Sau khi tách khỏi Malaysia trở thành một quốc gia độc lập, Sigapore đứng trước hàng loạt khó khăn:
Thứ nhất, là một nước nhỏ hẹp, nghèo nàn về tài nguyên, thiếu nước ngọt, Sigapore lại không có những ngành công nghiệp hoặc những khu vực đồn điền lớn để khởi động nền kinh tế. Trong khi đó, dân số lại tăng nhanh, từ 1 triệu người cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX tăng lên 2 triệu người những năm 1960 do tỷ lệ sinh đẻ cao và nguồn nhập cư từ các vùng lân cận. Chỉ riêng việc nhập nước ngọt từ Malaysia cho số dân này đã là một vấn đề nan giải, chưa kể đến việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm và giải quyết việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp.
Sau khi hệ thống thuộc địa của Anh ở Châu Á sụp đổ, vị trí trung chuyển hàng hóa của Singapore giảm đi đáng kể. Thêm vào đó, những năm còn thuộc Liên bang Malaysia, chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước của Liên bang làm cho nhiều nhà tư bản nước ngoài ở Singapore rời khỏi mảnh đất này. Sự hẫng hụt trên đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế Singapore.
Thứ hai, việc Singapore tuyên bố tách khỏi Malaysia khiến cho hòn đảo này không nhận được sự ủng hộ của Malaysia, chí ít là trong những năm đầu.
Nhằm thoát khỏi những tình thế bất lợi kể trên, đồng thời, phát huy lợi thế đia – chính trị vốn có của mình, chính phủ Singapore đã triển khai chiến lược công nghiệp hóa. Sau hơn hai thập kỷ xây dựng, đến đầu thập kỷ 80, Singapore được xếp vào hàng ngũ những nước công nghiệp mới. Thương cảng Singapore đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới sau Rotterdam (Hà Lan) và trung tâm chế biến dầu mỏ của Singapore lớn thứ ba trên thế giới sau Rotterdam (Hà Lan) và Houston (Mỹ).
Sự thành công trong phát triển của Singapore được tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp to lớn của chính sách đối ngoại. Với chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt và mang tính thực dụng, Chính phủ
Singapore vừa khắc phục những yếu điểm của một nước nhỏ bé về diện tích và dân số, vừa khai thác tối đa vị trí địa – chính trị và hoàn cảnh quốc tế.
Cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, chính sách đối ngoại của Singapore thời kỳ 1965 – 1981 chịu sự chi phối mạnh của trật tự thế giới hai cực, biểu hiện qua sự đối đầu giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh này, hoạt động ngoại giao của Singapore một mặt nhằm bảo đảm an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác thu hút nguồn viện trợ và đầu tư của nước ngoài phục vụ đắc lực cho công nghiệp hóa mà Singapore tiến hành trong những năm cuối thập kỷ 50 và thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Chính sách đối ngoại của Singapore thời kỳ này có những điểm nổi bật sau:
Với Mỹ và các nước công nghiệp phát triển: Singapore thực hiện chính sách hợp tác toàn diện, xem đây là hướng ưu tiên hàng đầu, Singapore là nước tiên phong trong nhóm ASEAN lôi kéo Mỹ có mặt ở Đông Dương; Chính sách thân Mỹ của Singapore thời kỳ này đã đem lại cho Singapore nhiều lợi thế. Trong khi Mỹ tìm cách tạo dựng một tiền đồn kinh tế – chính trị ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách thân Mỹ của Singapore đã giúp cho nước này nhận được nguồn viện trợ và đầu tư khổng lồ từ Mỹ.
Trong lĩnh vực chính trị – quân sự, ngoài các cuộc tập trận chung, Mỹ và một số nước Tây Âu còn cung cấp vũ khí hiện đại cho Singapore như máy bay F16, tàu ngầm, tàu hộ tống loại nhẹ có trang bị tên lửa Hawk Spun, xe bọc thép M113..., và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại tại Singapore.
