CHƯƠNG IV KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Phân tích tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu đối với cộng đồng dân cư nông thôn miền biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Trang 77)

PHẦN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

CHƯƠNG IV KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN

Theo kết quả nghiên cứu, người dân trong địa bàn nghiên cứu chưa có nhận thức rõ ràng về biến đổi khí hậu. Cộng đồng cần có năng lực nhất định trong việc quản lý các mối quan hệ về kinh tế, xã hội và sinh thái ở địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chính cộng đồng phải là những người tự giải quyết các rủi ro sinh kế do biến đổi khí hậu gây ra. Các cộng đồng có thể đã thích ứng tốt với điều kiện khí hậu hiện tại nhưng ít có khả năng thích ứng với sự biến đổi bất thường hơn của khí hậu trong dài hạn. Bên cạnh đó, những người nghèo dễ bị tổn thương hơn rất nhiều khi thiên tai xảy ra vì họ không có năng lực thích ứng và bảo vệ bản thân trước những biến đổi bất thường. Chính vì vậy, các giải pháp hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết để giúp người dân chuyển đổi từ thích ứng tự phát sang thích ứng có kế hoạch trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, các chiến lược đối phó có thể được xây dựng theo 3 mức: ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Về ngắn hạn, chính quyền địa phương cần tập trung giúp đỡ cộng đồng, giúp họ tránh được những thiên tai. Đây là hành động mang tính cấp bách để đối phó với các hiện tượng bão, lũ... xảy ra hàng năm. Cụ thể hơn, những hỗ trợ cần tập trung chủ yếu vào việc cải thiện các nguồn lực sinh kế tài chính và nguồn lực sinh kế con người của người dân địa phương.Đối với người nghèo, giới hạn trong khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề mấu chốt của sự dễ bị tổn thương.Thiếu nguồn lực tài chính, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư phương tiện sản xuất cũng như gia cố, sửa chữa nhà cửa sau những biến đổi bất thường. Bảo hiểm biến đổi khí hậu là một trong những phương án đang được nghiên cứu. Bảo hiểm có khả năng cung cấp những cách thức linh hoạt để quản lý rủi ro và bảo vệ các khoản đầu tư cần thiết khi không chắc chắn về xu hướng và phạm vi của biến đổi khí hậu. Tùy từng khu vực và loại hình thiên tai thường xuất hiện tại khu vực đó, các hình thức bảo hiểm khác nhau sẽ hiệu quả hơn các chương trình bảo vệ thường được thực hiện trên một địa bàn rộng lớn. Cụ thể, tại khu vực thường xuyên có bão, việc kết hợp cảnh báo sớm, sơ tán và bảo hiểm tài sản sẽ hiệu quả trong ngắn hạn hơn tiến hành

xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc bảo vệ. Bên cạnh nguồn lực tài chính, việc phát triển nguồn lực con người là một chiến lược ngắn hạn khác có thể áp dụng. Để hỗ trợ người dân phát triển nguồn lực con người, các chính sách an sinh xã hội hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu những tác động của đói nghèo do giá cả hàng hóa tăng. Một số những chương trình phổ biến có thể được áp dụng bao gồm chương trình cung cấp thực phẩm và chương trình đảm bảo việc làm. Về dài hạn, mạng lưới an sinh xã hội sẽ tạo điều kiện để người dân an tâm đầu tư vào các sinh kế con người trong tương lai như đầu tư vào giáo dục,đào tạo, và dinh dưỡng. Việc này sẽ giúp cho người dân thích ứng tốt hơn trong dài hạn trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Với mức trung hạn (3-5 năm), những hành động cần làm ở giai đoạn này là thu thập thông tin, dữ liệu (chẳng hạn thông tin liên quan đến mực nước biển dâng...) để từ đó có những kế hoạch xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Xét trên khía cạnh phát triển sinh kế, đây là bước cải thiện nguồn lực vật chất.Hệ thống thông tin liên lạc, giao thông và cảnh báo sớm được xây dựng tốt sẽ giúp sơ tán nhanh chóng người dân khi có bão. Cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt sẽ giúp làm tăng khả năng của người dân trong việc đối phó với những cú sốc về khí hậu trong ngắn hạn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Với mức dài hạn (20-50 năm), giai đoạn này cần có những phân tích về các kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa ra. Chẳng hạn, việc mực nước biển dâng có thể lên tới 50cm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như thế nào. Do vậy, để chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn, những kế hoạch về tái sử dụng đất, tái định cư cho người dân cần phải làm từ ngay bây giờ.

Một phần của tài liệu Phân tích tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu đối với cộng đồng dân cư nông thôn miền biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Trang 77)