Khái quát tình hình quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Yên Viên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất sử dụng hợp lý đất đai thị trấn Yên Viên, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội (Trang 39)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2 Khái quát tình hình quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Yên Viên

Thị trấn Viên Viên là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng đi các tỉnh phía bắc. Vào trước những năm 1954, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh với các thế lực thù địch, các đế quốc xâm lấn như: Mỹ, Pháp và Tàu- Tưởng. Lúc này đã thành lập các khu hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh, nhưng công tác quản lý đất đai hầu như không được quan tâm để ý.

Giai đoạn từ năm 1954 đến 1959: tháng 10 năm 1954, quân Pháp rút khỏi khu vực Bắc Đuống. Việc khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh của ta trở nên bức thiết. Chính quyền đã thực hiện một số giải pháp: Phục hóa ruộng hoang được 100 mẫu ruộng ở các xứ đồng Cống Thôn, Ái Mộ, Kim Quan, Lã Côi, Yên Viên. Nhờ đó giảm được chút ít khó khăn vì người nhiều ruộng ít, năng suất cây trồng thấp. Bà con ở các phố chủ yếu hồi cư về sau giải phóng, bằng lòng với việc tiếp nhận lại cơ sở cũ của mình trên gạch vụn cỏ dại hoang tàn. Bỏ ra nhiều công sức cùng số tiền ít ỏi của mình để san lấp, dựng lại lều lán tạm thời. Sau ngày lập lại hòa bình, công tác cải cách ruộng đất do Đảng chủ trương đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành phía Bắc. Đầu năm 1955 phong trào cải cách ruộng đất đã lan đến xã Tiền Phong ( thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên ngày nay ). Từ ngày 27/6/1955 đến tháng 12/1955, tiến hành đợt 1 và đang chuẩn bị sang cải cách ruộng đất đợt 2, thì có chỉ thị của Trung ương tạm đình chỉ lại, vì quá trình thực hiện đã xẩy ra sai lầm nghiêm trọng trong phạm vi toàn miền Bắc. Việc quản lý đất đai trong giai đoạn này chủ

yếu tập trung vào cải cách ruộng đất, đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của họ, nông dân được làm chủ ruộng đồng trong xã.

Giai đoạn từ 1959 đến 1975: Giai đoạn này đất nước ta vẫn đang trong tình trạng chiến tranh chống Mỹ giành độc lập dân tộc. Năm 1959, thị trấn Yên Viên được thành lập thành đơn vị độc lập, có bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Thị trấn Yên Viên đã được phân định ranh giới với xã Yên Viên trên cơ sở được tách ra từ xã Tiền Phong, nhưng ranh giới không được rõ ràng giữa xã Yên Viên và thị trấn Yên Viên. Lúc này, địa giới quản lý thị trấn Yên Viên chủ yếu bám theo trục mặt đường quốc lộ 1A và phần đất của các cơ quan xí nghiệp mới được thành lập ( 1957). Trên địa bàn thị trấn không có đất ruộng mà chỉ có đất ở của các hộ gia đình và đất của các nhà máy xí nghiệp, một số ít là đất ao hố bom. Giai đoạn này chưa có bản đồ quản lý đất đai hay các giấy tờ quản lý khác. Trong giai đoạn này, thị trấn Yên Viên chứng kiến hai sự kiện: năm 1971 thị trấn bị vỡ đê và nằm sâu trong biển nước ngập đầu người. Tất cả các gia đình ở thị trấn phải đi sơ tán đến các vùng Hà Bắc, Vĩnh Phú…Tuy không bị thiệt hại về người nhưng toàn bộ tài sản của nhà nước và nhân dân bị thiệt hại rất lớn. Những giấy tờ về nhà đất của người dân cũng bị nước lũ cuốn trôi. Năm 1972, thị trấn Yên Viên lại là chứng nhân của trận đánh tọa độ B52 của đế quốc Mỹ. “ Một lần nữa, thị trấn Yên Viên lại bị tàn phá nặng nề, nhiều hàng hóa quốc phòng, nhà cửa, các công trình văn hóa mới dựng lại đều bị san phẳng. Nếu đứng ở giữa thị trấn Yên Viên có thể nhìn thông thoáng cả hai đầu.” Năm 1975, Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta sạch bóng quân thù, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước. Trong giai đoạn này, cán bộ và nhân dân thị trấn tập trung cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nên công tác quản lý đất đai của nhà nước cũng như những giấy tờ về quyền sử dụng đất của người dân hầu như là không được quan tâm.

