nhiên của con người.
Nền sản xuất xã hội là phương thức đặc thù của sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người sử dụng những công cụ, những phương tiện thích hợp tác động vào tự nhiên, biến đổi, cải tạo giới tự nhiên nhằm tạo ra cho mình những “điều kiện sinh tồn mới”, nhờ vậy con người cũng làm ra lịch sử của mình. Như vậy “cùng với con người, chúng ta bước vào lĩnh vực lịch sử” [29; 476].
Lịch sử xã hội loài người là tiếp nối lịch sử của tự nhiên, mặt khác nó phát triển song hành cùng với lịch sử của tự nhiên. Tự nhiên và xã hội vừa thống nhất chặt chẽ, vừa qui định lẫn nhau. Trong Hệ tư tưởng Đức, C. Mác và Ph.
Ăngghen khẳng định: “Mọi lịch sử đều xuất phát từ những cơ sở tự nhiên” [28; 21]. Tự nhiên cung cấp vật liệu cho lao động, còn lao động thì biến những vật liệu ấy thành của cải. “Các giá trị sử dụng như … “áo, vải,” nói tóm lại là các vật thể hàng hoá đều là sự kết hợp của hai yếu tố: vật chất của tự nhiên và lao động .... Trong công việc sản xuất của mình, con người cũng chỉ có thể hành động như bản thân thiên nhiên đã làm nghĩa là chỉ có thể thay đổi hình thái của vật chất mà thôi. Hơn thế nữa, ngay trong công việc làm thay đổi hình thái ấy, con người cũng luôn dựa vào sự giúp sức của các lực lượng tự nhiên. Như vậy, lao động không phải là nguồn duy nhất của của cải vật chất. Như William Pétti nói, lao động là cha của của cải, còn đất là mẹ của nó” [31; 73 -74]. Để tồn tại và phát triển, xã hội phải thường xuyên tiến hành trao đổi chất với tự nhiên, vì toàn bộ sự sống của thế giới hữu cơ liên hệ với nhau trong trong chu trình trao đổi vật chất của sinh quyển.
Một mặt, tự nhiên là môi trường sống, là tiền đề vật chất của xã hội, xã hội phải dựa vào tự nhiên, là một bộ phận của tự nhiên. Mặt khác, xã hội lại là bộ phận phát triển cao hơn giới tự nhiên, bởi vì, nhờ lao động sản xuất mà xã hội có khả năng chi phối các quá trình của tự nhiên theo mục đích nhất định. Trong quá trình lao động sản xuất, con người đã tiến hành khai thác, biến đổi và đồng hoá các hiện tượng tự nhiên phục vụ cho sự sống của mình, cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Mức độ biến đổi và đồng hoá các hiện tượng tự nhiên của con người là sự biểu hiện cụ thể các mức độ khác nhau của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nó có tính lịch sử cụ thể, nghĩa là chúng khác nhau theo những tầng bậc phát triển khác nhau của lịch sử xã hội loài người. Theo C. Mác “chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên qui định lẫn nhau” [28; 25].
Tính chất và cách thức của lao động sản xuất ở mỗi thời đại lịch sử được biểu hiện tập trung trong phương thức sản xuất. Hai nhân tố hợp thành của phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, biểu hiện mối quan hệ “song trùng”: quan hệ giữa con người với tự nhiên và quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất. Lực lượng sản xuất là lực lượng nhờ đó con người tác động vào tự nhiên, cải biến giới tự nhiên trong quá trình sản xuất, nó biểu hiện tập trung ở công cụ lao động, người lao động, đối tượng lao động. Lực lượng sản xuất là thước đo trình độ chinh phục tự nhiên của con người, trình độ văn minh của nhân loại, là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các thời đại kinh tế. C. Mác cho rằng “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào” [31; 269]. Bằng năng lực thực tiễn của mình trong quá trình sản xuất, con người không ngừng cải tiến hoàn thiện công cụ lao động, nhờ đó lực lượng sản xuất phát triển đưa xã hội loài người vận động đi lên từ thấp lên cao. Các mức độ khác nhau của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng như các trạng thái khác nhau của môi trường sống là sự phản ánh hiện thực trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cũng là phản ánh hiện thực trình độ phát triển của xã hội. Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và trình độ phát triển của xã hội là mối quan hệ biện chứng, chúng phụ thuộc chặt chẽ và qui định lẫn nhau trong suốt quá trình lịch sử tự nhiên.
