Ngân hàng Thế giới (WB) đã xây dựng bộ chỉ tiêu về năng lực thống kê quốc gia [12] bao gồm, 3 nhóm chỉ tiêu (phương pháp luận thống kê; nguồn dữ
liệu; tính định kỳ và kịp thời) và một chỉ tiêu chung tổng hợp từ 3 nhóm chỉ
tiêu trên. Mỗi nhóm chỉ tiêu, bao gồm nhiều chỉ tiêu và được tính theo thang
điểm từ 0 đến 100 điểm dựa trên một bộ tiêu chí phù hợp với các khuyến nghị
của quốc tế. Điểm 100 chỉ ra rằng thống kê của quốc gia đáp ứng được tất cả
các tiêu chí về năng lực thống kê.
Kết quả đánh giá năng lực thống kê của 145 quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình với dân số trên 1 triệu người của WB năm 2010 cho thấy
Kazakhstan là quốc gia có chỉ số năng lực thống kê cao nhất (96 điểm), đứng ở
vị trí số 1; Micronesia Fed. Sts là quốc gia có chỉ số năng lực thống kê thấp nhất (23 điểm) đứng ở vị trí cuối cùng (145); Việt Nam có chỉ số năng lực thống kê là 61 điểm, đứng ở vị trí 77, thấp hơn 4 điểm so với điểm trung bình của thế giới (65 điểm).
Trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dưong, năng lực thống kê Việt Nam
đứng thứ 8, trong tổng số 21 nước, xếp trên Trung Quốc, sau Lào, Cămpuchia. Trong khu vực ASEAN, năng lực thống kê Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 trong tổng số 9 nước (không có Brunei). Năng lực thống kê Việt Nam cao hơn 2 nước là Đông timo, Myanmar; nhưng thấp hơn 6 nước là Lào, Cămpuchia, Malaysia, Thailand, Indônêxia, Philippin, thấp hơn 7 điểm so với điểm trung bình khu vực ASEAN (68 điểm).
Trong 7 năm qua (2004 -2010), năng lực thống kê của Việt Nam giảm
đáng kể so với mặt bằng chung về năng lực thống kê thế giới. Cụ thể, năm 2004 chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam là 71 điểm, cao hơn 4 điểm so với
điểm trung bình của khu vực (67 điểm) và cao hơn 9 điểm so với điểm trung bình của thế giới (62 điểm), năm 2010 năng lực thống kê Việt Nam giảm xuống còn 61 điểm, thấp hơn 5 điểm so với điểm trung bình của khu vực (67
điểm), thấp hơn 4 điểm so với điểm trung bình của thế giới (65 điểm).
Chỉ số năng lực thống kê Việt Nam mất 20 điểm ở nhóm chỉ tiêu phương pháp luận (từ 50 điểm năm 2004, giảm xuống 30 điểm năm 2010); và mất 10
điểm ở nhóm chỉ tiêu tính định kỳ, kịp thời (từ 82 điểm giảm xuống còn 72
điểm).
Việt Nam có chỉ số năng lực thống kê thuộc nhóm nước có năng lực thống kê trung bình của thế giới (55-69 điểm) và đứng ở vị trí áp chót của khu vực ASEAN (vị trí thứ 7/9 nước). Như vậy mục tiêu chung của Định hướng phát triển Thống kê Việt Nam tới năm 2010 là đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ thống kê tiên tiến của các nước trong khu vực đến nay vẫn chưa đạt
được.
Những điểm yếu của TKVN không thể giải quyết được trong các kế
hoạch ngắn hạn, mà đòi hỏi những giải pháp chiến lược dài hạn. Những giải pháp được xây dựng dựa trên những thế mạnh, tận dụng những cơ hội, và đối
diện với các thách thức và sẽ được xác định trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.