Cũng như các quốc gia mới độc lập khác ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, trong quá trình xây dựng một nhà nước mới, đường lối đối ngoại luôn luôn là một vấn đề được chính phủ Malaysia hết sức chú trọng bởi nó góp phần quan trọng vào sự thành công của sự nghiệp phát triển quốc gia. Sự định hướng của đường lối này chịu sự tác động không nhỏ của các yếu tố ở khu vực cũng như trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử Malaysia chúng ta nhận thấy có một số yếu tố chi phối đến việc hoạch định chiến lược phát triển của đất nước này sau năm 1965.
Thứ nhất, Malaysia là một nước trung bình về diện tích và một nước nhỏ về dân số. Vị trí địa lý của Malaysia được rất nhiều nước lớn quan tâm vì có eo biển Malacca là nơi tàu thuyền đi lại từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương.
Là nước bị xâm lược trong quá khứ, hiện nay chỉ mới bắt đầu vươn lên trong khu vực lại ở bên cạnh nước lớn như Indonesia, Thái Lan cho nên Malaysia không thể không chú ý tới việc tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thứ hai, vấn đề tôn giáo. Đạo Hồi là tôn giáo chính thống của người Mã Lai. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Malaysia. Những người đứng đầu các bang kể cả Penang và Malacca là các tiểu vương, đồng thời cũng chính là người đứng đầu các cộng đồng Hồi giáo. Trong các bang có Hội đồng cố vấn tôn giáo giúp việc cho chính phủ của bang. Từ đó có thể thấy, mọi vấn đề của đất nước đều liên quan chặt chẽ tới Hồi giáo. Hồi giáo ở Malaysia còn là một bộ phận của Hồi giáo thế giới. Cho nên, khi xác định chính sách đối ngoại của mình, chính phủ Malaysia không thể không tính đến một chiến lược đối ngoại nói chung của cộng đồng Hồi giáo ở vùng Trung Đông hay Trung Á.
Thứ ba, Malaysia là một nước đa dân tộc, trong đó có ba dân tộc lớn là người Mã Lai, người Trung Hoa và người Ấn Độ. Người Mã Lai chiếm hơn 60 % dân số nhưng tiềm lực kinh tế chủ yếu nằm trong tay người Hoa và một số người Ấn Độ, người Anh. Với cơ cấu dân cư như vậy, lực lượng chính trị cầm quyền lại chủ yếu là người Mã Lai và họ luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc Mã Lai.
Hệ thống chính sách của Malaysia rõ ràng phải nghiêng về phía bảo vệ quyền lợi trước hết là cho người bản địa. Điều này ở chừng mực nào đó làm xuất hiện vấn đề quan hệ giữa các tộc người ở Malaysia và hơn nữa là vấn đề quan hệ giữa nước lớn như Trung Quốc, Anh và Ấn Độ. Vì vậy, trong khi đề cao chủ nghĩa dân tộc Mã Lai, chính phủ Malaysia không thể không tính dến sự ổn định quan hệ nội bộ để tránh những xung đột nội bộ như đã từng xảy ra, mặt khác phải có chính sách đối ngoại phù hợp với các nước có liên quan. Quá trình phát triển của Malaysia là quá trình hoàn thiện một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á nhưng cần bảo đảm sự hòa thuận với các cộng đồng khác sinh sống ở đất nước Malaysia.
Sau khi giành độc lập, đường lối chung về đối ngoại của Malaysia là theo đuổi chính sách không liên kết, thiết lập và duy trì quan hệ với tất cả các nước trên thế giới và tham gia phong trào Không liên kết. Tuy nhiên trong từng giai đoạn chính sách đó có những nét khác nhau và mang dấu ấn của chính quyền đương nhiệm. Từ 1965 đến 1981 có thể chia làm 3 giai đoạn hoạt động đối ngoại của Malaysia: giai đoạn 1965 – 1971: dưới thời Tunku Abdul Rahman Putra, giai đoạn 1971 – 1976: dưới thời Tun Abdul Razak, giai đoạn 1976 – 1981: dưới thời Tun Hussein Onn.
Sau khi Liên bang Malaysia được thành lập, cùng với sự sa sút trong quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Philippines, Chính phủ Malaysia đã tích cực phát triển quan hệ với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, các nước trung cận đông và các nước châu Á.
