II Xử lý của VKS 1 Tổng số vụ phải xử lý 50.063 52.534 56.265 59.037 46
3.2.2 Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong TTHS.
Dự thảo bộ luật TTHS sửa đổi gần đây nhất (Dự thảo VII), ngoài quy định thuộc về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, có xác định 3 điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng( 1).
Trong giới nghiên cứu hiện còn tồn tại các ý kiến khác nhau về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, chủ yếu về 2 vấn đề: Có cần hay không cần quy định điều kiện người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; có cần phải được sự đồng ý của bị can, bị cáo hay không ?.
Nghiên cứu cụ thể từng vấn đề, chúng tôi nhận thấy:
- Về điều kiện người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang. Đây là một điều kiện trước đây đã được quy định trong Sắc lệnh 51/SL ngày 17/4/1946 của Chính phủ lâm thời nước ta; quy định trong các Thông tư số 10/TATC ngày 08/7/1974 của TAND Tối cao và văn bản của các ngành Công an, Kiểm sát thực hiện Thông tư số 139/TTg ngày 28/5/1974 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ phạm pháp quả tang. Pháp luật tố tụng hình sự Đan mạch cũng xác định phạm tội quả tang là một trong các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn .
Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang được hiểu là người đó bị bắt khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Thực ra, khi nhấn mạnh tính chất phạm tội quả tang, coi đó là một điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn là muốn nhấn mạnh tính chất
phạm tội đơn giản, rõ ràng về mặt chứng cứ, qua đó xác minh được vụ án có thể có điều kiện để giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên nếu quy định điều kiện bắt buộc này sẽ có một số vấn đề đặt ra sau đây:
+ Trong nhiều trường hợp, mặc dù người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang nhưng vụ án lại mang tính phức tạp do người bị bắt không chỉ phạm tội đã bị bắt mà trước đó còn thực hiện các hành vi phạm tội khác hoặc vụ án có nhiều đồng phạm. Mặt khác, có những trường hợp hành vi khách quan là quả tang, nhưng yếu tố chủ quan( lỗi) lại rất phức tạp, khó xác định . Ngược lại, có những vụ án, người thực hiện hành vi phạm tội không bị bắt quả tang nhưng tính chất vụ án lại đơn giản, rõ ràng, bị can nhận tội hoặc tự thú, vụ án không phải điều tra nhiều, có thể giải quyết nhanh chóng.
+ Nếu quy định người phạm tội bị bắt quả tang là một điều kiện bắt buộc để vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì trong các trường hợp đồng phạm giản đơn, chỉ một người bị bắt quả tang, số còn lại đầu thú hoặc bị bắt bằng hình thức khác, tất cả cũng nhận tội, chứng cứ rõ ràng, đơn giản, có thể giải quyết nhanh nhưng không thể áp dụng thủ tục rút gọn.
Tham khảo các nước có thủ tục rút gọn trong TTHS, chỉ có Đan Mạch là có quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn phải thuộc trường hợp phạm tội quả tang (nhưng không giới hạn về loại tội); tuyệt đại đa số các nước không quy định điều kiện này.
Theo chúng tôi, để có thể giải quyết nhanh chóng một vụ án trong thời hạn quy định theo thủ tục rút gọn thì vấn đề cơ bản là vụ án đó phải đơn giản, rõ ràng về mặt chứng cứ. Ngay quy định về điều kiện phạm tội quả tang cũng chỉ nhằm hỗ trợ cho điều kiện này. Do vậy, không nhất thiết phải quy định phạm tội quả tang là một điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà “thu hút” vào điều kiện: Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Quy định như vậy sẽ tạo nên sự linh hoạt, thực tế hơn trong quá trình thực hiện, tránh được vướng
mắc đã nêu ở phần trên mà vẫn đảm bảo không xác định sai các vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn.
- Về điều kiện:Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng.
Đây là điều kiện cơ bản nhất, mang tính quyết định để một vụ án có thể giải quyết được theo thủ tục rút gọn. Tuy pháp luật TTHS các nước không có quy định riêng điều kiện này (trừ Đan Mạch) nhưng trong thực tế không thể giải quyết được vụ án theo thủ tục rút gọn nếu vụ án không thuộc trường hợp phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng vì không thể bảo đảm được thời gian cũng như tính chính xác, chắc chắn về nội dung giải quyết.
Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng là vụ án ngay từ khi mới xẩy ra đã rõ về các yếu tố cấu thành tội phạm, người phạm tội; không có những tình tiết phải mất thì giờ điều tra, xác minh; bị can, bị cáo đã nhận tội và trong vụ án chỉ có ít người tham gia, thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Một vài nước (ví dụ Đan Mạch) có quy định việc bị cáo nhận tội là một điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Trong Thông tư số 01/TT ngày 28/2/1975 của VKSND Tối cao về hoạt động của KSV trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn cũng có hướng dẫn 1 trong 4 điều kiện để áp dụng thủ tục rút ngắn là “... bị can khai nhận rõ tội lỗi phù hợp với những chứng cứ đã được ghi nhận trong biên bản phạm pháp quả tang”. Tuy nhiên việc quy định vấn đề bị can, bị cáo nhận tội như một điều kiện riêng biệt cho việc áp dụng thủ tục rút gọn là không cần thiết, bởi lẽ thực ra yếu tố này cũng đã được phản ánh trong điều kiện “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng”. Nếu bị can, bị cáo không nhận tội thì cũng chưa thoả mãn được đầy đủ yêu cầu trong điều kiện trên. Hơn nữa, việc bị can, bị cáo có nhận tội hay không nhận tội còn liên quan đến một điều kiện khác mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau (vấn đề bị can, bị cáo không phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn). Tuy nhiên khái niệm sự việc phạm tội đơn
giản, chứng cứ rõ ràng cũng khá trừu tượng , do vậy cần được giải thích, hướng dẫn bằng một văn bản pháp luật khác.
- Về điều kiện: Người phạm tội có lý lịch rõ ràng, là người đã thành niên.
Lý lịch của người phạm tội thể hiện các yếu tố thuộc về nhân thân của họ, trong đó có những yếu tố liên quan đến việc định khung, quyết định hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp khác (ví dụ người phạm tội có phải thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay lưu manh chuyên nghiệp; bị cáo có cần phải cấm cư trú, có thể được hưởng án treo hay không ...). Xét ở mức độ nào đó, lý lịch của bị can, bị cáo cũng thể hiện tính chất hành vi phạm tội của họ (ví dụ yếu tố tái phạm). Tuy nhiên về cơ bản, lý lịch của người phạm tội độc lập tương đối với sự việc phạm tội của họ. Nếu lý lịch của bị can, bị cáo chưa được xác minh (mặc dù sự việc phạm tội của họ đã rõ) thì cũng không áp dụng thủ tục rút gọn để xử lý họ được. Do vậy, chúng tôi tán thành việc quy định yếu tố: Người phạm tội có lý lịch rõ ràng là một trong các điều kiện của việc áp dụng thủ tục rút gọn. Trong quy định về thủ tục rút ngắn trước đây cũng đã có quy định về điều kiện này.
Một vấn đề chưa được đặt ra trong quá trình nghiên cứu về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là có nên xử lý những người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi theo thủ tục rút gọn không (đối với người chưa thành niên chưa đủ 16 tuổi đương nhiên đã được loại trừ vì họ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo điều 12 BLHS 1999). Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp thì không được áp dụng thủ tục rút gọn đối với người chưa thành niên.
Do tính chất đặc biệt của thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, theo chúng tôi không nên áp dụng thủ tục này đối với người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành niên phạm tội cần được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục
đầy đủ để vừa có điều kiện bảo đảm tối đa mọi quyền và lợi ích của họ, đồng thời phát huy tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa.
- Về điều kiện: Người phạm tội không phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn.
Bàn về điều kiện này có hai loại ý kiến trái ngược nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trong thủ tục rút gọn không nên đặt ra vấn đề người phạm tội có quyền chọn thủ tục này hay thủ tục kia để Toà án xét xử về hành vi phạm tội của mình với lý do là: Trong thủ tục rút gọn, quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được đảm bảo và nếu họ không nhất trí với việc xét xử thì vẫn có quyền kháng cáo theo thủ tục chung.(1)
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định điều kiện: “Nếu bị can, bị cáo đồng ý (không phản đối) áp dụng thủ tục rút gọn”. Lý do được đưa ra là xuất phát từ các nguyên tắc dân chủ, nhân đạo, tôn trọng nhân quyền và đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong TTHS (2)
.
Theo chúng tôi, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi có một đề xuất cụ thể.
