3.1.1. Bối cảnh kinh tế thế giới
1) Đình trệ và suy giảm kinh tế kéo dài ở hầu hết các khu vực, khối và quốc gia năm 2012-2013 và thể đạt mức bình thường trong giai đoạn 2014-2015, cải thiện hơn vào thời gian tiếp theo.
Năm 2012 và 2013 là thời điểm mà nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng u ám nhất kể từ những ngày đen tối năm 2009; Ngày 16/7/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống còn 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), gồm 17 nước thành viên, đóng góp 16% sản lượng kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone cả năm 2012 sẽ giảm 0,4 và chỉ tăng 0,5% trong năm 2013. Kinh tế Mỹ, với quy mô 15600 tỷ USD, lớn nhất toàn cầu, đã phục hồi nhẹ, song chưa vững chắc. Nhật Bản, nền kinh tế trên 5.000 tỉ USD –thứ ba thế giới này dự kiến sẽ quay trở về mức độ trước thảm họa Fukushima trong những tháng cuối năm 2012, nhưng triển vọng không nhiều lạc quan. Hiện tuợng suy giảm kinh tế diễn ra cả ở khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trung Quốc, nền kinh tế 7900 tỷ USD lớn thứ hai thế giới sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% GDP trong năm 2012, dù đó là tỉ lệ tăng yếu nhất trong vòng 13 năm qua. Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - cũng không sáng sủa hơn. Ấn Độ sẽ tăng 5,6% năm 2012 và 6,7% năm 2013, mức sụt giảm FDI tới 78% trong thời gian 6/2011-6/2012; lạm phát 7,6% và thâm hụt NSNN 5,9% GDP. Brazil - nền kinh tế lớn thứ tám thế giới-cũng đang gặp khó, tăng trưởng kinh tế tại nước này giảm còn khoảng 1,8-2% trong năm 2012. Nga tăng truởng 2012 khoảng 3,4% GDP. Hàn Quốc năm 2012 chỉ tăng quanh ngưỡng 2,5%. Châu Á sẽ tăng trưởng 6,1% trong cả năm 2012 và tăng lên 6,7% trong năm 2013. . Tuy nhiên, APEC vẫn là khu vực kinh tế động lực của thế giới năm 2012, nhờ các nền kinh tế thành viên APEC có mức tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh và có khả năng phục hồi cao. IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của APEC sẽ tăng nhẹ lên 4,2% trong năm 2012 so với mức 4,1% của năm ngoái. Năm 2013, con số này sẽ đạt 4,5%, vượt xa so với xu hướng phát triển chung của thế
giới. FDI vào khu vực này là đáng khích lệ nhờ châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa mức tăng FDI của toàn cầu trong năm 2011. Đông Nam Á, với sự phục hồi tại Thái Lan, Philippines, và Indonesia sẽ thúc đẩy kinh tế cho tiểu khu vực. ADB dự báo tăng trưởng cho khu vực này ở mức 5,2% trong năm 2012 và 5,6% cho năm sau, trong khi lạm phát năm 2012 sẽ còn 4,4% so với dự báo lạm phát 4,6% hồi tháng 4/2012.
2).Tiếp tục xu hướng thất nghiệp và nợ công cao
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đứng ở mức 8,2% trong tháng 6/2012, tháng thứ 41 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp trên 8%. FED vẫn duy trì tình trạng cảnh báo cao và thiên về việc nới lỏng định lượng bổ sung. FED đã duy trì lãi suất chuẩn ở mức gần 0% kể từ tháng 12/2008 và hai đợt mua trái phiếu đã khiến bản quyết toán của ngân hàng này tăng lên tới mức kỷ lục gần 3.000 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone hiện lên tới 11%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999; Pháp có tỉ lệ hiện ở mức 10%. Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha có tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương ứng là 22,4%, 14,9% và 15,7%. Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, tới 24,5%. Ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, cứ 2 thanh niên trong độ tuổi dưới 25 thì có 1 nguời khó hoặc không thể tìm đuợc việc làm. Tốc độ tăng trưởng việc làm ở các quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay là không đủ. Mức tăng của nhóm G20 chỉ khoảng 1% mỗi năm, trong khi nhu cầu tối thiểu là 1,3% trong 4 năm tới.
