Ngày nay thuật ngữ “môi trường” đã trở nên quen thuộc với mọi người. Dưới góc độ khoa học "môi trường” là một khái niệm có nội dung phong phú. Tuỳ theo mục đích, nội dung nghiên cứu và phạm vi đối tượng mà khái niệm này còn được phân tách ra thành các khái niêm hẹp hơn.
Theo tác giả Lê Văn Khoa, “môi trường” được hiểu theo nghĩa rộng nhất là tập hợp tất cả các điều kiện và hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc một hiện tượng.
Đối với con người thì “môi trường sống của con người” là “tổng hợp những điều kiện vật lý, hoá học, sinh học, kinh tế, xã hội bao quanh và có ảnh
hưởng tới sự sống, sự phát triển của từng cá nhân và từng cộng đồng con người”
[23; 5].
Từ điển tiếng Việt cũng phân chia hai cách hiểu khác nhau về khái niệm “môi trường” gần giống như trên:
1. Môi trường là nơi xảy ra một hiện tượng hoặc diễn ra một quá trình trong quan hệ với hiện tượng, quá trình ấy.
2. Môi trường là toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy [xem 53; 639-640].
Ở cách hiểu thứ nhất “môi trường” được đề cập rất rộng bao gồm cả môi trường tồn tại, vận động của các hiện tượng, các quá trình vật lý, hoá học. Bất kì một vật thể hay hiện tượng nào cũng tồn tại và diễn biến trong một môi trường nhất định.
Khi xem xét mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chúng tôi chỉ đề cập đến môi trường theo cách hiểu thứ hai, tức là “môi trường sống của con người”. Môi trường sống của con người được tạo thành từ nhiều yếu tố: Khí quyển, thuỷ quyển, thạch quyển, sinh quyển đã tồn tại trước khi con người xuất hiện trên hành tinh chúng ta. Song chỉ khi con người xuất hiện trong mối quan hệ tương tác hữu cơ với các nhân tố trên thì chúng mới trở thành môi trường sống của con người. Thạch quyển là phần rắn của Trái Đất, các hành tinh; Thuỷ quyển được tạo nên bởi các đại dương, biển, sông ngòi, hồ ao, băng tuyết và các vùng nứơc khác; Khí quyển với không khí và các khí bao quanh trái đất; Sinh quyển bao gồm bản thân các cơ thể sống cùng với môi trường tồn tại của chúng.
Trong sinh quyển luôn diễn ra quá trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin nhằm duy trì cấu trúc, cơ chế tồn tại và phát triển của các cơ thể sống. Dạng thông tin ở mức độ phát triển cao nhất, phức tạp nhất đó chính là trí tuệ của con người. Từ đó khái niệm “trí quyển” cũng ra đời bao gồm tất cả các bộ phận trên Trái Đất và trong vũ trụ, tại đó có tác động của trí tuệ con người. Trí quyển là môi trường sống ở trình độ cao trong đó con người có thể chinh phục và điều khiển một cách có ý thức các lực lượng tự nhiên. Ngày nay những thành tựu mới nhất về khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, cho phép trí quyển ngày càng mở rộng, biến đổi nhanh chóng và sâu sắc.
“Môi trường sống của con người” còn được phân thành “môi trường tự nhiên”, “môi trường nhân tạo”, “môi trường xã hội”. Môi trường tự nhiên được hiểu bao gồm những yếu tố tự nhiên vô cơ và hữu cơ tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người hoặc ít chịu sự chi phối của con người. Môi trường nhân tạo là hệ thống môi trường do con người lợi dụng tự nhiên, cải tạo tự nhiên tạo ra. Còn môi trường xã hội là môi trường bao gồm các mối quan hệ giữa người với người. Ba loại môi trường này cùng song song tồn tại, đan xen vào nhau và quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trong luận văn này chúng tôi quan tâm chủ yếu tới môi trường tự nhiên, song đó không phải là môi trường tự nhiên thuần tuý, và trên thực tế cũng không tồn tại môi trường tự nhiên thuần tuý trên Trái Đất của chúng ta. Ngày nay không còn một nơi nào, dù là hải đảo xa xôi hay những khu rừng nguyên sinh mà lại không chịu sự tác động ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp của con người. Do vậy, môi trường sống của con người phải là môi trường tự nhiên – xã hội hay môi trường tự nhiên – người hoá, một môi trường chung nhất dùng để chỉ tất cả mọi thứ xung quanh con người, có quan hệ hữu cơ đến sự sống của con người. Chính vì vậy Luật bảo vệ môi trường đã định nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của
Tuy các cách định nghĩa về môi trường có khác nhau nhưng đều thống nhất ở tính hệ thống của nó và xét về thực chất đều biểu hiện mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên trong quá trình phát triển.
