b. Quyền hạn và trách nhiệm của VKS khi thực hiện chức năng công tố trong giai đoạn xét xử hình sự sơ thẩm
1.3.3 Vị trí, vai trò và chức năng của VKS trong mô hình tố tụng Xô Viết
Viết
Như phần trên đã trình bày, dù là kiều tố tụng thẩm vấn hay tố tụng tranh tụng thì cũng đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, để quá trình tố tụng được tiến hành vừa dân chủ, công bằng và minh bạch hơn, đồng thời quá trình tố tụng được tiến hành nhanh chóng, kẻ phạm tội bị trừng trị kịp thời nhưng vẫn đảm bảo được việc bảo vệ lợi ích của xã hội cũng như của công dân, hiện nay nhiều quốc gia đã và đang áp dụng mô hình tố tụng Xô Viết (trong đó có Việt Nam) đó là mô hình tố tụng thẩm vấn có đan xen một số yếu tố của tranh tụng.
Trong mô hình tố tụng này, trách nhiệm chứng minh tội phạm vẫn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Cơ quan công tố và Toà án), nhưng vai trò của Luật sư được đề cao hơn trong các giai đoạn tố
tụng. Ở kiểu tố tụng này, Toà án vẫn có trách nhiệm tìm ra sự thật và phiên toà xét xử được coi là giai đoạn điều tra công khai mà Thẩm phán là người giữ vai trò chủ đạo. Trong kiểu tố tụng này, Công tố viên không chỉ là bên buộc tội, “đối kháng” với bị cáo, với người bào chữa cho bị cáo, mà còn có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng như của những người tham gia tố tụng khác. Việc tranh tụng tại phiên toà giữa bên buộc tội và bên gỡ tội được diễn ra công bằng và dân chủ.
Ở Việt Nam, như đã phân tích ở phần trên, trong các thời kỳ trước, do Quan xử án vừa đảm nhiệm vai trò điều tra, truy tố, vừa đảm nhiệm vai trò xét xử, vì vậy, trong chế độ phong kiến, và trước đó, không có khái niệm "tranh tụng". Quan xử án thậm chí còn có thể tra tấn phạm nhân để có được lời khai nhận tội.
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng một nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, công bằng và nghiêm minh, lợi ích của cá nhân được đề cao, tư tưởng chống làm oan người vô tội ngày càng được chú trọng. Hoạt động điều tra, truy tố và xét xử đã phục vụ kịp thời yêu cầu chính trị của từng thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động xét xử nói riêng còn bộc lộ yếu kém, bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; còn để xẩy ra các trường hợp oan, sai; việc giải quyết nhiều vụ án còn kéo dài và không thực sự triệt để. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp và nhấn mạnh đến việc tranh tụng tại phiên toà. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đã nêu rõ: "Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...". Nghị quyết cũng nhấn mạnh: "Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng
trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn luật định" và "Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà ..." [8].
Có thể nói đây là một trong những văn bản đầu tiên của Đảng ta chính thức đề cập đến khái niệm "tranh tụng".
Tiếp đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định, cần: "Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" [9].
Để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của công cuộc cải cách kinh tế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quán triệt tư tưởng, quan điểm, định hướng về cải cách tư pháp được đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, BLTTHS năm 2003 đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004.
Tuy chưa ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc của TTHS, nhưng BLTTHS năm 2003 đã ghi nhận hàng loạt các nguyên tắc thể hiện rõ những yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự như nguyên tắc: Bảo đảm pháp chế xã
hội chủ nghĩa trong TTHS (Điều 3); Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 4); Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 5); Nguyên tắc không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 9); Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội (Điều 10); Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 11) …
BLTTHS năm 2003 cũng có rất nhiều quy định về sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc đưa ra các chứng cứ, trách nhiệm tranh luận và đối đáp dân chủ. Hội đồng xét xử có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ tranh tụng của mình. Điều 19 BLTTHS đã quy định rõ: Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án [3].
Trong giai đoạn điều tra vụ án, BLTTHS cũng có những quy định cụ thể để người bị tạm giữ, bị can và những người tham gia tố tụng khác thực hiện quyền bào chữa của mình, như quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, được quy định tại các Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 58 và Điều 59 BLTTHS. Điều 58 BLTTHS còn quy định cho người bào chữa có quyền tham gia tố tụng từ khi
có quyết định tạm giữ (trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia). Người bào chữa cũng có quyền Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa (nếu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác); Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Đặc biệt, các quy định tại các chương XX, XXI của BLTTHS năm 2003 đã có nhiều quy định thể hiện rất rõ nét tinh thần kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng trong TTHS, như các quy định về trình tự xét hỏi (Điều 207 BLTTHS), trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 217 BLTTHS); Đối đáp (Điều 218 BLTTHS); Trở lại việc xét hỏi (Điều 219 BLTTHS) …
Hiện nay, có quan điểm tuyệt đối hóa tranh tụng và cho rằng để thực hiện việc tranh tụng thì tại phiên tòa, KSV - với tư cách là người buộc tội - có nhiệm vụ xét hỏi và tranh luận là chủ yếu để bảo vệ cáo trạng, còn Hội đồng xét xử chỉ là trọng tài, không tiến hành xét hỏi mà chỉ điều khiển việc xét hỏi và nghe các bên tham gia phiên tòa tranh luận, rồi nhân danh Nhà nước để ra phán quyết về vụ án. Như vậy là chưa thấy hết được tính ưu việt của kiểu tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng. Việc xét hỏi tại phiên tòa do Hội đồng xét xử tiến hành là để thẩm tra các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong giai đoạn điều tra và thể hiện trong bản Cáo trạng của VKS. Thông qua việc xét hỏi, Hội đồng xét xử tiến hành kiểm tra, xác định tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ được dùng để buộc tội và gỡ tội cho bị cáo. Đồng thời, trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử có trách nhiệm hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án cũng như nghe các ý kiến tranh luận của KSV và những người tham gia tố tụng để xác định sự thật của vụ án, đảm bảo việc xét xử vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Khác với việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, việc xét hỏi của KSV đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác là nhằm mục đích củng cố chứng cứ, làm rõ thêm các tình tiết buộc tội và gỡ tội, bảo vệ Cáo trạng chứ không phải là để thẩm tra chứng cứ như việc xét hỏi của Hội đồng xét xử.
* * *