Sử dụng SĐTD trong các dạng bài dạy hóa học

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp Graph và sơ đồ tư duy trong dạy học chương nhóm nitơ hóa học lớp 11 nâng cao trung học phổ thông nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh (Trang 67)

GV có thể sử dụng SĐTD trong trình bày tổ chức các hoạt động dạy học và trong các dạng bài dạy hóa học khác nhau.

2.5.2.1. Sử dụng SĐTD trong dạy học bài hình thành kiến thức mới

SĐTD có thể sử dụng trong các dạng bài dạy với các mức độ và nội dung khác nhau. Đối với dạng bài hình thành kiến thức mới, để đảm bảo SĐTD phát huy được tác dụng giúp cho HS phát triển tư duy, ghi nhớ kiến thức một cách cụ thể, chính xác theo cấu trúc trật tự logic của vấn đề/ nội dung/ chủ đề, giáo viên cần chuẩn bị nội dung và hệ thống các câu hỏi khơi gợi để HS động não phát triển bổ sung ý kiến, mọi ý kiến của HS đều được tôn trọng và ghi nhận, sau đó giáo viên gợi ý để học sinh sắp xếp, điều chỉnh để hoàn thiện sơ đồ. Thực hiện được điều này, giáo viên đã hướng dẫn để học sinh tự tìm kiếm, phát hiện các kiến thức liên quan và là chủ thể thực sự của hoạt động. SĐTD có thể kết hợp với nhiều phương pháp dạy học tích cực khác để đạt hiệu quả cao nhất như: phương pháp đàm thoại nêu vấn đề, thuyết trình nêu vấn đề, dạy học hợp tác nhóm, học theo góc…

Trong dạng bài dạy này GV có thể sử dụng SĐTD trong khâu củng cố kiến thức trong bài dạy. GV dùng SĐTD để hệ thống kiến thức trong bài dạy kết hợp với phương pháp đàm thoại tái hiện giúp HS nhớ lại các kiến thức trọng tâm của bài học

2.5.2.2. Sử dụng SĐTD trong dạy học bài ôn tập, luyện tập và bài thực hành

- Khi tiến hành bài dạy ôn tập, luyện tập, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp dạy học như: thuyết trình nêu vấn đề, đàm thoại tìm tòi, trực quan (sử dụng thí nghiệm hóa học), sử dụng bài tập hóa học, graph dạy học. Đặc biệt, khi cần hệ thống hóa kiến thức sau một phần hay một chương, giáo viên có thể phối hợp sử dụng phương pháp graph với thuyết trình nêu vấn đề, đàm thoại nêu vấn đề và sử dụng phương tiện kỹ thuật. Trong dạng bài này, graph dạy học và SĐTD được dùng nhằm mục đích hỗ trợ học sinh tự học ở nhà. Tùy theo mức độ nhận thức của HS, GV yêu cầu HS tự thiết lập từng nhánh hoặc toàn bộ SĐTD của chủ đề ôn tập, luyện tập ở nhà. Đến giờ luyện tập, GV tổ chức cho HS trao đổi nhóm để hoàn chỉnh SĐTD, các nhóm trình bày SĐTD của nhóm. GV chỉnh lý và bổ sung khi cần và kết hợp tổ chức cho HS làm bài tập vận dụng.

- Kết quả của giờ học thực hành hóa học phụ thuộc chủ yếu vào việc chuẩn bị của giáo viên. Để giảng dạy dạng bài này, giáo viên có thể sử dụng SĐTD như một công cụ hỗ trợ trong việc chuẩn bị nội dung hướng dẫn tiến hành các thí nghiệm: thao tác, các bước tiến hành thí nghiệm, lắp ráp dụng cụ, thứ tự lấy hóa chất hoặc các hình vẽ mô tả dụng cụ, sơ đồ nhận biết các chất có trong bài thực hành. Đặc biệt nếu bài thực hành có một số thí nghiệm khó thành công hay thí nghiệm nguy hiểm thì giáo viên có thể dùng SĐTD để hỗ trợ. GV cũng có thể sử dụng SĐTD khung, yêu cầu HS tự đọc và điền nội dung phần chuẩn bị cho bài thực hành vào các khung: tên thí nghiệm, hóa chất, dụng cụ, cách tiến hành. Khi tiến hành thí nghiệm trên lớp, HS sẽ điền nốt các khung: hiện tượng, giải thích, PTHH. SĐTD hoàn chỉnh của bài thực hành của HS được dùng làm bản báo cáo kết quả bài thực hành.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp Graph và sơ đồ tư duy trong dạy học chương nhóm nitơ hóa học lớp 11 nâng cao trung học phổ thông nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh (Trang 67)