Khi loài người nguyên thuỷ mới bắt đầu lịch sử của mình, lực lượng sản xuất còn ở trình độ rất thấp, con người còn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tự nhiên, “còn chịu sự tác động mù quáng của những lực lượng chưa kiểm soát được” [29; 477], lúc đó con người là nô lệ của tự nhiên, sự tác động của con người vào tự nhiên gần với số không. Dần dần trong quá trình hoạt động thực tiễn, con người tìm cách tác động lại tự nhiên, điều khiển những quá trình tự
nhiên trong phạm vi bước đầu còn nhỏ hẹp và hạn chế. Mặc dầu vậy con người vẫn tạo được cho mình những điều kiện, những trạng thái hay môi trường phù hợp hoàn toàn không có sẵn. “Người là giống vật duy nhất có thể bằng lao động mà thoát ra khỏi tình trạng thuần tuý của loài vật; trạng thái bình thường của con người là trạng thái tương ứng với ý thức của họ và là trạng thái mà bản thân họ phải sáng tạo ra” [29; 673].
Công cụ lao động được cải tiến, lực lượng sản xuất càng phát triển con người càng giảm bớt sự phụ thuộc vào các thế lực “mù quáng” và ngày càng tăng những khả năng to lớn của họ. Nhờ vậy “loài người đã có đủ khả năng hoàn thành những công việc ngày càng phức tạp hơn, có đủ khả năng tự đề ra và đạt được những mục đích ngày càng cao hơn” [29; 650]. Cũng từ đó tài nguyên được sử dụng ngày càng nhiều hơn, sự tác động của con người vào tự nhiên không ngừng tăng lên, mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên cũng bộc lộ ngày càng rõ nét. Tuy nhiên ở giai đoạn trước công nghiệp, nhìn chung môi trường của con người và hệ sinh thái mới chỉ thay đổi ở một số mặt có tính chất cục bộ và còn chưa có biến động hoặc đảo lộn ở phạm vi lớn.
Bước chuyển cách mạng mới của lực lượng sản xuất đưa con người bước vào nền sản xuất công nghiệp, cùng với nó, sự tác động của con người và xã hội vào tự nhiên trở nên mạnh mẽ chưa từng có. Khoa học - kỹ thuật đã làm tăng quyền lực của con người. Con người đã sử dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật mà lịch sử chưa từng biết đến để tác động vào tự nhiên với nhịp độ gia tăng ngày càng nhanh hơn: đào hàng trăm tỷ tấn đất đá, khoáng sản; điều chỉnh dòng chảy của những con sông; khai thác vô vàn tấn đất đai khác nhau; tổng hợp những chất trước đây chưa từng biết đến ... Về qui mô, hoạt động của con người đã vượt qua nhiều quá trình địa chất. Trong giới hữu sinh con người tạo nên các gen, các loài mới, con người có thể làm chủ các quá trình sinh trưởng
tự nhiên của sinh giới, có thể thay đổi cách thức sinh sản của động vật ... Nói tóm lại, từ chỗ lợi dụng tự nhiên một cách thụ động con người đã tiến đến cải tạo tự nhiên một cách chủ động. Từ chỗ thuần tuý bóc lột tự nhiên theo kiểu “kinh tế cướp đoạt”, con người đã biết làm giàu tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ mục đích, nhu cầu ngày càng cao hơn của chính mình. Đó là một thắng lợi hết sức vĩ đại của loài người, của nền văn minh nhân loại.