Trong chuyến đi thăm các nước châu Phi, Malaysia đã thảo luận thiết lập quan hệ ngoại giao với Algeria, Maroc và thỏa thuận trao đổi đại sứ với Tuynizi. Đầu năm 1965, phó Thủ tướng Abdul Razak tiến hành chuyến công du sang một số nước Á Phi như Sri Lanca, Pakistan, Sudan, Li Băng, Kennya, Somali, Ethiopia, Uganda, Tangania và Ai Cập. Tháng 4/1965, quốc vương Malaysia sang thăm một số nước Trung đông là Saudi Arabia, Kuwait, Jordan và Ai Cập. Tiếp đó tháng 5 và tháng 6/1965, đoàn đại biểu chính phủ Malaysia do Bộ trưởng Lao động Manikawasagam dẫn đầu thăm thiện chí một số nước châu Phi: Nigiria, Ghana, Guinea, Mali và Bờ biển Ngà. Chiến dịch ngoại giao dồn dập mà chính phủ Malaysia tiến hành trong những năm 1964 – 1965 nhằm nhiều mục tiêu. Việc phát triển quan hệ với các nước Á Phi vốn là những nước ít nhiều có quan hệ với nước Anh và khối Liên hiệp Anh, những nước Hồi giáo và những nước tham gia phong trào Không liên kết trước hết nhằm củng cố vị trí của Liên bang Malaysia trên trường quốc tế. Cùng với việc khẳng định sự ủng hộ nhiệt tình đối với phong trào không liên kết, đồng thời tìm kiếm hậu thuẫn cho việc Malaysia gia nhập phong trào này,
chiến dịch ngoại giao trên của chính phủ Malaysia còn nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ thân thiết với thế giới Hồi giáo mà Malaysia luôn luôn coi là một hậu thuẫn cần thiết cho sự phát triển của mình. Từ Hội nghị thứ 3 của phong trào Không liên kết được tổ chức tại Lusaka (Dambia) tháng 9/1970, Malaysia chính thức gia nhập phong trào Không liên kết. Với việc tham gia phong trào Malaysia có thêm điều kiện để bày tỏ quan điểm, lập trường của mình trong các vấn đề cấp bách của thời đại như đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cuộc đấu tranh cho một trật tự kinh tế thế giới… mà trong đó Malaysia luôn giữ một quan điểm tích cực.
Trong quan hệ đối ngoại của Malaysia, quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á có một ý nghĩa đặc biệt. Đối với Malaysia cũng như các nước khác trong khu vực, điều kiện cần thiết cho sự phát triển quốc gia là an ninh, ổn định và sự hợp tác trong khu vực. Sau khi ASEAN ra đời, phó Thủ tướng Malaysia Abdul Razak đã tuyên bố rằng: “Ở Malaysia chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào sự hợp tác khu vực và chúng tôi cũng không thấy có sự lựa chọn nào khác đối với các nước mơi, đang phát triển ở Đông Nam Á là cùng nhau quyết định lấy vận mệnh của mình, cùng nhau ngăn ngừa sự can thiệp từ bên ngoài” [41, pg.45].
Việc Tun Abdul Razak thay thế Abdul Rahman đã làm cho Malaysia có bước ngoặt lớn. Chính phủ Malaysia đã đề ra chiến lược phát triển đất nước mang tên Kế hoạch triển vọng lần thứ I, trong đó một nội dung hết sức quan trong là triển khai chính sách kinh tế mới nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói.
Để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, quan hệ đối ngoại của Malaysia đã được phát triển với tinh thần ZOPFAN. Tun Abdul Razak đã khẳng định đường lối trung lập trong quan hệ quốc tế của Malaysisa. Từ một nước bị nước ngoài đô hộ, Malaysia đã có quan hệ bạn bè rộng rãi với các nước Mỹ Latinh, Châu Á – Thái Bình Dương và vùng Trung Đông. Đối với các nước lớn, Malaysia vẫn tiếp tục chính sách hướng về phương Tây, phát
triển quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Anh để đào tạo cán bộ và tranh thủ kỹ thuật công nghệ, vốn đầu tư. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Tun Abdul Razak nhấn mạnh, Malaysia không chủ trương chống cộng nhưng sẽ không phải là nước cộng sản và không đi theo lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản.
