. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm soát chặt chẽ lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cần đầu tư xây dựng 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tại Lục Nam, Yên Dũng, củng cố các chốt kiểm dịch tại những nơi có giao lưu, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; trang bị cơ sở vật chất và đầy đủ thiết bị cho các trạm kiểm dịch.

Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch tại gốc nhằm làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Giám sát chất tồn dư trong sản phẩm động vật, các mô hình xử lý chất thải tại các lò mổ (thực hiện các Quyết định số 45/2005/QĐ- BNN, 46/2005/QĐ-BNN và 47/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp về việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…).

4.6. Quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y:

Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y ngày một đa dạng, nhiều loại thuốc và vắc xin nước ngoài được nhập vào Việt Nam qua các tổ chức liên doanh hoặc đại lý, nhiều loại thuốc sản xuất trong nước đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Thực hiện các quy định chặt chẽ trong sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, đồng thời hướng dẫn và tuyên truyền để người chăn nuôi sử dụng thuốc đúng cách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc và chế phẩm sinh học thú y, thuốc tăng trọng.

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng năm 2030 (Trang 90)