2.2.1.1. Dân số tăng nhanh
Việt Nam là nơi đất chật, người đông, dân số xếp hàng thứ 12 trên thế giới về quy mô và thứ 5 về mật độ. Trước Cách mạng tháng 8/1945 cả nước mới có 24-25 triệu người. Đến năm 2001 dân số nước ta đã là 78 triệu người, tăng hơn ba lần trong vòng 50 năm qua. Tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam các thời kỳ từ năm 1975 trở về trước rất cao: (1954-1960) - 3,93%; (1965-1970) - 3,24%;
(1970-1975) - 3,00% . Giống như ở nhiều nước trên thế giới, đây là thời kỳ bùng nổ dân số ở Việt Nam. Ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất dân số ở nước ta tăng thêm khoảng 30 triệu người, tính bình quân mỗi năm có hơn 1 triệu
trẻ em được sinh ra. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chương trình Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, đến nay tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao (Bảng 10).
Dân số tăng nhanh có thể xem là một sự uy hiếp riêng lẻ lớn nhất đối với môi trường. Ở bất kỳ mức phát triển nào, dân số tăng lên sẽ làm tăng mức sử dụng năng lượng, mức tiêu thụ tài nguyên và sự căng thẳng về môi trường. Dân số tăng nhanh làm tăng nhu cầu về thức ăn, nước sạch, chất đốt, nhà ở, nhu cầu tiêu dùng... Nhu cầu gia tăng một mặt do dân số tăng, mặt khác do mức độ tiêu dùng ngày càng cao của con người. Mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu trong điều kiện kinh tế chưa phát triển buộc con người phải tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất ra các vật phẩm cho tiêu dùng. Tài nguyên thì có hạn mà nhu cầu của con người lại dường như vô hạn. Đói nghèo và lạc hậu khiến người ta sẵn sàng làm mọi cách để lấy từ tự nhiên tất cả những gì có thể bất chấp mọi hậu quả, chính vì vậy mà các nguồn tài nguyên nhanh chóng bị cạn kiệt không còn khả năng phục hồi. Phần lớn rừng ở Tây Nguyên và Nam Bộ nước ta bị đốt phá để lấy đất canh tác là do hiện tượng di dân tự do và dân số tăng tự nhiên.
Dân số tăng, mức tiêu thụ tăng, lượng chất thải cũng tăng biến môi trường tự nhiên thành một bãi thải khổng lồ. Chất thải không kịp phân hủy gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Theo các nhà khoa học, bình quân một người trong suốt cuộc đời tiêu thụ hết khoảng 24 tấn lương thực và 35.000 lít nước đồng thời thải ra 4,1 tấn phân và 41.000 lít nước tiểu, chưa kể đến lượng rác mà họ thải ra trong sinh hoạt hàng ngày. Dân số tăng không chỉ gây áp lực lớn đối với tài nguyên, môi trường mà còn đặt ra những vấn đề xã hội bức xúc như vấn đề việc làm, các nhu cầu y tế, giáo dục, tệ nạn xã hội ... Có thể thấy những vấn đề môi trường tự nhiên và môi trường xã hội gay gắt ở nước ta hiện nay đều có nguyên nhân từ sự gia tăng dân số. Do vậy
các mối quan tâm về môi trường cần được đưa vào chương trình dân số, chính sách dân số của quốc gia. Giảm tỉ lệ tăng dân số sẽ là trung tâm của sự thành công cho mục tiêu bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.
Bảng 10. Dân số và tỉ lệ tăng dân số ở Việt Nam (Nguồn: Cục Thống kê (2002), Niên giám thống kê, tr37)
Năm Dân số
(nghìn người)
Tỉ lệ tăng dân số (%)
Tổng số Thành thị Nông thôn
1990 66.017 1,92 2,41 1,80
1992 68.450 1,80 2,72 1,57
1994 70.825 1,69 3,33 1,29
1996 73.157 1,61 3,23 1,19
1998 75.456 1,55 3,74 0,91
2000 77.635 1,36 4,00 0,54
2001 78.686 1,35 3,59 0,64
2.2.1.2. Công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ
Công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, công nghệ diễn ra như vũ bão trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt là tác động tích cực của đường lối đổi mới, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở nước ta hiện nay đang ở mức cao chưa từng thấy. Nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đã và đang hình thành như
khu công nghiệp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khu công nghiệp Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), dự án xây dựng cụm công nghiệp khí - điện - đạm ở Phú Mỹ và khu vực Tây Nam, công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La… Nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Năm 1998 cả nước mới có 37 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 371,8 triệu USD thì đến năm 2001 đã có tới 502 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.503 triệu USD. Tính đến năm 2001, tổng số dự án là 3.672 với số vốn đăng ký là 41.603,8 triệu USD.
Năm 1997 cả nước có 617.805 cơ sở sản xuất công nghiệp thì đến năm 2000 đã có 654.968 cơ sở. Như vậy đã có thêm 37.165 cơ sở trong vòng 3 năm.