Vào lúc ASEAN được thành lập cũng là thời kỳ tình hình khu vực đang trở nên căng thẳng và chứa đựng nhiều yếu tố gây mất ổn định. Nhận thức được điều đó các nhà lãnh đạo các nước trong hiệp hội đã cố gắng nỗ lực hoạt động sao cho ASEAN tồn tại và phát triển. Phía Malaysia đã đóng góp không nhỏ trong nỗ lực chung đó. Các nhà lãnh đạo Malaysia đã kiên trì tìm kiếm những cơ hội, khả năng để tạo một không khí và tinh thần đoàn kết trong ASEAN, gạt bỏ những mầm mống có thể gây xung đột, chia rẽ tổ chức. Malaysia cương quyết ủng hộ việc duy trì biên giới quốc gia đã được hình thành ở trong vùng và cho rằng quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực phải được xây dựng trên cơ sở tránh dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và mọi vấn đề nảy sinh cần được giải quyết theo con đường hòa bình. Theo quan điểm này, phía Malaysia đã ủng hộ dự thảo “thể thức có hiệu quả cho việc giải quyết những tranh chấp trong khu vực” được thảo luận không chính thức tại Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 7 của các nước ASEAN họp vào tháng 5/1974.
Cùng với nỗ lực nhằm củng cố ASEAN, Malaysia cũng tích cực phát triển quan hệ song phương với các nước thành ASEAN. Trong những năm đầu tồn tại của ASEAN, quan hệ song phương giữa Malaysia với các nước hội viên khác chủ yếu trong lĩnh vực chính trị và an ninh, mặc dù về mặt pháp lý các nhà lãnh đạo ASEAN luôn luôn khẳng định rằng ASEAN không phải và không bao giờ là liên minh quân sự. Malaysia đã hợp tác với các nước trong việc trao đổi tin tức tình báo, trao đổi kinh nghiệm trong việc chống phong trào ly khai, hợp tác trong việc chuẩn hóa vũ khí, cùng tập trận chung, cùng hoạt động truy quét các lực lượng du kích ở vùng biên giới, ký kết các hiệp định về vùng biên giới chung… Khi ASEAN mở rộng và đẩy mạnh hợp
tác nội bộ sang các lĩnh vực khác, Malaysia đã đóng góp tích cực vào những hoạt động trong khuôn khổ chung của hiệp hội cũng như trên cơ sở song phương với từng hội viên của ASEAN.
Quan hệ của Malaysia trong khu vực nhằm xây dựng một cơ sở vững chắc cho sự ổn định và nền an ninh khu vực cũng như nền an ninh của chính Malaysia. Đó cũng là động lực thúc đẩy Malaysia có nhiều sáng kiến và nỗ lực ngoại giao trong khu vực. Malaysia nêu ý tưởng xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình tự do và trung lập (ZOPFAN) năm 1970. Khi đó tình hình khu vực Đông Nam Á có những thay đổi nghiêm trọng với sự giảm bớt sự có mặt về quân sự của Mỹ và Anh ở khu vực, tạo cơ hội cho các cường quốc khác tăng cường can thiệp vào khu vực và dẫn đến nguy cơ mất ổn định, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột trong khu vực. Trong tuyên bố Kuala Lumpur tháng 11/1971, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định rằng các nước ASEAN sẵn sang tiến hành những nỗ lực ban đầu, cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch ZOPFAN.
Cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (3/1973), rút khỏi tổ chức AZPAK (3/1973), chính phủ Malaysia đã phát triển quan hệ với các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc. Việc mở rộng phát triển quan hệ với các nước lớn, ngoài mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của các nước cho kế hoạch ZOPFAN, còn nhằm chứng minh đường lối trung lập, chính sách cân bằng giữa các nước lớn mà Malaysia thường khẳng định. Chính phủ Malaysia đặt nhiều hy vọng vào chuyến viếng thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abdul Razak (1974). Trong chuyến viếng thăm này, ngoài việc quyết định lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên còn có những ký kết liên quan đến vấn đề người Hoa ở Malaysia.
