Quyền tác giả là một bộ phận cấu thành của quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật của các quốc gia, các điều ước quốc tế đều đã quan tâm nhiều đến việc bảo hộ quyền tác giả nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền có xu hướng ngày càng gia tăng không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả ở những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Quyền tác giả là quyền kiểm soát và khai thác tác phẩm của người sáng tạo ra một số loại hình tác phẩm nhất định. Các quyền đó bao gồm quyền
đối với việc sao chép, cải biên, tái bản, biểu diễn trước công chúng và phát thanh truyền hình tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, tác giả cũng có quyền được ghi tên tác phẩm của mình và chống lại việc xuyên tạc và xâm hại đến tác phẩm của mình. Hơn nữa, chủ sở hữu còn có quyền cho thuê các bản ghi âm, ghi hình và các chương trình máy tính, do đó việc khai thác tác phẩm này qua việc cho công chúng thuê có thể phải được chủ sở hữu bản quyền cấp li-xăng. Quyền tác giả, theo nghĩa chính xác của từ này là quyền chống việc sao chép tác phẩm, vì thế nếu có hai người sáng tạo ra cùng một tác phẩm một cách riêng lẻ và độc lập với nhau, thì tác phẩm gốc thứ hai thường không bi coi là xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc thứ nhất.
Trong bối cảnh chịu sức ép của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ hướng tới nền kinh tế tri thức thì bảo hộ quyền tác giả là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ sức sáng tạo của toàn xã hội nhằm tạo lập môi trường văn hóa của các quốc gia ngày càng nâng cao.
Những vấn đề lý luận về quyền tác giả, bảo hộ quyền tác giả cũng như khái quát các công ước quốc tế về quyền tác giả được trình bày trong chương này sẽ là những tiền đề lý luận cho việc nghiên cứu các quy định pháp luật về quyền tác giả của Hoa Kỳ cũng như gợi mở cho những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương 2