Nợ công đang tiếp tục đè nặng lên hầu hêt các nước trên thế giới trong năm 2012, thậm chí nợ ngày càng trở thành căn bệnh mãn tính, phổ biến và đặc trưng có tính chất thời đại, hầu như không loại trừ bất kỳ doanh nghiệp và quốc gia nào. Thực tế đang cho thấy ngày càng đậm hơn xu hướng tương tác lợi ích giữa các chủ nợ và con nợ, cũng như sự chuyển hóa và chế định lẫn nhau giữa nợ công và nợ tư.
Một mặt, nợ công được tài trợ bởi nguồn vốn tư nhân đã trở thành phổ biến qua việc phát hành các công cụ nợ công, như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc nhà nước và các chứng khoán nợ khác. Mặt khác, khi có sự cố lớn trên thị trường nợ tư nhân, gây nguy cơ đổ vỡ kinh tế và sự giảm mạnh các nguồn thu NSNN trong nước, thì dù muốn hay không, sớm hay muộn, chính phủ đều buộc phải viện đến các gói hỗ trợ và tăng chi tiêu công trị giá nhiều tỷ USD nhằm phong tỏa các nguy cơ và hệ quả tiêu cực, bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu, giải cứu nợ và giữ ổn định nền kinh tế. Điều này trực tiếp và gián tiếp dẫn đến áp lực tăng nợ công, cũng như nợ nước ngoài ở hàng loạt nuớc. Tính đến quý 3/2011, theo số liệu 75 nền kinh tế lớn nhất
thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB), hãng tin CNBC đã đưa ra danh sách 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ nợ nước ngoài (gồm tổng tiền gốc và tiền lãi mà một quốc gia - bao gồm cả chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân - có nghĩa vụ phải trả cho các chủ nợ ở bên ngoài biên giới quốc gia đó) cao nhất so với GDP, gồm: Mỹ (ước tính năm 2011 GDP là 15040 tỷ USD và tỷ lệ nợ nước ngoài là 99,46% GDP), Hungary(195,9 tỷ USD và 110,3%), Italy (1826 tỷ USD và 136,6%), Australia(917,7 tỷ USD và 139,9%), Tây Ban Nha (1411 tỷ USD và 169,5%), Hy Lạp (305,6 tỷ USD và 178,9%), Đức (3085 tỷ USD và 183,9%), Bồ Đào Nha (246,9 tỷ USD và 207,3%), Áo (351,4 tỷ USD và 241,3%), Phần Lan(195,6 tỷ USD và 244,8%, Nauy (264,5 tỷ USD và 246,9%), Pháp (2210 tỷ USD và 254,4%), Thụy Điển (379,4 tỷ USD và 262,3%), Hồng Kông (353,7 tỷ USD và 265,7%), Đan Mạch (208,8 tỷ USD và 283,2%), Bỉ (412 tỷ USD và 353,7%), Hà Lan (705,7 tỷ USD và 367%), Thụy Sỹ (340,5 tỷ USD và 391,3%), Anh (2250 tỷ USD và 451,4%), Ireland (182,1 tỷ USD và 1.239%). Kể từ năm 1970 tới nay, nợ công của Mỹ cứ 7 năm lại tăng hơn gấp đôi và đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD, tức 75% GDP trong năm 2012. Do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009, khoản nợ quốc gia của Mỹ trong gần bốn năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Obama đã tăng tổng cộng hơn 6.000 tỷ USD, tăng nhanh gấp bốn lần so mức tăng 1.400 tỷ USD trong bốn năm cầm quyền (2001-2004) của tổng thống George W. Bush và nhanh gấp hơn năm lần so với mức tăng 1.200 tỷ USD trong bốn năm cầm quyền (1993-1996) của tổng thống Bill Clinton. Gánh nặng nợ công khiến các chính phủ tiếp tục xiết chặt chi tiêu công như một xu hướng ngày càng đậm và lan tỏa rộng khắp khu vực Euro, ở Mỹ và cả ở Nhật…
Vì vậy, năm 2012 và tới đây, thị trường nợ và các hoạt động mua-bán nợ dường như ngày càng là thị trường sôi động nhất, đồng thời, đang và sẽ không ngừng gia tăng cả về yêu cầu, quy mô và sự đa dạng hoá các sản phẩm, cùng các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.
