Hoàn thiện trách nhiệm pháp lý của công chức đáp ứng yêu cầu của

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 63)

cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Xuất phát từ yêu cầu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với trách nhiệm pháp lý của công chức như đã trình bày ở điểm 1.3 chương 1 của luận án, thì việc hoàn thành trách nhiệm pháp lý của công chức ở nước ta hiện nay cả về mặt quy định luật pháp lẫn tổ chức thực hiện là một đòi hỏi khách quan. Pháp luật về trách nhiệm pháp lý của công chức phải được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu này.

Chúng ta sẽ không thể xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện những người đại diện cho quyền lực nhà nước lại là những người coi thường pháp luật, đứng trên pháp luật. Việc công chức nhà nước đứng trên pháp luật, coi thường pháp luật là trái với bản chất tốt đẹp của nhà nước ta, một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính vì vậy, pháp luật phải là đại lượng công bằng bảo đảm được sứ mệnh thiêng liêng phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc của người nhà công chức nhà nước.

Nói đến nhà nước pháp quyền chúng ta phải nói đến tính đồng bộ, tính hệ thống, tính tối thượng của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về công chức, công vụ nói riêng. Sẽ không thể xây dựng, nhà nước pháp quyền trong điều kiện quy chế công vụ chưa rõ ràng, hệ thống văn bản về trách nhiệm pháp lý của công chức xét theo nghĩa tiêu cực và tích cực chất lượng thấp, còn thiếu và tản mạn. Việc chậm ban hành Luật công vụ cũng như chậm sửa đổi những văn bản không còn phù hợp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng cường trách nhiệm của công chức đối với công vụ được giao phó, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và sự tha hóa đạo đức của đội ngũ công chức, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường như hiện nay.

Tình trạng trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính lỏng lẻo "trên nói dưới không nghe" trong hoạt động của bộ máy hành chính hiện nay, theo chúng tôi xuất phát từ việc cơ quan chức năng, người đứng đầu không chú trọng tới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật của đội ngũ công chức thuộc quyền, còn e dè nể nang, ngại va chạm trong việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận không nhỏ đội ngũ công chức của nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở. Chính vì vậy, để có một bộ máy quản lý hoạt động hiệu lực, hiểu quả cần thiết phải hoàn thiện trách nhiệm pháp lý của công chức; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy hành chính những công chức tham nhũng, thoái hóa, biến chất, kém về phẩm chất đạo đức cũng như năng lực công tác, định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức,tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cần phải quan tâm tới chế độ chính sách của đội ngũ công chức và đổi mới công tác đào tạo tuyển chọn, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ…

Vấn đề đáng chú ý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là ở chỗ, nó không phải là nhà nước độc tài chuyên chế với chế độ hà khắc, chuyên quyền độc đoán, người dân không được quyền tham gia các công việc nhà

nước, không có quyền mà chỉ gánh chịu các trách nhiệm nặng nề mà giai cấp thống trị ban hành; không phải là nhà nước pháp trị với những quy định pháp luật do một nhóm người ban hành theo ý chí độc tôn của mình, không phải ý chí của nhân dân lao động, không có nhân quyền, không có quyền công dân; không phải là nhà nước theo nhân trị, pháp luật trong nhà nước được xem nhẹ (chỉ tập trung trong lĩnh vực hình sự), mọi vấn đề trong xã hội được giả quyết theo phương pháp tu thân, tích đức để giáo hóa con người. Do đó hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về trách nhiệm pháp lý của công chức nói riền phải thể hiện các yếu tố này. Đây cũng là một trong những nhu cầu của việc hoàn thành trách nhiệm pháp lý của công chức, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trách nhiệm pháp lý của công chức có vai trò to lớn đối với việc thiết lập trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính vào bảo đảm hiệu quả của quản lý nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010 là: xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì vấn đề đặt ra không thể thiếu là các yếu tố trách nhiệm pháp lý của công chức.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)