Nhấn mạnh vai trò cải tạo tự nhiên trong tiến trình sản xuất xã hội, chúng ta cũng không thể không thừa nhận những hậu quả, những mặt trái của quá trình này. Chỉ gần ba thế kỷ qua mà sự suy thoái tự nhiên đã trải qua ba cấp độ. Nếu ở thế kỷ XVIII mới nảy sinh cái gọi là “qui luật về sự giảm dần độ phì nhiêu của đất đai” thì sang thế kỷ XIX vấn đề sự cạn kiệt nguồn năng lượng trên trái đất được đặt ra và ngày nay người ta đã phải nói tới sự cạn kiệt toàn bộ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất. Việc tiêu thụ năng lượng, nạn phá rừng, chất thải công nghiệp và giao thông ... làm gia tăng lỗ thủng tầng ô-zôn, gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, sa mạc hoá, thiên tai, dịch bệnh ... ngày càng ghê gớm hơn, tàn khốc hơn. Mâu thuẫn giữa con người, xã hội và tự nhiên trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Và hơn bao giờ hết, chúng ta lại thấy ý nghĩa thời sự trong tư tưởng của Ph. Ăngghen : “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi trước hết là đem lại cho chúng ta kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá huỷ tất cả những kết quả đầu tiên của nó” [29; 654].
Cần phải thay đổi phương thức tác động vào tự nhiên. Vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường được đặt ra một cách gay gắt đòi hỏi một cuộc cách mạng
mới về chất trong sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thực tế rõ ràng rằng sự phát triển lực lượng sản xuất cần thực hiện đồng thời với việc tìm kiếm những con đường loại trừ hậu quả không mong muốn do sự tác động không kiểm soát được của con người gây ra. Những tư tưởng sâu sắc về tác động có tính chất toàn cầu của sản xuất đến số phận của hành tinh chúng ta đã được V. Vernatxki phát triển trong học thuyết về sinh quyển và trí tuệ quyển, tức là lĩnh vực môi sinh có sự tham gia của trí tuệ con người. Trí tuệ quyển là mức độ cao nhất của sự chinh phục và điều khiển một cách có ý thức của con người với các lực lượng tự nhiên bên ngoài. Nhờ hoạt động trí tuệ một cách tự giác ở trình độ cao, con người sẽ hướng đến xây dựng một môi trường sống mà ở đó không có sự đối lập gay gắt giữa con người với tự nhiên. Chúng ta có cơ sở để tin rằng sự phát triển của công nghệ trí tuệ sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, tạo tiền đề hướng tới sự giải quyết hiện thực mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người.
Bên cạnh vai trò của lực lượng sản xuất, C. Mác và Ph. Ăngghen cũng chỉ ra vai trò của những quan hệ xã hội đối với mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. C. Mác cho rằng “những quan hệ nhất định đối với tự nhiên là do hình thái của xã hội quyết định và ngược lại” [28; 44]. Khi phân tích nền sản xuất xã hội, đặc biệt là phương thức sản xuất Tư bản chủ nghĩa, Ph. Ăngghen phê phán: “tất cả các phương thức sản xuất đã có từ trước đến nay chỉ nhằm đạt được những hiệu quả có ích gần nhất và trực tiếp nhất của lao động. Còn đối với những hậu quả xa xôi sau này mới xuất hiện và chỉ có tác dụng khi nó tái diễn lại nhiều lần và tích tụ thêm lên mãi thì người ta hoàn toàn không chú ý đến” [29; 657]. Chẳng hạn “Khi đốt rừng trên các triền núi và lấy số phân tro đủ để bón cho một đời cây cà phê đem lại một số thu hoạch rất lớn, thì những người chủ đồn điền Tây Ban Nha ở Cu Ba cần gì phải nghĩ rằng sau này những trận mưa
