7. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động các doanh nghiệp tham
gia vào đào tạo nghề.
3.3.2.1. Hoàn thiện chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề
Hạn chế lớn nhất trong đào tạo nghề là chưa có cơ chế ràng buộc giữa nhà trường với các doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, đánh giá kết quả và tiếp nhận học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong định hướng đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề đưa ra giải pháp tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp [4]. Tại các cơ sở dạy nghề sẽ thành lập phòng, trung tâm quan hệ với doanh nghiệp để thường xuyên nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp , huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình khung, giáo trình, giảng dạy, thực tập sản xuất và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, tư vấn giới thiệu việc làm. Ngược lại, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề về quy mô, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ cho các cơ sở dạy nghề; tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tham gia vào quá trình phát triển chương trình đào tạo. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập trường nghề, liên kết với trường nghề trong
đào tạo và giải quyết việc làm; nhận học sinh, sinh viên của nhà trường đến doanh nghiệp thực hành, thực tập. Xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo. Đồng thời cần phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp để đào tạo nghề cho doanh nghiệp và cho xã hội, khuyến khích phát triển dạy nghề tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
3.3.2.2. Xây dựng khung trình độ quốc gia và khung trình độ nghề quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng và tiêu chuẩn năng lực nghề với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp
Một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 là xây dựng khung trình độ nghề quốc gia. Tiếp sau đó, cần thể chế hóa những chính sách, chiến lược để hình thành cơ chế đưa khung trình độ nghề quốc gia vào thực tiễn, để áp dụng cho hệ thống giáo dục và dạy nghề cũng như xử lý các quan hệ lao động. Việt Nam cần có khung trình độ quốc gia tham chiếu khung trình độ khu vực để tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Mỗi trình độ và mỗi nghề cần làm rõ những kỹ năng, năng lực cơ bản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp. Đánh giá chuẩn đầu ra và bảo đảm chất lượng sẽ là điều kiện thực hiện việc công nhận văn bằng/trình độ kỹ năng lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới.
Muốn vậy, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, quy trình và lợi ích của tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá kỹ năng nghề đối với doanh nghiệp. Chương trình đào tạo hiện thời chưa quan tâm đầy đủ tới yêu cầu của các doanh nghiệp về trình
độ của công nhân. Bộ tiêu chuẩn nghề đầu tiên cũng đã được thực hiện và là một bước đi quan trọng. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra những yêu cầu đối với vệc đào tạo nghề. Mục tiêu là các doanh nghiệp sẽ phải tham gia vào quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề cho từng ngành đào tạo và các bộ tiêu chuẩn nghề này sẽ được thông qua bởi một hội đồng độc lập. Đối với một số nghề, Việt Nam cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, để người lao động có được cơ hội việc làm trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các kỳ thi cũng cần được thực hiện theo các tiêu chuẩn này. Một trong những việc quan trọng nhất là phải đưa các doanh nghiệp cùng vào cuộc. Làm như vậy sẽ không chỉ thích ứng được nội dung đào tạo theo thực tiễn nghề nghiệp mà còn có thể dễ dàng thuyết phục các doanh nghiệp đảm nhận một phần trong quy trình đào tạo. Các doanh nghiệp cần phải được tuyên truyền để thấy rõ lợi ích cũng như trách nhiệm của họ đối với công tác đào tạo nghề. Như vậy học sinh học nghề sẽ có cơ hội được học một phần chương trình đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho các trường dạy nghề và đồng thời cung cấp cho học sinh học nghề một cái nhìn cụ thể vào thực tiễn của doanh nghiệp.
3.3.2.3. Cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước về lao động, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong xây dựng chính sách dạy nghề.
Thông qua thực tiễn, quan hệ lao động ở nước ta đã hình thành và từng bước phát triển, đó là mối quan hệ "ba bên": tổ chức đại diện người lao động - Chính phủ - tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Các chủ thể đại diện cho mối quan hệ này là: Cơ quan lao động (Nhà nước), Công đoàn (đại diện người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã (đại diện người sử dụng lao động). Cơ chế ba bên đã và đang tồn
tại như một hiện tượng phổ biến và có tính khách quan, nó đánh dấu sự phát triển của xã hội công nghiệp.
Trong những năm qua, cơ chế phối hợp này đã phát huy những tác động tích cực trong lĩnh vực quan hệ lao động nói chung và dạy nghề nói riêng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải chủ trì và phối hợp với Công đoàn, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dạy nghề cho người lao động và người sử dụng lao động, các cơ sở dạy nghề, v.v...; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật dạy nghề; định hướng hoạt động dạy nghề, gắn liền với giáo dục pháp luật và ý thức, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động; xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động “3 bên” giữa đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn tại các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề quận, huyện để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động mất việc có điều kiện chuyển đổi ngành nghề; gắn kết việc đào tạo với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương và vùng
Đối với cơ quan đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dạy nghề cho người lao động. Đồng thời đóng góp vào chính sách, văn bản pháp luật về dạy nghề nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ tay nghề, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đối với cơ quan đại diện người sử dụng lao động phải có kế hoạch và định kỳ tổ chức gặp gỡ, làm việc với người sử dụng lao động để nghe ý kiến và phản ánh kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp về công tác dạy nghề, các chính sách pháp luật về dạy nghề, v.v… cho các cơ quan chức năng.
Hướng dẫn các quy định của pháp luật có liên quan cho người sử dụng lao động, đồng thời đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng lao động trong việc tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách của nhà nước.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật lao động cho cả người lao động và người sử dụng lao động là hết sức cần thiết. Ngoài các chương trình tuyên truyển của các tổ chức đối tác trong cơ chế ba bên thì cần đưa việc giáo dục pháp luật lao động vào nội dung trong chương trình giảng dạy tại các trường và trung tâm giáo dục đào tạo chính quy như các trường phổ thông trung học, trường dạy nghề và trường đại học. Điều này sẽ giúp cho người lao động và người sử dụng lao động được trang bị những kiến thức pháp lý cơ bản về pháp luật lao động trước khi chính thức tham gia thị trường lao động.
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để giúp người lao động và người sử dụng lao động cập nhật được tình hình và dự báo xu hướng thị trường lao động. Trên cơ sở đó, các bên có thể đưa ra những quyết định chính xác và mang tính xây dựng khi thiết lập mối quan hệ liên quan tới lao động, việc làm.
Tăng cường vai trò đại diện của doanh nghiệp ( VCCI, Hội nghề nghiệp...) trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch và triển khai hoạt động dạy nghề.