Đối với các nước ASEAN, Singapore thực hiện chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, quân sự. Trong thời gian đầu sau khi tách khỏi Malaysia và trở thành quốc gia độc lập, Singgapore đã tăng cường mọi nỗ lực để thiết lập quan hệ bình đẳng với Malaysia và các nước láng giềng khác. Các hoạt động ngoại giao kể trên của Singapore diễn ra khá thuận lợi và nhận được sự ủng hộ tích cực
của nhiều nước, đặc biệt là Indonesia (nước có xung đột vũ trang với Malaysia trong những năm 1963- 1965, khi đó Singapore là tiền đồn phòng thủ của Malaysia) và Philippines (nước có tranh chấp với Malaysia chung quanh vùng lãnh thổ Sabah).
Singapore là một trong những nước sáng lập tổ chức ASEAN (1967). Vào thời gian này, quan hệ giữa Singapore với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, có bước phát triển đáng kể. Trong bối cảnh chung của quốc tế và khu vực thời kỳ Chiến tranh lạnh, đặc biệt là để đối đầu với các nước Đông Dương, cả Singapore và Malaysia đều tạm gác vấn đề tranh chấp biển và tăng cường quan hệ hợp tác. Từ những năm 1960 và 1970, Singapore là trạm trung chuyển hàng hóa quan trọng của Malaysia, Singapore cũng là nước nhập khẩu một lượng hàng hóa rất lớn của Malaysia và Indonesia (chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng sơ chế) để sau đó chế biến và tái xuất. Tuy nhiên, do trình độ sản xuất của từng nước thành viên khác còn yếu kém, lạc hậu, sự hợp tác trong sản xuất giữa Singapore với các thành viên ASEAN còn lại là rất hạn chế. Quan hệ thương mại giữa Singapore với các thành viên khác chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Singapore. Đây cũng là tình trạng chung của các nước ASEAN thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi mục tiêu hợp tác kinh tế tạm nhường chỗ cho mục tiêu hợp tác chính trị – quân sự.
Hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Singapore với các thành viên khác trong ASEAN là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị – quân sự. Ngoài việc phối hợp hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Singapore có sự hợp tác với Malaysia, Anh và hai nước trong khối Hiệp ước an ninh Thái Bình Dương ANZUS là Australia và New Zealand được thành lập theo Hiệp ước 1971, khi Anh rút quân hoàn toàn khỏi Singapore. Ngoài ra, Singapore còn thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với Thái Lan, Indonesia.
Đối với các nước Đông Dương: thời kỳ này, Singapore theo đuổi chính sách đối đầu. Suốt thời gian dài, Singapore không chỉ ca ngợi, khuyến khích
mà còn tự biến mình thành căn cứ hậu cần phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Singapore cũng là nước công khai ủng hộ chính quyền London ở Campuchia sau khi London lật đổ quốc vương Xihanuc (1970). Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Singapore đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, song vẫn duy trì chính sách không thân thiện với Việt Nam nói riêng, với Đông Dương nói chung, Singapore phản đối quân đội Việt Nam có mặt tại Campuchia và nhiều lần công khai bày tỏ quan điểm này trên các diễn đàn quốc tế như tại Khóa họp 42 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước không liên kết tại New York (1986). Do thực hiện chính sách đối đầu với các nước Đông Dương, nên quan hệ giữa Singapore với các nước này (trong đó có Việt Nam) thời kỳ 1965 – 1990 rất hạn chế, đôi khi bị gián đoạn và căng thẳng.
Đối với Malaysia, trong giai đoạn này Singapore nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Trước sức ép trên nhiều lĩnh vực từ phía Malaysia, Singapore luôn duy trì chính sách mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng cứng rắn. Singapore cũng bày tỏ thiện chí khi hợp tác với Malaysia và các nước khác trên lĩnh vực quân sự, chính trị. Khi nền kinh tế đạt được bước phát triển vượt bậc, Singapore cũng thực hiện chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại với Malaysia, sẵn sàng hỗ trợ về mặt công nghệ, khoa học cho Malaysia.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Singapore giai đoạn 1965 – 1981 đã giúp nước này khai thác triệt để lợi thế địa – chính trị của mình trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Thổi phồng mối đe dọa từ các nước Đông Dương, Singapore một mặt đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thành viên ASEAN trong một liên minh đối đầu với các nước Đông Dương; mặt khác lôi kéo được các nước tư bản phát triển đứng đầu là Mỹ viện trợ và đầu tư lớn vào Singapore.