Nợ và các điều kiện về nợ ngày càng trở thành tác nhân và công cụ mạnh mẽ chi phối đời sống chính trị và chính sách quốc gia. Quan điểm và quá trình xử lý nợ không chỉ phản ánh quan điểm chính trị, lợi ích và tương quan lực lượng xã hội trong nước và quốc tế, mà còn phản ánh vị thế của con nợ và chủ nợ. Trong quá trình xử lý nợ, nhiều nuớc cần đến các gói giải cứu của các nước, tổ chức tài chính
khu vực và quốc tế, song không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Những điều kiện tín dụng ngày càng ngặt nghèo, nhất là tạo áp lực thắt chặt chi tiêu, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường nhiều mặt, từ sự suy giảm kinh tế, những cuộc biểu tình đòi tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp vượt khó, đến những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và kiến nghị đòi từ chức, thay đổi nhân sự chính quyền cấp cao… Đặc biệt, từ vấn đề kinh tế thuần tuý, nợ đang có khuynh hướng nâng cấp và đổi màu trở thành vấn đề kinh tế-xã hội, thậm chí, tạo áp lực làm sụp đổ cả ê kíp chính phủ hoặc liên minh chính trị.
3). Gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính-tiền tệ và áp lực lạm phát
Năm 2012 và tới đây chứng kiến hàng loạt chính sách nới lỏng tài chính-tín dụng, hỗ trợ giải tỏa sức ép nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, song song với việc thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách. Ngày 6/9/2012, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định mua không hạn chế trái phiếu chính phủ của các nước thành viên trên thị trường thứ cấp với thời gian đáo hạn 1-3 năm và với điều kiện các nước liên quan phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSE)/Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (ESM); đồng thời ECB cũng đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục 0,75%. Các hoạt động mua trái phiếu này sẽ được trung hòa, có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ hút về toàn bộ lượng thanh khoản đã được bơm ra và cung tiền trên thị trường không bị ảnh hưởng. Các quốc gia thành viên eurozone có thể chọn một trong hai cách đó là xin giải cứu toàn diện hoặc chọn một chương trình thận trọng. Hoạt động mua trái phiếu của ECB sẽ tuân thủ những điều kiện chặt chẽ và phối hợp với Công cụ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và quỹ giải cứu mới của eurozone; Theo Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi, điều đó có nghĩa là ECB đã quyết định khởi động cỗ máy in tiền để giúp các quốc gia thành viên có thể trang trải nợ nần và bảo đảm đồng Euro không thể biến mất. Ngày 12-9-2012, Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố bác đề xuất về phản đối Cơ chế ổn định Châu Âu (ESM) do các đảng cánh tả, Liên minh Xã hội dân chủ và nhiều giáo sư kinh tế, luật đệ trình, với điều kiện là bất kỳ khoản đóng góp nào của nước Đức - đầu tàu kinh tế Châu Âu cho ESM vượt quá 190 tỷ euro (244 tỷ USD) đều phải được trình lên Hạ viện xem xét. Đồng thời, các phán quyết về ESM còn phải đệ trình lên Thượng viện và được cả hai viện này thông qua. Đây được cho là
yếu tố giúp Berlin duy trì được tình trạng tự chủ về tài chính. Từ đó mở đường cho Đức tiếp vốn cho khu vực đồng Euro châu Âu vượt qua khủng hoảng thông qua cơ chế ESM (ESM là quỹ cứu trợ vĩnh viễn quy mô 500 tỷ EUR của Eurozone và sẽ thay thế quỹ cứu trợ tạm thời mang tên Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) hết hiệu lực từ tháng 7/2012. ESM là nền tảng cho bức tường lửa tài chính khu vực trị giá 700 tỷ EUR nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng trong Eurozone). Đặc biệt, ngày 13/9/2012, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết địnhsẽ áp dụng Chương trình nới lỏng định lượng mở (QE3) bằng việc mua vào các chứng khoán thế chấp với quy mô 40 tỷ USD mỗi tháng cho tới khi thị trường việc làm cải thiện; Đồng thời, FED giữ nguyên lãi suất cơ bản gần bằng 0% được FED thực hiện từ tháng 12/2008 cho tới giữa năm 2015, thay vì cuối năm 2014 như những cam kết trước đây để hỗ trợ tốt cho nền kinh tế Mỹ vốn dĩ đang gặp nhiều trắc trở do một loạt số liệu yếu kém được công bố thời gian gần đây bất chấp 04 năm và hơn 2,3 nghìn tỷ USD sau đợt xả van tiền của Fed nhằm cứu vãn hệ thống tài chính kể từ năm 2008.
