Pháp luật về quản lý biển, đảo của Nhật Bản

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tiến trình hội nhập quốc tế (Trang 30)

Nhật Bản có tổng diện tích đất tự nhiên là 378.000 km2, với tổng chiều dài bờ biển là 35.000 km và 6.847 hòn đảo lớn, nhỏ [53]. Thủy sản là ngành kinh tế rất được chú trọng ở Nhật Bản, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II; thể hiện ở việc mở rộng vùng biển đánh bắt theo pháp luật quốc tế, đầu tư khoa học - kỹ thuật và tài chính, phát triển ở các vùng biển quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu bằng đường biển, chính sách biển của Nhật Bản chú trọng bảo đảm sự an toàn về hàng hải; không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong vận tải biển và trong các hải cảng. Ngoài ra, Nhật Bản còn đảm bảo cho các chuyến tàu đi qua các eo biển bằng cách yêu cầu hải quân phải đảm bảo an toàn hàng hải trong phạm vi 1.000 hải lý từ các cảng của Nhật.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển, tích cực tham gia vào Ủy ban quyền lực đáy đại dương trên cơ sở các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Về cơ cấu quản lý hoạt động khai thác biển, Nhật Bản quản lý theo ngành dọc, mỗi ngành liên quan đến biển sẽ thuộc sự quản lý tương ứng của Bộ chuyên ngành như vận tải biển do Bộ Giao thông vận tải quản lý, thủy sản do Bộ Thủy sản quản lý v.v.. Nhật Bản đã sớm quan tâm đến việc quản lý thống nhất đại dương bằng việc thành lập Hội đồng Phát triển đại dương từ năm 1971 với chức năng xây dựng các ý tưởng cơ bản về phát triển dài hạn

đại dương và đóng góp ý kiến cho Thủ tướng ra quyết định về chính sách biển trong từng giai đoạn với thời hạn 10 năm.

Năm 2007, Nhật Bản thành lập cơ quan chính sách đại dương, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên của cơ quan này là các Bộ trưởng của các Bộ có liên quan đến biển, được phân công trách nhiệm phụ trách rõ ràng cho từng mảng công việc:

Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo giao thông trên biển, bảo vệ và quản lý các đảo, quản lý tổng hợp vùng ven biển.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ biển; giữ gìn và Bảo vệ môi trường tự nhiên của biển.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy sự phát triển một cách hệ thống về năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong khu vực biển.

Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá có trách nhiệm chính trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất của các vùng khai thác thủy sản.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo việc điều phối quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...

Bộ Nội vụ và Thông tin có trách nhiệm chính trong việc xác định những biện pháp giải quyết những thảm họa thiên tai tự nhiên từ biển gây ra.

Bộ Môi trường có trách nhiệm chính trong việc Bảo vệ môi trường biển, giảm bớt sức ép về môi trường.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát việc xuất, nhập khẩu hàng hóa và phương tiện thủy theo các quy định của hải quan.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong việc thông báo cho các quốc gia có cắm cờ về những vi phạm hàng hải tuân thủ theo các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, duy trì luật lệ, phép tắc trên biển.

Bộ Y tế, Lao động và Sức khỏe có trách nhiệm chính trong việc tập huấn tăng cường nguồn nhân lực trong các vấn đề về biển và hàng hải.

Giúp việc cho cơ quan này có bộ phận thư ký.

Về chính sách, năm 2007, Nhật Bản đã ban hành chính sách cơ bản về đại dương đề cập những phương hướng tổng thể về quản lý biển. Tiếp đó, ngày 18/03/2008, Nhật Bản đã ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai việc đưa các nội dung của chính sách cơ bản về đại dương đi vào cuộc sống.

Tiểu kết

Biển và đại dương giữ vai trò rất đa đạng trong đời sống xã hội, thể hiện tập trung trên ba lĩnh vực chính là giao thông vận tải, khai thác tài nguyên thiên nhiên du lịch và viễn thông. Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài dọc khắp đất nước. Từ bao đời nay, người dân Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của biển đối với cuộc sống người dân. Do vậy, bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn liền với việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển luôn được các thế hệ người Việt Nam chú trọng và quan tâm. Với vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng của khu vực và thế giới, các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam, đã không ngừng đẩy mạnh khai thác những tiềm năng to lớn mang lại từ biển. Các quốc gia xung quanh biển Đông có sự phụ thuộc rất lớn về kinh tế vào các ngành kinh tế biển. Chính vì vậy các chiến lược về biển luôn được quan tâm, đặc biệt là các chính sách liên quan đến an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những va chạm về mặt lợi ích trên biển cũng diễn ra ngày một thường xuyên

hơn. Những năm qua, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, những va chạm trên biển Đông xảy ra với số lượng ngày càng nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp. Trung Quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền với đường đứt khúc 9 điểm (đường lưỡi bò) bao trùm gần trọn biển Đông đã khiến tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng. Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tuy nhiên, do những mâu thuẫn về lợi ích, về chủ quyền khiến tình hình vẫn chưa được giải quyết. Việt Nam, với vị trí địa lý quan trọng của mình trong khu vực, cũng đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp dựa trên việc tôn trọng pháp luật và tập quán quốc tế về biển nhằm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết bất đồng giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp lý nhằm tạo dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đủ mạnh, phù hợp với pháp luật quốc tế, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo các chính sách pháp luật, chiến lược biển của một số quốc gia trên thế giới, đúc rút bài học kinh nghiệm, vận dụng một cách sáng tạo, hợp lý vào việc ban hành những chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện để phát huy có hiệu quả việc khai thác tiềm năng biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

CHƯƠNG 2: HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BIỂN, ĐẢO

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tiến trình hội nhập quốc tế (Trang 30)