rào ở vùng nhiệt đới sẽ cuốn sạch lớp đất bên trên không có gì che chở và chỉ để lại những lớp đá trơ trụi” [29; 658]. Nguồn gốc của những hành động phá hoại tự nhiên như vậy chính là lợi nhuận. Lợi nhuận trong đa số các trường hợp đã trở thành động lực duy nhất thúc đẩy giới chủ, đặc biệt là các ông chủ Tư bản, hành động bất chấp qui luật của tự nhiên, phá vỡ và huỷ diệt sự phát triển bình thường của giới tự nhiên. Điều này chúng ta còn thấy ở mức độ ghê gớm hơn, tinh vi hơn, thậm chí là trắng trợn hơn nhiều trong xã hội Tư bản hiện đại ngày hôm nay. Vì lợi ích của các tập đoàn Tư bản, của giai cấp tư sản mà nhà cầm quyền Mỹ sẵn sàng hủy diệt các dân tộc khác, con người và thiên nhiên của họ. Người ta tính rằng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962-1971, Mỹ đã phun khoảng 68 triệu lít chất độc màu da cam (AO), chưa kể nhiều loại cực độc khác như chất độc hồng, tím, xanh ... Nghiên cứu mới nhất công bố trên chuyên san khoa học Nature (17.4.2003) cho thấy hơn 4 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng của AO với các hiện tượng như quái thai, ung thư và rối loạn thần kinh ... Nghiêm trọng hơn, dioxin đến nay vẫn hiện diện trong môi trường và tiếp tục gây ảnh hưởng nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam. Những việc tương tự cũng xảy ra ở Kômsôvô, Afganixtan, Irắc và nhiều nơi khác. Không loại trừ một thực tế là ngay một số nước xã hội chủ nghĩa cũng bị chi phối bởi quan điểm phiến diện về phát triển, quan điểm đặt mục tiêu phát triển kinh tế tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường. Song ở các nước này vấn đề nêu trên không thuộc bản chất của phương thức sản xuất, của chế độ xã hội. Với các thể chế Tư bản chủ nghĩa thì lại khác. Mỹ không tham gia công ước về bảo vệ rừng tại Rio năm 1992 và nghị định thư Kyoto - 1997 về sự thay đổi khí hậu trái đất không phải vì nước này không thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ tài nguyên môi trường mà chủ yếu là vì những thiệt hại kinh tế trước mắt mà họ có thể gặp phải. Mặc dầu vậy, các nước công nghiệp lại luôn lấy cớ bảo vệ hành tinh để thực hiện một hình thức bá
quyền mới được gọi là "Chủ nghĩa đế quốc xanh". Họ tìm mọi cách áp đặt các khoản chi phí bất công nhằm đẩy cho các nước đang phát triển phải trả giá cho những thiệt hại môi trường mà chính họ đã gây ra; họ mưu mô nô lệ hóa các nước nghèo bằng cách "hối lộ" để tiến hành sản xuất bình thường (ví dụ: tài trợ cho các dự án trồng rừng để không bị buộc phải giảm bớt lượng khí thải); họ nhân danh bảo vệ môi trường để áp đặt các điều kiện bất công trong quan hệ thương mại hoặc thực hiện các chính sách bảo hộ mậu dịch...
Chế độ xã hội, nền sản xuất xã hội với mục tiêu là lợi nhuận tối đa, với quan điểm phiến diện về phát triển là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiểm họa huỷ hoại môi trường. Ngày nay việc sử dụng không hợp lý những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ ở một số nước cũng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên. Công bằng mà nói, ở đây có mặt khách quan do nhu cầu phát triển, do kỹ thuật và công nghệ chưa hoàn thiện, nhưng yếu tố cơ bản vẫn thuộc về sự điều tiết vĩ mô của chế độ xã hội với quan điểm chỉ đạo về phát triển.
Tựu trung lại, các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất là nguyên nhân sâu xa của các bước chuyển cách mạng trong lịch sử xã hội, đưa xã hội loài