Trên đây chúng ta đã phân tích những tác động to lớn đối với môi trường của những nguyên nhân được xem là khách quan. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh vào chúng có lẽ sẽ làm mờ đi trách nhiệm của con người, chủ thể của quá trình tác động. Vì vậy chúng ta không thể bỏ qua những nguyên nhân xuất phát từ ý thức của con người, của từng cá nhân cũng như cả bộ máy tổ chức quản lý xã hội.
Trước hết phải kể đến sự thiếu hiểu biết những quy luật của tự nhiên, môi trường. Trong thời gian dài, nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã nuôi dưỡng một quan
điểm chủ quan bất biến về một thiên nhiên nhiệt đới ẩm giàu có và có khả năng tự tái sinh nhanh chóng. Sự "giàu có" đã được đồng nhất với khái niệm "vô tận", do đó con người đã tự cho phép một sự khai thác không có giới hạn và lãng phí để rồi chúng lại tự sản sinh ra, đồng thời thải bỏ vào tự nhiên tất cả mọi thứ để chúng tự phân hủy. Điều đó đã đưa đến quan niệm sai lầm về sự phát triển dựa trên khai thác tài nguyên là chủ yếu với mục tiêu kinh tế là duy nhất bất chấp mọi hậu quả. Mặt khác, trong chừng mực nhất định, quan điểm triết học - chính trị đề cao vai trò con người - chủ nhân của thiên nhiên dễ đưa đến cực đoan ý chí trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Họ quên mất rằng thiên nhiên có một cân bằng sinh thái rất mỏng manh chính vì sự chặt chẽ của các mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống.
Sự nghèo nàn và lạc hậu, trình độ dân trí thấp cũng dẫn đến sự thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường. Do lợi ích thiển cận trước mắt của sự mưu sinh, con người sẵn sàng khai thác cạn kiệt bất cứ loại tài nguyên nào và hủy hoại, làm ô nhiễm môi trường sống của chính mình. Họ xả chất thải bừa bãi và chấp nhận sống trong những điều kiện vệ sinh tồi tệ như một điều bình thường.
Nguy hiểm hơn, đáng lo ngại hơn là, vì lợi ích cá nhân mà những kẻ bất lương sẵn sàng phá hoại tài nguyên, môi trường, bất chấp và xem thường pháp luật, xem thường mạng sống và sức khỏe con người. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2003, ở Đắc Lắc đã có 265 vụ vi phạm lâm luật, 125 vụ buôn bán lâm sản trái phép, nhiều vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra. Trong khai thác, đánh bắt thủy sản việc sử dụng các phương tiện hủy diệt bị cấm như mìn, xung điện... khá phổ biến. Tình trạng sử dụng hóa chất bị cấm hoặc không đúng kỹ thuật trong nông nghiệp, trong chế biến thực phẩm gây ngộ độc cho người tiêu dùng đã trở nên đáng báo động.
Các hiện tượng kể trên cho thấy, phải chăng Luật BVMT đã được ban hành song tính hiệu lực của pháp luật còn thấp, còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường. Hệ thống cưỡng chế và quản lý hành chính vẫn còn yếu và thiếu năng lực trong quản lý, kiểm soát tài nguyên, môi trường. Đây là những nguyên nhân hết sức quan trọng khiến cho công tác BVMT được nói đến rất nhiều nhưng vẫn chưa được cải thiện. Như đã nêu ở trên tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường diễn ra khá phổ biến nhưng số vụ bị phát hiện và xử lý rất nhỏ hoặc xử lý không nghiêm làm mất tính răn đe của pháp luật. Thậm chí có những lúc những nơi còn xẩy ra tình trạng dung túng, bao che cho những hành vi phá hoại tài nguyên môi trường của những kẻ ngông nghênh coi thường pháp luật. Trong năm 2002 cả nước xảy ra 1.054 vụ cháy rừng hầu hết đều có nguyên nhân do sự thiếu ý thức của con người nhưng chỉ mới phát hiện và xử lý được 19 vụ (chiếm 1,2%). Hầu hết các hiện tượng xả chất thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân đều chưa bị xử lý phạt hoặc qui trách nhiệm pháp lý.
Ở nhiều nơi các cơ quan chức năng về quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường còn non trẻ, chưa đủ mạnh và chưa đáp ứng được những nhiệm vụ phức tạp của tình hình thực tiễn. Nhất là các cơ quan quản lý cấp quận, huyện, thị xã hầu hết mới được thành lập còn rất yếu về năng lực quản lý, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất cho công tác BVMT. Bên cạnh đó hệ thống văn bản pháp quy chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, còn thiếu những văn bản pháp quy cụ thể, phù hợp với từng ngành, từng vùng. Đặc biệt là còn thiếu chính sách đầu tư thích đáng và sử dụng đòn bẩy kinh tế trong BVMT.
Thực tế là ở một số địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc BVMT trong quá trình phát triển kinh tế -
xã hội nên sự chỉ đạo, quan tâm chưa đầy đủ, các chương trình hành động mức độ khả thi chưa cao, công tác chiến lược và quy hoạch phát triển thiếu sự gắn bó với vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Có một thực trạng rất nguy hại là hầu hết các dự án, công trình đều không có đánh giá tác động môi trường khi khảo sát, thiết kế, thi công. Có những chủ trương phát triển kinh tế còn mang tính chủ quan, tùy tiện, hoàn toàn không tính tới yếu tố môi trường đã phá vỡ cấu trúc sinh thái tự nhiên của vùng khiến chúng không thể phục hồi nguyên trạng. Đôi khi các dự án BVMT chưa có tính toán xử lý liên ngành, liên vùng, còn tản mạn, vụn vặt, thậm chí mâu thuẫn Nhiều kết quả nghiên cứu chưa có tính khả thi cao mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo mà không trở thành các quyết định trong kế hoạch nhà nước. Một số đô thị nước ta đã được quy hoạch tổng thể đến năm 2010, 2020 nhưng thiếu quy hoạch BVMT lồng ghép với quy hoạch đô thị.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chấp hành luật pháp về BVMT cho toàn Đảng, toàn dân chưa trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, vì vậy chưa phát huy được sự đóng góp của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các phong trào quần chúng về BVMT.
Phải thấy rằng trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm, đã triển khai nhiều hoạt động khá sâu rộng về vấn đề BVMT và đã đạt được những kết quả ban đầu. Song so với yêu cầu thực tế và nhu cầu phát triển sắp tới của đất nước trong thế kỷ XXI, các hoạt động BVMT còn nhiều bất cập, cần được sự quan tâm và cố gắng rất nhiều của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nguy cơ khủng hoảng môi trường. Có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, bên trong hay bên ngoài, chủ quan hay khách quan, chủ yếu hoặc thứ yếu … Song về thực chất, đó là sự phản ánh mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên thông qua các quá trình kinh tế- xã hội. Và
không ai khác, chính chúng ta, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và từng người dân, phải điều chỉnh các quá trình này, bởi vì, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm và gánh chịu hậu quả trước nguy cơ khủng hoảng môi trường.