9.1. Vệ sinh xí nghiệp
Trong các nhà máy sản xuất thực phẩm nói chung, vấn đề vệ sinh xí nghiệp vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của thực phẩm, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe công nhân.
Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra có thời hạn sử dụng khá lâu, nếu bị nhiễm vi sinh vật sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị sử dụng và nếu có xảy ra ngộ độc thì nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng và làm mất uy tín của nhà máy, do đó nhà máy đòi hỏi cần phải có những yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt.
Vệ sinh cá nhân:
Vấn đề vệ sinh cá nhân đòi hỏi rất cao, đặc biệt là công nhân sản xuất chính.
Trong giờ làm việc cần phải có đồ bảo hộ lao động, đồ bảo hộ phải sạch sẽ, không được mang tư trang khi làm việc, mang giày và mang mũ bao kín tóc.
Trước khi vào làm việc, công nhân phải rửa tay bằng nước sát trùng, tuyệt đối không ăn uống, hút thuốc trong giờ sản xuất.
Thực hiện tốt chế độ khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, cứ sáu tháng khám một lần, không để người đau ốm hoặc người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da đi vào khu vực sản xuất.
Vệ sinh máy móc, thiết bị và dụng cụ sản xuất:
Máy móc, thiết bị làm việc tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu, thành phẩm nên cần có chế độ vệ sinh cụ thể như sau:
Máy móc thiết bị như: máy trộn, máy ép đùn, máy nghiền mịn, máy nghiền thô… phải được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi ngày.
Máy móc thiết bị như: silo chứa, máy sấy… phải được vệ sinh sạch sẽ theo chi kỳ một tuần một lần.
Yêu cầu vệ sinh nhà xưởng:
Thường xuyên kiểm tra thực hiện chế độ vệ sinh trước, trong và sau khi sản xuất bằng nước sát trùng.
Không được để các phế liệu vụn vãi trên sàn nhà.
Khu vực chung phải có ngăn cách rõ rệt với bên ngoài, lối đi phải sạch sẽ, tránh tạo bụi bẩn, nước ứ đọng.
Các lối vào, ra phải có màng che chắn côn trùng xâm nhập vào nhà xưởng. Các khung cửa kính, tường, trần phải được vệ sinh sạch sẽ theo định kỳ.
9.2. An toàn lao động
Vấn đề an toàn lao động được đặc biệt chú trọng và được đưa vào tiêu chuẩn thi đua hàng đầu. Vì có làm tốt vấn đề an toàn lao động thì năng suất lao động mới cao, giá thành sản phẩm hạ.
Một trong những phương pháp bảo hiểm lao động tốt nhất là vấn đề tổ chức, kỷ luật. Trong nhà máy, phải thường xuyên phổ biến rộng rãi kỹ thuật an toàn lao động đồng thời giáo dục cho mọi người có ý thức giữ an toàn lao động trong sản xuất. Việc tổ chức lao động, bố trí hợp lý và nâng cao trình độ kỹ thuật của dây chuyền cũng góp phần làm giảm các tai nạn lao động.
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an toàn lao động, ánh sáng phải đầy đủ, phải tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Bố trí ánh sáng nhân tạo một cách thích hợp, chọn đèn chiếu sáng hợp lý. Cường độ chiếu sáng vừa phải. Nếu yếu quá sẽ gây tai nạn lao động. Nếu sáng quá sẽ gây căng thẳng thần kinh, loá mắt dẫn đến tai nạn lao động.
Vấn đề an toàn về điện:
Cách điện cho các bộ phận mang điện, thường xuyên kiểm tra các lớp bao bọc cách điện, kiểm tra các mối dây nối.
Khi máy móc có hư hỏng về điện, công nhân sản xuất không được sửa chữa tự tiện. Nhà máy phải trang bị dụng cụ sửa chữa điện cho công nhân: ủng cao su, găng tay cách điện. .. Phải ngắt mạch điện trước khi sửa chữa.
Ngoài ra còn phải chú ý bảo đảm an toàn với các hiện tượng sấm sét. Tại các vị trí cao trong nhà máy: đài nước, trạm biến thế đều phải đặt cột thu lôi mạ kim loại. Các đường dây cách đèn bảo vệ đều phải cách hàng cây ít nhất 3 m trở lên.
Nội quy sử dụng điện cần phải thiết lập và phổ biến rộng rãi trong công nhân. Vấn đề thông gió và điều hòa nhiệt độ:
Mức độ thoáng và điều hoà nhiệt độ có ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân, làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần phải thiết kế hệ thống thông gió cũng như đảm bảo nhiệt độ sao cho thích hợp nhất với điều kiện sản xuất của nhà máy
9.3. Phòng cháy chữa cháy
Nguyên nhân cháy: tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, tác dụng của tia lửa điện, nổ lò hơi…Vì vậy phải tuyệt đối cấm lửa nơi chứa nguyên liệu: dầu, cồn…, phải thường xuyên kiểm tra nồi hơi.
Công nhân phải tuân theo các quy định về phòng chống cháy nổ đã đề ra và phải biết chữa cháy khi có hoả hoạn.
Phương tiện dùng để phòng chống cháy là vòi cứu hoả, bình CO2 và các dụng cụ thô sơ khác, các dụng cần phải để ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ: lò hơi, kho thành phẩm, kho bao bì, kho vật tư…
Đường giao thông trong nhà máy đảm bảo không tắt khi có sự cố xảy ra
Tóm lại: vấn đề, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trong nhà máy là rất quan trọng. Trong đó vấn đề vệ sinh đặc biệt chú trọng. Phòng kỹ thuật phải thường xuyên kiểm tra, công nhân phải thực hiện đúng nội quy xí nghiệp, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo được sức khoẻ, an toàn lao động cho công nhân.