Giai đoạn từ 1976 - 1985: giai đoạn này cán bộ và nhân dân thị trấn Yên Viên tiến hành công cuộc xây dựng tái thiết đất nước, công tác quản lý đất đai trên địa bàn cũng không được chú trọng quan tâm. Nguyên nhân là do trên địa bàn thị trấn chỉ tập chung hai loại đất chính là đất ở của người dân đã được hình thành từ

lâu đời, và đất của các cơ quan xí nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên của thị trấn. Các hộ gia đình vẫn sử dụng ổn định trên diện tích của cha ông để lại, hầu như không có biến động. Cơ quan hành chính nhà nước là UBND thị trấn Yên Viên, có Ban ruộng đất phụ trách công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên ở giai đoạn này, đất đai ở thị trấn chưa có giá trị, cũng không có biến động gì về mục đích sử dụng. Mặt khác, Ban quản lý ruộng đất không có chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý đất đai lỏng lẻo nên tình trạng lấn chiếm đất công, đất ao hồ diễn ra nhiều (do những người trước chiến tranh đi di tản nay về lại quê hương, và do những người lao động mới đến địa bàn sinh sống). Thời kỳ này đã thành lập được bản đồ địa chính thể hiện các thửa đất trên toàn địa bàn thị trấn, loại bản đồ vẽ bằng tay trên giấy can, không có tỷ lệ; Sổ địa chính ghi tên các chủ sử dụng đất, diện tích đất của các gia đình (được lập khoảng năm 1984-1985). Những hồ sơ địa chính này được UBND thị trấn Yên Viên lập thủ công nên độ chính xác không cao và chưa thể hiện được đầy đủ các thông tin chủ sử dụng các thửa đất trên địa bàn thị trấn.

Về hồ sơ, hiện tại thị trấn còn lưu giữ được 01 bản đồ Hành chính thị trấn Yên Viên được cơ quan thành lập bản đồ lập năm 1983, thể hiện các điểm địa hình, địa vật, các cơ quan, công trình quan trọng trên địa bàn thị trấn.

Giai đoạn 1986- 1996: Đây là giai đoạn thực hiện và đẩy mạnh công cuộc đổi mới nên có nhiều sự kiện quan trọng. Năm 1987 ra đời Luật đất đai đầu tiên ở nước ta. Nhà nước đã chuyển dần từ cơ chế bao cấp sang có chế tự do kinh doanh phát triển. Nhu cầu phát triển sản xuất của các cơ quan xí nghiệp, của các hộ gia đình tăng lên. Lúc này đất đai dần trở thành quan trọng đối với người dân thị trấn. Nhu cầu sử dụng đất vào mục đích ở và làm cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nên đã có nhiều hiện tượng các hộ gia đình, cá nhân tự lấn chiếm đất công, rồi việc lãnh đạo UBND thị trấn Yên Viên bán đất công, đất ao hồ trái thẩm quyền (diễn ra phổ biến những năm 1985 đến 1993). Quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn thị trấn Yên Viên đã ít, thì các hoạt động cấp đất trái thẩm quyền diễn ra làm cho quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn giảm đáng kể. Năm 1993, trên địa bàn thị trấn đã triển khai đo đạc, thành lập được bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, sổ giã ngoại ghi tên các chủ sử

dụng đất theo từng thửa đất của bản đồ địa chính. Đây là mốc quan trọng trong công tác quản lý đất đai của thị trấn, vì tính đến nay, bản đồ địa chính và sổ giã ngoại kèm theo bản đồ này là một trong những hồ sơ rất quan trọng để làm căn cứ quản lý đất đai cũng như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị trấn Yên Viên. Thực hiện chỉ thị 364 ngày 06/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ về xác định, giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, Năm 1993 đã thành lập được bản đồ địa giới hành chính 364 và bản thuyết minh địa giới kèm theo. Năm 1997, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định phê chuẩn hồ sơ 364 của thị trấn Yên Viên và các xã giáp ranh. Lúc này thì địa giới hành chính thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên mới được xác định rõ ràng, làm căn cứ để cơ quan nhà nước quản lý đất đai cũng như quản lý mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn thị trấn được thuận lợi. Tuy nhiên, việc thống nhất phân định địa giới hành chính giữa hai đơn vị có cùng chung nguồn gốc này có nhiều bất cập khiến cho công tác quản lý đất đai sau này, và cho đến bây giờ gặp nhiều khó khăn, kìm hãm sự phát triển đô thị của thị trấn Yên Viên. Như việc phân định địa giới hành chính thị trấn Yên Viên chủ yếu chạy dọc bám hai bên quốc lộ 1A, nằm lọt trong lòng xã Yên Viên, nhiều khu vực dân cư của thị trấn cài răng lược với xã Yên Viên. Việc xác định gần như toàn bộ diện tích đất ao hồ, chưa sử dụng trong vùng thị trấn Yên Viên thuộc địa giới của xã Yên Viên đã dẫn tới việc ranh giới sử dụng đất giữa xã Yên Viên và thị trấn Yên Viên có hiện tượng zíczắc, cài răng lược, một số khu vực ao hồ nằm lọt trong lòng thị trấn Yên Viên nhưng lại thuộc địa giới của xã Yên Viên khiến cho vùng đô thị thị trấn Yên Viên bị phân mảnh. Quỹ đất tự nhiên thị trấn Yên Viên là 101,6 ha, khá lớn nhưng phân thành hai mục đích sử dụng chính là đất ở đô thị và đất chuyên dùng của các nhà máy, xí nghiệp được hình thành từ những năm 1957. Diện tích đất chưa sử dụng chiếm 1,2% tổng diện tích đất tự nhiên nhưng chủ yếu là đất bãi bồi ven sông Đuống, không đưa vào sử dụng hiệu quả được. Thành lập được sổ bộ thuế đất, sổ mục kê đất đai, biểu tổng hợp diện tích đất theo tờ bản đồ. Giai đoạn này là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành hồ sơ địa chính, quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Yên Viên. Trong giai đoạn này, UBND thị trấn Yên Viên