Như đã phân tích ở Chương 1, Con người - Xã hội - Tự nhiên, hay con người và môi trường sống của con người là một thể thống nhất chặt chẽ trên cơ sở tính thống nhất vật chất của thế giới. Dưới ánh sáng của cuộc cách mạng khoa học hiện đại chúng ta cần tiếp cận môi trường trên quan điểm hệ thống vì môi trường mang đầy đủ đặc trưng của hệ thống, đó là:
Tính cấu trúc phức tạp trong chỉnh thể toàn vẹn
Môi trường là một hệ thống hợp thành từ nhiều bộ phận có bản chất khác nhau và bị chi phối bởi hệ thống quy luật cũng khác nhau, thậm chí đối lập nhau (vô cơ, hữu cơ, con người, xã hội ...). Mỗi bộ phận lại có thể tồn tại với tư cách là một hệ thống để tạo ra một phức hợp đa hệ thống. Mỗi bộ phận trong hệ thống có cấu trúc và chức năng xác định, chịu sự chi phối của những quy luật nhất định và tổng hợp nhiều quy luật. Các bộ phận của hệ thống có mối liên hệ chặt chẽ, ràng buộc, quy định và chuyển hoá lẫn nhau, nhờ vậy cái bộ phận được kết hợp với cái chỉnh thể đa dạng mà thống nhất.
Tính động
Hệ thống môi trường là thống nhất nhưng không tĩnh tại và bất biến. Các yếu tố, các bộ phận của chúng luôn tác động qua lại nhau và luôn luôn biến đổi trong thành phần cấu trúc của cả hệ thống cũng như từng bộ phận. Bản chất của quá trình vận động, phát triển của hệ thống là trạng thái cân bằng động. Các trạng thái cân bằng liên tục bị phá vỡ rồi lại được thiết lập ở trình độ cao hơn làm cho sự vận động không tuần hoàn, lặp lại mà là sự phát triển đi lên vô cùng vô tận.
Tính mở
Mỗi hệ thống môi trường dù lớn hay nhỏ đều không phải là một hệ thống đóng kín. Giữa chúng luôn xảy ra quá trình trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin, nhờ đó chúng tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau theo nguyên lý về mối
liên hệ phổ biến. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề môi trường hiện nay không phải chỉ là công việc của cá nhân hay của một quốc gia mà đòi hỏi sự hợp tác mang tính khu vực, tính vùng và sự hợp tác toàn cầu.
Khả năng tự tổ chức và tự điều chỉnh
Sinh quyển là một hệ thống có cấu trúc liên hoàn, chặt chẽ, ổn định và bền vững trong đó mỗi yếu tố đều thực hiện chức năng nhất định trong một chu trình kín, chu trình sinh học. Hoạt động của chu trình sinh học được thực hiện theo nguyên tắc tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự bảo vệ và tự làm sạch. Mỗi cá thể cũng có khả năng tự tổ chức, tự điều chỉnh để thích nghi với những biến đổi của môi trường. Song khả năng này có giới hạn nhất định, nếu biến đổi vượt quá khả năng tự điều chỉnh thì cá thể hoặc cả hệ có thể bị tiêu diệt. Con người là một mắt khâu liên hoàn trong chu trình khép kín của sinh quyển, vì vậy con người cũng phải hoạt động theo những nguyên tắc và quy luật của tự nhiên. Phá vỡ khả năng tự phục hồi của môi trường, phá vỡ chu trình kín của tự nhiên sẽ dẫn tới nguy cơ khủng hoảng môi trường.
Cùng với sự phát triển của xã hội, con người ngày càng nhận thức sâu sắc rằng môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của loài người. Môi trường là nơi sinh sống của con người, nó cung cấp mặt bằng và không gian sinh tồn cho mọi hoạt động của con người, cung cấp các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và là yếu tố tham gia đồng sản xuất, là bãi chứa và phân huỷ phế thải khổng lồ, ngoài ra môi trường còn làm các chức năng quan trọng khác như chức năng điều chỉnh, thẩm mĩ, thông tin, lưu trữ ... Bảo vệ và cải thiện môi trường là vô cùng cần thiết, nó phải là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của quá trình phát triển. Để bảo vệ môi trường (BVMT) thì phải duy trì nguyên tắc cấu trúc và quy trình hoạt động vốn có của môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tránh làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên bảo vệ và cải thiện môi trường không có nghĩa là trở về với tự nhiên nguyên thuỷ, tránh mọi tác động của con người tới môi trường, phải mang ý nghĩa tích cực, bao gồm cả sự bảo quản, duy trì khai thác hợp lý trên cơ sở hoàn
thiện kĩ thuật và công nghệ, phục hồi, cải tạo và xây dựng môi trường hoàn thiện.
Ở nước ta Luật BVMT ghi rõ: BVMT là “những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra, khai
thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên” [6; 6].