Hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đã diễn ra từ rất lâu đời trên thế giới. Do đó, các quốc gia có đội tàu lớn cũng như có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh mẽ thường là những quốc gia có hệ thống pháp luật về hàng hải mạnh như Mỹ, Đức, Nauy, Thuỵ Điển… Trong khi đó, hoạt động này ở Việt Nam còn khá mới mẻ so với thế giới và thị phần chủ yếu vẫn chiếm lĩnh bởi các hãng tàu lớn của nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu FOB và nhập khẩu CIF, nên hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường biển càng thiếu những yếu tố tiên quyết để phát triển. Hệ quả tất yếu của thực tiễn đó là các chế định pháp luật về hàng hải nói chung và vận chuyển hàng hoá bằng đường biển nói riêng của chúng ta còn khá sơ sài, chủ yếu là pháp điển hoá các điều ước quốc tế phổ biến, mà cụ thể Bộ luật Hàng hải 2005, một bước tiến lớn về pháp lý trong lĩnh vực hàng hải, chủ yếu là tập hợp các quy định từ các điều ước quốc tế như Quy tắc Hamburg (về
hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển), Công ước Brussel 1952 và Công ước Geneva 1999 (về bắt giữ tàu biển)…. Do vậy, tiếp thu những tiến bộ trong quy định của hệ thống pháp luật quốc tế cũng như hệ thống pháp luật của các nước có nền pháp lý phát triển để xây dựng hệ thống pháp luật trong nước là một yêu cầu tất yếu để hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia.
Việc tiếp thu những tiến bộ trong quy định của hệ thống pháp luật quốc tế (các điều ước quốc tế) và hệ thống pháp luật các quốc gia có nền pháp lý phát triển, đặc biệt là có chế định về hàng hải phát triển có những thuận tiện sau:
(i) Các quy phạm pháp lý đó được xây dựng trên một kỹ thuật lập pháp ở trình độ cao, kế thừa từ hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới là luật Châu Âu lục địa (Civil Law) và thông luật (Common Law); (ii) Các định chế pháp luật đó đã tiên liệu các rủi ro và tranh chấp dựa
trên hàng trăm năm phát triển của hoạt động hàng hải quốc tế;
(iii) Các chế định pháp lý trong pháp luật quốc gia có chế định về hàng hải phát triển hầu hết thống nhất với các điều ước quốc tế phổ biến và các tập quán hàng hải quốc tế được áp dụng rộng rãi;
(iv) Trong quan hệ hàng hải quốc tế, khi các đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp từ các quốc gia có hệ thống pháp luật hàng hải phát triển, sẽ dễ dàng và thuận tiện cho các bên trong việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật khi hệ thống pháp luật hàng hải Việt Nam có những điểm tương đồng nhất định với hệ thống pháp luật hàng hải của các quốc gia mà các thương nhân đó mang quốc tịch.
Việc tiếp thu những tiến bộ trong lập pháp từ các quốc gia có lịch sử pháp lý lâu đời và hệ thống pháp luật về hàng hải phát triển tạo nhiều thuận lợi không chỉ cho (i) các nhà lập pháp trong việc học tập kỹ thuật lập pháp tiên tiến cũng như tiếp
cận những tình huống đã được tiên liệu, (ii) các doanh nghiệp Việt Nam khi tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật liên quan cũng như khi tiến hành các hoạt động thương mại hàng hải với các đối tác nước ngoài, mà còn tạo thuận lợi cho (iii) các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài khi hợp tác, giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu luật pháp và tập quán địa phương. Tóm lại, việc tiếp thu và chuyển hoá những quy phạm pháp luật tiến bộ từ những quốc gia có nền lập pháp tiên tiến và lịch sử hoạt động hàng hải lâu đời không chỉ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng khác nhau mà còn là một bước quan trọng đưa hệ thống pháp luật của chúng ta tiến gần hơn với các chuẩn chung của thế giới, thu hẹp khoảng cách vốn được tạo ra bởi tính quốc gia và tính địa phương của pháp luật, tạo điều kiện cho thương mại phát triển trong quá trình hội nhập toàn cầu.