Sự cộng huởng liên tiếp những động thái chính sách kể trên, bên cạnh thổi bùng ngọn lửa hy vọng trên thị trường chứng khoán và đầu tư quốc tế, thì cũng lập tức kéo theo các quan ngại về lạm phát và đã khiến giá vàng thế giới tăng liên tục. Ngoài ra, cùng thời gian này các ngân hàng trung ương ở Anh, Brazil, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng liên tiếp tuyên bố duy trì lãi suất ở mức thấp và triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn để kích thích kinh tế mỗi nước trước sức ép suy giảm đang đè nặng lên mỗi nước… Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong thnasg 9/2012 cũng tuyên bố duy trì lãi suất ở mức thấp lịch sử 0.5% từng được BoE áp dụng trong 3 năm qua. Đồng thời, BoE còn quyết định giữ nguyên quy mô của chương trình nới lỏng định lượng (QE) ở mức 375 tỷ bảng Anh (596 tỷ USD).
Ngày 13/7/2012, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tái khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt và chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2012. Giữa tháng 9/2012, Ủy ban Cải cách và Đổi mới quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã chấp thuận gói kích thích kinh tế mới khoảng 1.000 tỷ NDT (158 tỷ USD), tương đương 2% GDP để xây dựng 25 dự án đường sắt đô thị, 13 dự án đường cao tốc, 7 đường thủy giao thông và 9 nhà máy xử lý nước thải trong vài bai năm tới... Về tổng thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ
lệ lãi suất và lập hệ thống lãi suất cơ bản thả nổi theo thị trường. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ cải thiện cơ chế xác lập tỷ giá hối đoái cho đồng Nhân dân tệ (NDT), duy trì sự ổn định của đồng NDT, mở rộng diện thanh toán bằng NDT trong các hoạt động thương mại và đầu tư ở nước ngoài, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển để tăng thêm nhu cầu và sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ.
Hàn Quốc đầu tháng 09/2012 đã công bố một kế hoạch trị giá 5,23 tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu. gói kích thích 5,9 nghìn tỷ Won (5,25 tỷ USD) này của Hàn Quốc được chia làm hai phần, một phần trị giá 4,6 nghìn tỷ Won dành cho thời gian từ nay đến hết năm 2012 và một phần trị giá 1,3 nghìn tỷ Won dành cho năm sau. Theo kế hoạch, các khoản kích thích này sẽ được triển khai dưới dạng giảm thuế thu nhập cho cá nhân và thuế đánh vào các giao dịch mua nhà hoặc xe, đồng thời mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội. Bởi vậy, kế hoạch kích thích này không đòi hỏi tăng chi tiêu ngân sách.
Gói kích thích nói trên được đưa ra sau một chương trình kích thích khác trị giá 8,5 nghìn tỷ Won mà Seoul công bố hồi tháng 6/2012 để hỗ trợ nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Như vậy, tổng số tiền mà Hàn Quốc đã công bố để kích thích kinh tế năm 2012 là 13,1 nghìn tỷ Won, tương đương với 1% GDP của nước này.
Cùng với xu hướng nới lỏng chính sách tài chính-tín dụng nêu trên là những quan ngại ngày càng gia tăng về mức lạm phát trên thế giới.
Hầu hết các chính phủ ở Đông Nam Á đang sẵn sàng nới lỏng tiền tệ và cung cấp gói kích thích tài chính nếu cần thiết. Về phía IMF, định chế này ủng hộ kế hoạch mua trái phiếu chính phủ ECB nhằm giảm sức ép thanh khoản cho eurozone. IMF cũng ủng hộ chính phủ Trung Quốc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
4). Mở rộng quá trình dịch chuyển các dòng vốn, các hoạt động M&A và đàm phán FTA