Tố tụng hình sự là một lĩnh vực rất nhạy cảm và phức tạp vì nó đụng chạm đến các quyền cơ bản của công dân. Chúng tôi đã nghiên cứu thủ tục rút gọn trong TTHS trong mối quan hệ với các nguyên tắc cơ bản của TTHS trong đó có các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân; nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo... Việc xây dựng thủ tục rút gọn trong TTHS không được xa rời các nguyên tắc chung của TTHS. Đây là yêu cầu mang tính Hiến định.
(1) Xin xem :Nguyễn Quốc Việt - Xây dựng thủ tục rút gọn trong điều kiện thi hành Bộ luật hình sự 1999, tr7 (2) Xin xem :Nguyễn Đức Mai - Thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự, tr 7 ( Chuyên đề hội thảo luật tố tụng hình sự Việt Nam. Hà Nội- 8/1997)
Xem xét ở khía cạnh đảm bảo các nguyên tắc chung của TTHS chúng ta có thể nhận thấy việc quy định bị can, bị cáo có quyền phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn là cần thiết bởi lẽ: Thứ nhất: Quyền được xét xử với một thủ tục đầy đủ theo luật TTHS là một quyền cơ bản của công dân, trừ khi họ từ chối hưởng quyền đó. Thứ hai: Mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật, tức họ cũng có quyền bình đẳng trước các cơ quan tiến hành TTHS. Sẽ là không công bằng nếu một người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, tính chất đơn giản, rõ ràng lại bị xử lý theo một thủ tục ít nhiều mang tính hạn chế hơn về điều kiện thực hiện các quyền (về thời gian, về thành phần HĐXX ...) hơn những trường hợp phạm tội phức tạp, nghiêm trọng khác.
Xét ở một khía cạnh khác, chúng ta đã nghiên cứu mối quan hệ giữa việc áp dụng thủ tục rút gọn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tính nhân bản, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một trong những nội dung quan trọng của Nhà nước pháp quyền . Nhà nước, nếu đã đề ra 2 loại thủ tục tố tụng (thủ tục bình thường và thủ tục rút gọn) thì cần phải tạo điều kiện để công dân lựa chọn thủ tục giải quyết mà họ cho là phù hợp và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của họ.
Chúng ta cũng đã nghiên cứu hai mô hình tố tụng điển hình, những ưu điểm và hạn chế của chúng (mô hình tố tụng công bằng, mô hình kiểm soát tội phạm) và nhận thấy việc tìm kiếm một sự cân bằng giữa hai mô hình nói trên đang là xu hướng được nhiều nước thực hiện. Nếu như nội dung thủ tục rút gọn trong TTHS thiên về mô hình kiểm soát tội phạm (đề cao tính hiệu quả trong đấu tranh chống tội phạm) thì việc quy định người phạm tội có quyền lựa chọn được giải quyết theo thủ tục rút gọn hay thủ tục thông thường chính là một yếu tố cần thiết để “cân bằng” giữa quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và quyền của bị can, bị cáo trong TTHS. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài chúng ta thấy một số nước tiên tiến cũng có quy định cho phép bị can, bị cáo
phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Bang Nga. Ở Việt Nam trước đây không có qui định về điều kiện này nhưng chúng ta cần lưu ý là bối cảnh lịch sử, trình độ dân trí, mức độ phát triển các quyền con người tại thời điểm đó khác bây giờ.
Một vấn đề đặt ra là việc quy định cho phép người phạm tội được quyền phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn nên được giới hạn đến mức độ nào để không ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết án. Nên chăng chỉ cho phép bị can gửi đơn yêu cầu không áp dụng thủ tục rút gọn trong một thời gian nhất định (chẳng hạn trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn). Sau thời hạn nói trên, đơn yêu cầu của bị can không được chấp nhận trừ khi cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy vụ án không thuộc phạm vi, không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì huỷ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định chung. Quy định này nhằm tránh trường hợp người phạm tội sử dụng quyền này như một phương tiện để trì hoãn, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ kết quả nghiên cứu nêu trên, ngoài việc quy định phạm vi áp dụng là tội phạm ít nghiêm trọng, về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong TTHS theo quan điểm của chúng tôi cần bao gồm đủ 3 điều kiện sau đây:
- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng.
- Người phạm tội có lý lịch rõ ràng , là người đã thành niên.
- Người phạm tội không phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn trong thời hạn do pháp luật quy định (riêng điều kiện này cần quy định rõ thủ tục phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng đã nêu ở phần trên).