Chủ sở hữu quyền tác giả

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ (Trang 39)

Khái niệm chủ sở hữu quyền tác giả được giải thích tại Điều 101 Luật Quyền tác giả như sau: "Chủ sở hữu quyền tác giả, đối với bất kỳ một quyền độc quyền nào được quy định trong Luật Quyền tác giả, chỉ người chủ sở hữu của quyền cụ thể đó". Theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả là người sở hữu các quyền tác giả được ghi nhận, bảo hộ bởi Luật Quyền tác giả.

Theo quy định tại Chương 2 Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ, Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:

Thứ nhất, chủ sở hữu gốc là tác giả (các tác giả) - người sáng tạo ra

tác phẩm được bảo hộ.

Điểm (a) Điều 201 quy định: "Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ theo Điều luật này trước hết thuộc về tác giả hoặc những tác giả của tác phẩm. Các tác giả của một tác phẩm đồng tác giả là những đồng sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm". (Tác phẩm đồng tác giả được giải thích là các tác phẩm được sáng tạo bởi hai hoặc nhiều tác giả với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành các phần không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh - Điều 101).

Theo quy định này, tác giả (các tác giả) là chủ sở hữu trước tiên và đương nhiên của quyền tác giả.

Thứ hai, chủ sở hữu là người mà tác phẩm được tạo ra cho họ.

Người chủ sở hữu này không sáng tác ra tác phẩm được bảo hộ nhưng tác phẩm đó được tạo cho họ bằng cách thuê mướn hoặc các phương thức khác.

Điểm (b) Điều 201 quy định về trường hợp này như sau:

Đối với tác phẩm được tạo ra do thuê mướn, người sử dụng lao động hoặc những người khác mà đối với những người này tác phẩm được sáng tạo cho họ thì được coi là tác giả trong phạm vi Điều luật này, và, trừ phi các bên có thỏa thuận rõ ràng khác bằng văn bản đã được ký, những người đó sở hữu tất cả các quyền thuộc quyền tác giả tác phẩm [6].

Theo định nghĩa ở Điều 101, tác phẩm được sáng tạo do thuê mướn là: - Những tác phẩm được sáng tạo bởi người làm công trong phạm vi nhiệm vụ của người đó; hoặc

- Những tác phẩm được đặt hàng hoặc được thanh toán tiền cho việc sử dụng như là một phần của tác phẩm tuyển tập, như một phần của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, như là bản dịch, như là tác phẩm bổ sung, biên soạn, các tài liệu hướng dẫn, bài kiểm tra, các đáp án kiểm tra, tập bản đồ, nếu như các bên đồng ý rõ ràng bằng văn bản được ký bởi họ là tác phẩm đó được coi là tác phẩm được đặt hàng.

Theo quy định này thì người thuê mướn, sử dụng lao động hoặc được người khác tạo ra tác phẩm cho mình là chủ sở hữu quyền tác giả trừ khi giữa họ có thỏa thuận khác.

Thứ ba, chủ sở hữu là người được chuyển nhượng quyền tác giả.

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể chuyển nhượng một phần hay toàn bộ quyền này cho người khác theo phương thức chuyển nhượng hợp pháp nào đó hoặc bằng cách để lại thừa kế. Vấn đề này được quy định tại điểm (d) Điều 201 như sau:

Chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền tác giả thông qua bất kỳ một phương thức chuyển nhượng nào hoặc thông qua pháp luật hiện hành và có

thể được di chúc lại theo ý chí hoặc được để lại như tài sản cá nhân theo luật áp dụng đối với việc hưởng di sản thừa kế không theo di chúc [6].

Quyền tác giả có thể được chuyển nhượng toàn bộ hay một phần, bởi vậy người nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế sở hữu phần quyền được chuyển nhượng một cách độc lập với các quyền khác thuộc quyền tác giả. Điều 201 quy định: "Chủ sở hữu bất kỳ quyền riêng biệt cụ thể nào được hưởng trong phạm vi quyền đó tất cả sự bảo hộ và các biện pháp thi hành dành cho chủ sở hữu quyền tác giả".

Thứ tư, chủ sở hữu trong trường hợp tác phẩm hợp tuyển.

Theo điểm (c) Điều 201, quyền tác giả tác phẩm của từng tác phẩm riêng biệt trong một tác phẩm hợp tuyển là độc lập với quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển như một tổng thể, và trước hết thuộc về các tác giả của các tác phẩm riêng biệt đó. Nếu không có sự chuyển nhượng rõ ràng quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, thì chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển chỉ giành được quyền nhân bản và phân phối tác phẩm riêng biệt trong hợp tuyển như là một phần của tác phẩm hợp tuyển đó, bất kỳ sự sửa đổi nào tác phẩm hợp tuyển đó, và bất kỳ sự tuyển tập nào tiếp theo trong cùng một chủng loại.

Quyền sở hữu quyền tác giả tác phẩm, hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm là độc lập với quyền sở hữu bất kỳ đối tượng vật chất thể hiện nào mà trên đối tượng vật chất đó tác phẩm được thể hiện. Chuyển nhượng quyền sở hữu bất kỳ đối tượng vật chất thể hiện tác phẩm nào kể cả bản sao hoặc bản ghi mà trên các đối tượng vật chất này tác phẩm được định hình lần đầu, bản thân nó không bao hàm việc chuyển nhượng quyền sở hữu bất kỳ quyền nào đối với tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đã thể hiện trên đối tượng vật chất đó; cũng như trong trường hợp không có thoả thuận, chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ

quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm cũng không bao hàm việc chuyển nhượng các quyền sở hữu tài sản đối với bất kỳ đối tượng vật chất đã thể hiện tác phẩm nào.

Luật Quyền tác giả cũng quy định chi tiết thủ tục chấm dứt chuyển nhượng và cấp phép mà đã được tác giả thực hiện, thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả, chứng nhận chuyển nhượng và các tài liệu. Các quy định này đã tạo thuận lợi cho chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt tác phẩm theo ý muốn của mình một cách thuận lợi nhất. Theo đó, bất kỳ sự chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả nào hoặc bất kỳ các tài liệu nào khác thuộc về quyền tác giả có thể được xác nhận tại Cục Bản quyền tác giả nếu các tài liệu này được nộp để xác nhận có chữ ký chuẩn của người thực hiện chuyển nhượng, hoặc nếu các tài liệu này được gửi kèm theo cam đoan hoặc công chứng rằng đó là bản sao thực của của các tài liệu đã được ký đó.

Một phần của tài liệu Vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Hoa Kỳ (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)