Tại Hoa Kỳ, phải thừa nhận rằng các Hiệp hội liên quan đến quyền tác giả có vai trò rất lớn trong việc vận đồng hành lang đối với các cơ quan nhà nước để ban hành các đạo luật, văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả cũng như việc thực thi chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả có liên quan đến quyền lợi của các hội viên cũng như các hiệp hội. Hơn nữa, Hiệp hội là nơi tập trung của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền lợi ích liên quan mật thiết với nhau, các hội viên có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong việc sáng tác. Hiệp hội cũng là cơ quan đại diện hội viên để đàm phán về phí sử dụng các tác phẩm, chống lại việc sao chép bất hợp pháp các tác phẩm của các hội viên, chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền, thực hiện việc khởi kiện chống lại các vi phạm quyền tác giả. Hoặc
thực hiện các biện pháp phản kháng tự vệ như đình công, biểu tình chống lại các hành vi xâm phạm quyền lợi của hiệp hội cũng như các hội viên.
Các hiệp hội có liên quan đến quyền tác giả tại Hoa Kỳ được thành lập từ rất sớm, có thể kể ra đây như: Hiệp hội các nhà sản xuất âm nhạc thành lập từ năm 1895, Hiệp hội điện ảnh Mỹ thành lập năm 1922, Hiệp hội máy tính thành lập năm 1947, Hiệp hội thư viện Mỹ thành lập năm 1876, Hiệp hội các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Mỹ thành lập năm 1880, Hiệp hội các nhà báo thành lập năm 1909...
Một ví dụ điển hình về vai trò của Hiệp hội trong việc bảo vệ quyền tác giả tại Mỹ: Ngày 12/04/2009, Hiệp hội công nghiệp băng đĩa Mỹ (RIAA) thông báo nộp đơn kiện 405 sinh viên về việc lợi dụng một hệ thống của đối tác liên kết giữa các trường đại học để tiến hành tải lậu các ca khúc có bản quyền phát trên mạng. Đơn kiện tập thể các bị đơn là sinh viên của 20 trường đại học tại Mỹ. Trong đó có sinh viên các trường danh tiếng như Columbia (New York), Harvard (Boston) và Berkeley (San Francisco). Theo thông báo của RIAA, những sinh viên này đã chuyển tải và phân phối bất hợp pháp hơn 1,5 triệu thư mục, trong đó hơn 930.000 ca khúc. RIAA cho biết từ hệ thống đường truyền cao Internet2 liên kết 200 trường đại học Mỹ - phục vụ cho việc chia sẻ các công trình nghiên cứu - các sinh viên đã sử dụng một ứng dụng gọi là "i2hub" để trao đổi những ca khúc có bản quyền được tải trên mạng. Việc chuyển tải từ i2hub qua đường truyền Internet2 là cực nhanh, đa số trường hợp tải chưa đầy năm phút đối với một bộ phim hay dưới 20 giây đối với một ca khúc. Nguyên đơn còn gửi thông báo đến các nhà cung cấp mạng Internet2 và những người đứng đầu các trường đại học có liên quan. RIAA là Hiệp hội bảo vệ cho quyền lợi của các công ty băng đĩa lớn như Universal Music, Sony/BMG, Warner, EMI [15].
Tại Việt Nam, liên quan đến lĩnh vực bản quyền tác giả, vai trò của các Hiệp hội rất mờ nhạt, chủ yếu mới là nơi thu hút, tập trung của các hội
viên qua đó khuyến khích việc đăng ký bản quyền, thực hiện việc hợp tác khai thác giá trị bản quyền của các tác phẩm, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi bảo hộ quyền tác giả khi có hành vi xâm phạm. Có thể kế đến các Hiệp hội như: Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội bản quyền tác giả âm nhạc,... Ngoài ra còn có các Hiệp hội đang trong giai đoạn xúc tiến thành lập như: Hiệp hội quyền sao chép, Hiệp hội internet Việt Nam, Hiệp hội bản quyền Việt Nam... Cạnh đó còn có các trung tâm bảo vệ quyền tác giả như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trực thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam.
Việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ quyền tác giả cũng như thực thi bảo hộ quyền tác giả là tất yếu trong một xã hội văn minh. Hoa Kỳ đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ trong các hoạt động này. Tham khảo mô hình hoạt động của các Hiệp hội liên quan đến quyền tác giả tại Hoa Kỳ là rất cần thiết cho việc bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
Hình thức chủ yếu của xã hội hóa việc bảo hộ bản quyền là việc để các tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm, những người có quyền lợi liên quan tập hợp lại thành các Hiệp hội với mục đích:
- Thúc đẩy sự sáng tạo, phổ biến tác phẩm ra xã hội; - Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Hội viên;
- Tham gia góp ý, tư vấn, hoạch định cơ chế, chính sách về bản quyền liên quan tới các cơ quan nhà nước;
- Hợp tác giao lưu quốc tế với các Hiệp hội khác cùng chức năng. Như vậy, việc xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho việc thành lập, hoạt động của các Hiệp hội bản quyền tác giả là cần thiết và cấp bách, góp phần vào việc bảo hộ một cách có hiệu quả quyền tác giả tại Việt Nam.