Hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiện đại và thị trường vốn phát triển sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế cũng như kiềm chế vững chắc lạm phát ở Việt Nam.
Trước mắt, hệ thống ngân hàng vẫn phải là xương sống của thị trường vốn đầu tư, là kênh tạo lập và truyền dẫn chủ yếu nguồn tiết kiệm và cung cấp vốn cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài quốc doanh. Hệ thống ngân hàng phải được xốc lại, hiện đại hoá và vận hành đặt trên cơ sở thị trường, tách chức năng kinh doanh tiền tệ khỏi chức năng chính sách. Lạm phát sẽ được kiềm chế chắc chắn hơn nếu bịt được các lỗ hổng làm tăng các xung lực lạm phát, chẳng hạn như cần:
- Thay việc Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại quốc doanh, bằng việc tái cấp vốn với lãi suất bám sát thị trường, và với thời hạn ngắn hơn.
- Chấm dứt việc Ngân hàng nhà nước cho ngân sách vay trực tiếp dưới mọi hình thức.
- Hạn chế và chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý ngoại tệ; đẩy lùi nạn đô la hoá và tình trạng đầu cơ tín dụng do chênh lệch lãi suất bản tệ và ngoại tệ.
- Đề cao việc sử dụng các công cụ điều tiết tiền tệ của Ngân hàng nhà nước như quy định về hạn mức tín dụng, về dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở.v.v...
- Giảm bớt khối lượng sử dụng tiền mặt và ngoại tệ trong thanh toán xã hội. Việc thanh toán qua ngân hàng phải trở nên chủ yếu và phổ biến, bao quát rộng rãi các lĩnh vực hơn so với mức khoảng 60% trong tổng thanh toán xã hội như hiện nay.
- Giảm việc dùng tiền phát hành để mua ngoại tệ. Tăng mua ngoại tệ bằng tiền huy động tiết kiệm trong nước; đồng thời khuyến khích các hoạt động mua bán tiền tệ của các ngân hàng thương mại và các thị trường liên ngân hàng.
- Tăng độ vững mạnh, hiệu quả hoạt động và hệ số tín nhiệm của hệ thống ngân hàng thương mại. Giảm thiểu các khoản nợ xấu trong dư nợ của chúng. Từng bước làm cho các chứng khoán do chúng phát hành có tính chuyển nhượng cao, trở thành các công cụ giao dịch phổ biến, tin cậy trên thị trường.
Trong mọi trường hợp, việc thực hiện lãi suất thực dương và không phát hành bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước trong tương lai luôn giữ nguyên giá trị tích cực của mình trong việc kiềm chế lạm phát.
Đặc biệt, trong tương lai, các ngân hàng cũng phải phát triển các hoạt động tham gia đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần làm việc huy động và cho vay vốn và cung cấp phương tiện, dịch vụ thanh toán xã hội. Phát triển hệ thống cơ sở tín dụng ở nông thôn và thị xã, ở các vùng xa trung tâm, phải là hướng ưu tiên trong địa bàn hoạt động của các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại quốc doanh. Bởi lẽ, một mặt, điều đó làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý và kinh doanh tiền tệ của ngân hàng; mặt khác, đó chính là sự tiếp lực trực tiếp và cần thiết cho việc phát triển theo chiều sâu của các khu vực này, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, kinh tế trang trại, hộ gia đình.v.v...
Cần nhấn mạnh rằng, trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực chung kiềm chế lạm phát, song cần tăng cường sự độc lập, tự chủ của Ngân hàng nhà nước trong hoạt động điều tiết tiền tệ nhằm ổn định hoá tiền tệ, tránh và đi đến loại bỏ sự can thiệp tuỳ tiện, phi kinh tế của chính quyền vào các tác nghiệp của nó.
Vai trò Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày càng nổi lên và trong thời gian tới sẽ tập trung vào những trọng tâm chính sách sau:
- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm lượng tiền và phương tiện thanh toán trong lưu thông phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, trước hết bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20% trong năm 2010.
- Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế. Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt
trong mối quan hệ với lãi suất giữa tiền Việt Nam và ngoại tệ, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại và các kênh đầu tư khác theo hướng ổn định, góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, huy động được các nguồn ngoại tệ hiện chưa thu hút được từ doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, kiều hối, tiền gửi từ bên ngoài vào Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được, thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để nhập khẩu theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; hạn chế việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; thực hiện các biện pháp tăng cường thu hút kiều hối, tiền gửi từ bên ngoài vào Việt Nam, giám sát việc sử dụng và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo đúng quy định.
- Chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng và của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng để có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết; đồng thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về huy động vốn, tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của nước ta, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong nước.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, liên quan, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát
tình hình thị trường tiền tệ và thị trường vàng để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời để bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng và dịch vụ tài chính....
Hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ là nhân tố ngày càng quan trọng trên thị trường vốn tương lai nói riêng, trong nền kinh tế mói chung của nước ta. Không chỉ với tư cách là phương tiện chủ yếu huy động và phân phối vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, mà thị trường chứng khoán còn là phương tiện đắc dụng để hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hoá khu vực DNNN. Nếu không thông qua thị trường chứng khoán, việc thực hiện cổ phần hoá sẽ dễ rơi vào nguy cơ không công khai, dẫn đến sự thất thoát lớn tài sản công. Mặt khác, nếu không có thị trường chứng khoán, các công ty, nhất là công ty cổ phần sẽ khó tiếp cận được với các nguồn vốn xã hội theo kiểu thị trường, nhanh và rẻ nhất. Như vậy, về nguyên tắc, thị trường chứng khoán sẽ bổ sung cho việc chống lạm phát bằng những công cụ kinh tế thị trường đầy đủ và linh động hơn. Từ thực tiễn đất nước và thế giới, có thể nhận thấy một số vấn đề nổi lên cần được xử lý thấu đáo ngay từ bây giờ để góp phần thúc đẩy về tốc độ và bảo đảm an toàn cho sự hình thành và hoạt động của thị trường chứng khoán tương lai dưới góc độ chống lạm phát:
- Các chứng khoán - hàng hoá trên thị trường chứng khoán - phải được hình thành phong phú, đa dạng hơn. Trước mắt, về cơ cấu, cần coi trọng các cổ phiếu có mệnh giá nhỏ và các tín phiếu, trái phiếu nhà nước do sự phù hợp khả năng tài chính và tâm lý thực tế của người đầu tư, cũng như do độ tín nhiệm cao của xã hội đối với các khoản nợ thương mại của chính phủ đang ngày càng được củng cố...
- Xây dựng chu đáo hệ thống pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường nói chung, của thị trường chứng khoán nói riêng. Cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa và xử lý các loại nợ có tính chất lừa đảo, chây ì không chỉ trong quan hệ kinh doanh - kinh tế, mà còn cả trong quan hệ giao dịch dân sự nói riêng và trừng trị nghiêm khắc các hoạt động kinh doanh lừa đảo, luật rừng trên thương trường nói chung, nhằm làm tăng sự tin cậy của nhân dân vào sự nghiêm minh, hiệu quả của luật pháp nhà nước, tăng hệ số tín nhiệm cho môi trường đầu tư - kinh doanh nước ta.
- Tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về thị trường chứng khoán, cả về cơ chế hoạt động, những tác động tích cực, tiêu cực và cả những rủi ro có thể trong kinh doanh chứng khoán. Điều cần thiết là nhà nước vừa phải giúp gột
bỏ được tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng về sự an toàn của vốn đầu tư tư nhân vào chứng khoán do kém hiểu biết của các chủ đầu tư, cũng như do sự bất cập của luật pháp; vừa phải có biện pháp cụ thể và hiệu quả phòng ngừa những tác hại của thị trường chứng khoán gắn với những nguyên nhân đầu cơ và lừa đảo, giúp các chủ đầu tư tránh khỏi những dại dột của chính mình.
- Trong điều kiện có sự hoạt động sôi nổi của thị trường chứng khoán, các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng nhà nước, cũng như hoạt động kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng thương mại khác sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng cả về bề rộng, lẫn bề sâu. Đồng thời hoạt động huy động vốn của ngân hàng sẽ vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp từ thị trường chứng khoán với tư cách là công cụ huy động vốn nhanh và rẻ của các doanh nghiệp. Thành thử, các ngân hàng phải tích cực ngay từ bây giờ, tự bổ xung kiến thức thị trường, đào tạo cán bộ, trau dồi nghiệp vụ để đảm đương được sứ mệnh mới, trong môi trường mới, đầy tính cạnh tranh. ở góc độ khác, mối tương quan giữa các hoạt động của ngân hàng với thị trường chứng khoán là mật thiết và cùng trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, đến các động thái của lạm phát nói riêng, nên vai trò điều phối, giám sát của Chính phủ đối với các hoạt động trên sẽ càng trở nên cần thiết và phức tạp hơn.