Phát triển hàng hóa cho TTCK

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường vốn Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.PDF (Trang 89)

Thứ nhất, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN và khuyến khích các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK.

Nguồn cung hàng hóa trên TTCK chủ yếu là các công ty cổ phần, trong đó một phần lớn và quan trọng là từ quá trình cổ phần hóa các DNNN. Chính vì lẽ đó, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về vấn đề này, các giải pháp thúc đẩy tăng cung cổ phiếu từ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN là quan trọng. Để thực hiện được điều đó, cần phải:

- Thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các DNNN trên cơ sở tiếp tục giao chỉ tiêu cổ phần hoá cho các bộ, địa phương, Tổng công ty; xác định cụ thể kế hoạch và danh mục các doanh nghiệp cổ phần hoá của từng ngành, địa phương. Để có được những hàng hóa chất luợng trên TTCK, cần mạnh dạn cổ phần hoá các DNNN có số vốn lớn và hiệu quả kinh doanh tốt nhưng không nằm trong lĩnh vực quan trọng Nhà nước cần nắm giữ.

- Cần tăng cường kiểm tra tiến độ triển khai cổ phần hoá, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, biểu dương những đơn vị làm tốt, có biện pháp nghiêm khắc đối với những đơn vị triển khai yếu kém.

- Thắt chặt mối quan hệ giữa cổ phần hoá và niêm yết chứng khoán. Cổ phần hoá ở Việt Nam có thể được định nghĩa là quá trình chuyển đổi các DNNN thành hình thức Công ty cổ phần. Cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước được phân phối cho người lao động trong doanh nghiệp và cho công chúng trong quá trình cổ phần hoá. Ở nước ta, quá trình cổ phần hoá bị tách rời khỏi hoạt động niêm yết. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của thị trường vốn. Trước tình hình đó, cần áp dụng các cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên TTCK. Đó có thể là các biện pháp ưu đãi về thuế áp dụng tuỳ thuộc vào khoảng thời gian giữa quá trình cổ phần hoá và niêm yết chứng khoán. Trong thời hạn nhất định, nên áp dụng các biện pháp, cơ chế tài chính thích đáng để ưu đãi và phân biệt các doanh nghiệp niêm yết, cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, có hệ thống thông tin tài chính so với các doanh nghiệp khác; khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu công ty huy động vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.

Thứ hai, cải tiến phương thức phát hành trái phiếu

Cải tiến phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng nâng cao tỷ trọng đấu thầu, bảo lãnh phát hành theo các kỳ hạn khác nhau. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu trái phiếu; đa dạng hóa các kênh, các hình thức huy động; tôn trọng cơ chế thị trường khi phát hành trái phiếu. Tăng lượng phát hành, kéo dài thời hạn, đa dạng hóa các hình thức trái phiếu chính phủ; mở rộng cho nhiều thành viên tham gia đấu thầu; từng bước đưa trái phiếu chính phủ thành hàng hóa quan trọng trên TTCK trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần cải tiến cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng phù hợp với các nhà đầu tư khác nhau nhằm thu hút rộng rãi hơn các nhà đầu tư chứng khoán. Khuyến khích các công ty lớn làm ăn có hiệu quả, nhất là các tổng công ty nhà nước phát hành và niêm yết trái phiếu công ty. Đa dạng hóa giao dịch các loại trái phiếu mới như trái phiếu đô thị, trái phiếu của các NHTM. Hoàn

thiện khung pháp lý, lựa chọn và hướng dẫn các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư.

Để cải tiến phương thức phát hành trái phiếu theo hướng hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế cần hình thành các nhà tạo lập thị trường và các đại lý. Đây sẽ là những nhà phân phối trái phiếu thường xuyên, có nghiệp vụ và có thể đưa trái phiếu giao dịch trên thị trường.

Một phần của tài liệu Phát triển thị trường vốn Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.PDF (Trang 89)