cũng đã tiến hành đợt kê khai và kiểm tra đất đai của tác tổ chức trên địa bàn thị trấn Yên Viên theo chỉ thị 245 của Thủ tướng chính phủ. Thị trấn đã lập biên bản và xử lý một số các đơn vị, cơ quan xí nghiệp sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa, đề xuất thu hồi để xử dụng vào mục đích công cộng cho nhân dân thị trấn. Giai đoạn này nở rộ việc xây dựng, phân nhà, thanh lý nhà cho các cán bộ, công nhân viên của các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn. Một diện tích lớn đất của các cơ quan xí nghiệp được chuyển mục đích từ đất của nhà nước sang làm đất ở tập thể cho các cán bộ công nhân viên của các nhà máy, xí nghiệp đó. Công tác quản lý đất đai trong thời kỳ này nói chung và công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn nói riêng chưa được quan tâm nhiều, còn lỏng lẻo nên tình trạng chuyển mục đích từ đất chuyên dùng, đất công sang đất ở của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn Yên Viên diễn ra phổ biến, làm biến động về mục đích sử dụng đất rõ rệt. Tình trạng xây dựng không phép, cơi nới trái phép, sai phép lan tràn, song do cách quản lý phân tán liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp cho nên công việc không được giải quyết kịp thời.

Gia đoạn từ 1997 đến nay: Công tác quản lý đất đai trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn thị trấn Yên Viên dần được củng cố, có quy mô. Tình trạng lấn chiếm đất, cấp đất trái thẩm quyền không còn nữa. Thực hiện chủ trương của nhà nước, Năm 1998 UBND thị trấn Yên Viên đã tiến hành kê khai chủ sử dụng đất và diện tích đất trên toàn địa bàn thị trấn. Đây cũng là một trong những cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn. Từ năm 1999, Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn được tiến hành công khai, phổ biến. Giai đoạn này, do việc hướng dẫn quy trình cấp giấy còn đơn giản nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn. Theo báo cáo thuyết minh tổng kiểm kê đất đai năm 2005 của thị trấn Yên Viên: “Việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị trấn Yên Viên được tiến hành từ năm 1999, đến nay trên toàn địa bàn thị trấn đã cấp được 1228 Giấy chứng nhận đạt trên 60 % giấy chứng nhận phải cấp”. Trong giai đoạn

này, trên địa bàn thị trấn Yên Viên hầu như không có biến động về đất đai. Nguyên nhân là do gần như toàn bộ quỹ đất tự nhiên thị trấn Yên Viên đã được đưa vào sử dụng vào các mục đích: đất ở của các hộ gia đình, cá nhân và đất chuyên dùng do các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp sử dụng. Diện tích đất chưa sử dụng được phân bổ rải rác là các ao hồ nhỏ xen kẹt trong khu dân cư nên không đưa vào sử dụng vào các mục đích công cộng được. Tình hình quản lý đất đai đã được nâng cao, tăng cường. UBND thị trấn Yên Viên đã có cán bộ Địa chính, quản lý đất đai chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, những năm 1997 đến 2003, cán bộ địa chính là những người hợp đồng thời vụ, không có chuyên môn nên công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn chưa chặt chẽ, vẫn để tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở không chính xác, có nhiều sai sót dẫn đến việc quản lý đất đai sau này gặp nhiều khó khăn, xảy ra tranh chấp khó giải quyết. Từ năm 2004, cán bộ địa chính được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn được củng cố, chặt chẽ hơn, không còn tình trạng xây dựng lấn chiếm đất công, cơi nới trái phép, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định chặt chẽ, chính xác hơn. Không còn tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, phân giao đất trái thẩm quyền. Các tổ chức trên địa bàn thị trấn đã tiến hành kê khai, làm hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ.

Tình hình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị trấn Yên Viên giai đoạn 2005 – 2009 thể hiện ở bảng 7.

Bảng 7: Tình hình cấp GCNQSD đất trên địa bàn thị trấn Yên Viên giai đoạn 2005 - 2009

Năm 2005 2006 2007 2008 2009

Số GCN đã

được cấp 141 29 85 22 73

Nhìn chung tình hình quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Yên Viên trong những năm gần đây chặt chẽ, hồ sơ quản lý đất đai ngày càng được củng cố đầy đủ hơn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cán bộ được giao phụ trách công tác quản lý đất đai đã ý thức và trách nhiệm với nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn. Đa phần người dân trên địa bàn thị trấn cũng ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật về đất đai hơn nên không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất sử dụng hợp lý đất đai thị trấn Yên Viên, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)