Chiến thắng của nhân dân ba nước Đông Dương năm 1975 được các nhà lãnh đạo Malaysia đặc biệt hoan nghênh. Trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước ASEAN họp tại Kuala Lumpur tháng 5/1975, Thủ tướng Abdul Razak đã nhấn mạnh rằng trước đây trong lịch sử của mình, chưa bao
giờ các dân tộc Đông Nam Á có điều kiện xây dựng cho mình một nền hòa bình, thoát khỏi sự thống trị và ảnh hưởng của nước ngoài và một nền hòa bình trong đó các nước ở khu vực có thể hợp tác với nhau vì một nền phúc lợi chung [24, pg.281]. Việc Malaysia hoan nghênh sự kiện trên đây theo như lời của Thủ tướng Abdul Razak “không đơn thuần chỉ vì cùng với việc kết thúc xung đột ở Đông Dương là sự chấm dứt những hy sinh, đau khổ của con người mà còn vì nó tạo ra một triển vọng cho một nền hòa bình thực sự và hợp tác trong khu vực” [42, pg.22]. Ngay sau khi ngừng tiếng súng ở Đông Dương, chính phủ Malaysia tuyên bố công nhận chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính phủ Campuchia và bày tỏ sẵn sàng trao đổi đại diện ngoại giao với hai nước. Tháng 10/1975, Malaysia và Việt Nam thỏa thuận trao đổi đại sứ quán, Malaysia bày tỏ nguyện vọng sẵn sang giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong những năm cuối thập niên 1970, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến quan trọng, mở ra một triển vọng mới cho tình hình khu vực. Sau khi ở Đông Dương xảy ra những xung đột mới, Malaysia vẫn duy trì mối quan hệ với Việt Nam nhằm góp phần vào việc giải quyết khủng hoảng mới. Cũng trong khoảng thời gian này, Malaysia cùng nước láng giềng Indonesia đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì cuộc đối thoại với các nước Đông Dương, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia nhằm ổn định nền hòa bình và an ninh cho khu vực Đông Nam Á.
Đối với Singapore, giai đoạn này khi Singapore mới bắt đầu chia tách chính phủ Malaysia vẫn duy trì mối quan hệ với Singapore. Tuy nhiên, mối quan hệ được duy trì trên tư tưởng nước lớn – nước nhỏ. Mặc dù Singapore là một nước độc lập, Malaysia vẫn có những động thái can thiệp vào chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Singapore. Malaysia sử dụng chính sách áp đặt đối với Singapore trên lĩnh vực quân sự, kinh tế, nước. Tuy nhiên, với mục đích ổn định nền hòa bình và an ninh để phát triển đất nước, Malaysia chỉ gây sức ép, tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước nhưng không sử
dụng đến vũ trang. Malaysia luôn tin tưởng rằng vấn đề sống còn của Singapore phụ thuộc vào Malaysia. Malaysia phản đối gay gắt khi Singapore tuyên bố ủng hộ Indonesia và các nước mà Malaysia đang có mối quan hệ căng thẳng. Malaysia cũng sử dụng chính sách tác động vào tâm lý, phát hành báo chí mang tính chất phân biệt chủng tộc làm ảnh hướng đến các cộng đồng tộc người của cả hai nước. Chính sách của Malaysia đối với Singapore là áp đặt từ chính trị đến nền kinh tế, chính điều này gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Malaysia tố cáo Singapore can thiệp vào công việc chính trị, gây bất ổn trong Malaysia.
Sự hình thành chính sách đối ngoại của Malaysia trong thời kỳ 1971 - 1976 dựa trên nguyên tắc là: giữ khoảng cách cân bằng và không liên kết. Tiếp tục ý tưởng của Tun Abdul Razak, Thủ tướng Tun Hussein Onn đã hướng tới mục tiêu tăng cường hơn nữa vai trò của Malaysia trong khu vực. Trong phát biểu của mình tại cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ nhất của ASEAN ở Bali năm 1976 và lần thứ hai ở Kuala Lumper năm 1977, Thủ tướng Tun Hussein Onn đã công khai thể hiện sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Malaysia đối với các quốc gia Đông Nam Á. Malaysia đồng quan điểm với các nước ASEAN trong giải quyết vấn đề Campuchia.
Những nỗ lực của phía Malaysia và các hội viên ASEAN khác đã góp phần tích cực vào việc xác lập được mối quan hệ thân thiện và hiểu biết nhau