Pháp luật về biển, đảo giai đoạn từ năm 1954-1975

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tiến trình hội nhập quốc tế (Trang 42)

Đây là giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền. Ở miền Bắc, chính sách biển tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và hỗ trợ đồng bào miền Nam đấu tranh; xây dựng các hợp tác xã nghề cá, các cơ sở nghiên cứu khoa học về đại dương. Chính quyền miền Bắc đã ký với Trung Quốc hiệp định nghề cá năm 1957, 1960, 1963; Hiệp định nghiên cứu biển năm 1961 trong Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam được coi là nước có quan điểm mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý, mặc dù không tuyên bố chính thức.

Ở phía Nam, chính quyền Sài Gòn đã tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc vể luật biển lần thứ nhất tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) và đã có đóng góp nhất định trong việc xây dựng các khái niệm nghề cá và thềm lục địa. Chính quyền Sài Gòn duy trì chiều rộng lãnh hải là 3 hải lý (Tuyên bố ngày 27/4/1965 về các biện pháp bảo vệ lãnh hải), mở rộng phạm vi vùng đánh cá rộng 50 hải lý (Tuyên bố ngày 01/4/1972), chia phần thềm lục địa nam Việt Nam thành 33 lô (Nghị định ngày 9/6/1971) và tiến hành đấu thầu một số lô cho các công ty dầu lửa nước ngoài vào thăm dò, khai thác. Mặt khác, chính quyền Sài Gòn lúc đó là người trực tiếp quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; lên phương án phân chia một số vùng biển, thềm lục địa với một số nước láng giềng ở vùng biển Tây Nam và trong Vịnh Thái Lan; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 4/1975, bộ đội Việt Nam đã tiến hành giải phóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

Do thời kỳ trước năm 1975, đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và bị chia cắt nên chưa có điều kiện hoạch định chính sách phát triển ra biển. Mối quan tâm chủ yếu của Việt Nam là giữ gìn và bảo vệ an ninh trên biển, chống xâm nhập từ hướng biển; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các hải đảo,

hải phận. Giai đoạn này, Việt Nam cũng chưa có được một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp với xu hướng chung của luật biển quốc tế và do đó đã hạn chế một phần hoạt động mở rộng ra biển [23].

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tiến trình hội nhập quốc tế (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)