Nền công nghiệp nước ta tuy phát triển nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung còn non trẻ, trình độ công nghệ còn thấp, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu so với các nước tiên tiến nhất từ 50 đến 100 năm. Nền công nghiệp này chủ yếu là khai thác, do vậy tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lớn nhưng chất lượng sản phẩm lại không cao, ảnh hưởng rất xấu tới môi trường. Ví dụ như Nhà máy xi măng Hải Phòng nằm ngay trong khu vực nội thành, cách trung tâm thành phố chỉ 2 km. Nhà máy này sử dụng công nghệ ướt, lạc hậu gần 100 năm nay, lại không có thiết bị giảm thiểu nên đã gây ô nhiễm không khí nặng, vượt TCCP tới 545 lần trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng đến cảnh quan và sức khỏe con người. Theo các nhà kinh tế môi trường thì lượng phát thải trong quá trình sản xuất tăng lũy tiến với lượng sản phẩm làm ra. Vì vậy, nếu không đầu tư cho xử lý chất thải thì càng phát triển sản xuất bao nhiêu, mức độ nguy hại đối với môi trường càng lớn (Bảng9)
Công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa. Sức hút của các thành phố, khu công nghiệp dẫn tới hiện tượng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, hình thành các đô thị và siêu đô thị khổng lồ. Hiện nay cả nước ta có 61 tỉnh thành phố,
khoảng 570 đô thị lớn nhỏ trong đó có 3 thành phố loại một là thành phố Hồ Chí Minh (dân số 5,378 triệu người, 3/4 sống ở nội thành), Hà Nội (dân số 2,841 triệu người, 1/2 sống ở nội thành), Hải Phòng (dân số 1,711 triệu người). Tỉ lệ dân cư đô thị tăng lên nhanh chóng: năm 1980 là 19,1%; năm 1990 là 20,3%;
năm 2000 là 25%, dự báo năm 2010 sẽ là 35%.
Công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ nhanh tạo ra một sức ép nặng nề đối với tài nguyên, môi trường. Nhu cầu về đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng đã biến một số lượng lớn diện tích đất nông nghiệp thành nhà máy, những tòa cao ốc, những khu chung cư. Chỉ tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có tới 400 - 600 ha đất sử dụng vào mục đích này. Thủ tướng Úc Paul Keating đã từng cảnh báo sự phát triển các đô thị châu Á có nguy cơ biến những cảnh quan tự nhiên xanh tươi trong lành vốn có thành "những khu rừng già xây bằng bê tông". Theo ông, một cảnh quan cằn cỗi chẳng khác nào một thành phố không có linh hồn.
Ở các đô thị, khu công nghiệp, mức tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu cao hơn rất nhiều lần ở nông thôn. Cơ cấu năng lượng của Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ do sự tăng lên nhanh chóng của việc khai thác và sử dụng điện, dầu mỏ, khí đốt. Một số vấn đề môi trường quan trọng có liên quan là: ô nhiễm và tàn phá tài nguyên do khai thác than, do các nhà máy nhiệt điện, do khai thác vận chuyển và chế biến dầu khí, do nạn phá rừng làm chất đốt và nguyên liệu ... Các đô thị đòi hỏi sự tập trung trên quy mô lớn về lương thực, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, ... kể cả các loại rác và chất thải, là một bài toán vận tải phức tạp và tốn kém.
Trong những năm gần đây lượng xe ô tô và xe gắn máy ở các đô thị nước ta gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhiều phương tiện giao thông đã quá cũ vẫn tiếp tục được sử dụng. Mức độ gây ô nhiễm do nguồn thải giao thông là rất đáng
kể. Hầu hết những đường phố chính ở các đô thị đều có chỉ tiêu bụi, khí độc hại, tiếng ồn vượt TCCP.
Khách quan mà nói mức độ công nghiệp hoá, đô thị hoá ở nước ta chưa phải đã cao so với các nước trên thế giới, song mức độ ô nhiễm môi trường lại rất trầm trọng bởi vì:
1. Thiếu sự quản lý, quy hoạch phát triển cho từng đô thị, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết, nên nhiều đô thị phát triển mang tính tự phát. Hiện tượng xây dựng tùy tiện không phép, trái phép tràn lan gây rất nhiều khó khăn khi cần mở rộng, sửa chữa, cải tạo, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
2. Sự quan tâm đầu tư cho BVMT nói chung và BVMT đô thị, khu công nghiệp nói riêng còn rất thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác BVMT (ở một số nước ASEAN đầu tư cho BVMT là 1% GDP, ở nước ta mới là 0,1%).
3. Đô thị hóa, công nghiệp hóa không đi liền với việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật BVMT dẫn đến tình trạng quá tải của các công trình vệ sinh công cộng, cấp nước, thoát nước, hệ thống thu gom xử lý chất thải, hệ thống giao thông, nhà ở ... gây áp lực về ô nhiễm môi trường.
4. Các khu công nghiệp và nhà máy cũ ở nước ta công nghệ lạc hậu, chưa có thiết bị xử lý chất thải, lại thường nằm xen kẽ với các khu dân cư. Các khu công nghiệp mới được xây dựng cũng chưa được đầu tư đúng mức cho xử lý chất thải. Tính đến hết năm 2003 cả nước có 70 khu công nghiệp trong đó mới có 15 khu có hệ thống xử lý nước thải, còn lại vẫn thải trực tiếp ra môi trường.
Đô thị hóa làm tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn xã hội. Sự phân cực giàu nghèo ngay trong các tầng
lớp cư dân thành thị đẩy tầng lớp dân nghèo vào những khu nhà ổ chuột với điều kiện sống vô cùng tồi tệ ngay bên cạnh những tòa lâu đài tráng lệ. Khảo sát gần đây ở Hà Nội cho thấy, số nghèo nhất chiếm khoảng 4,09% tổng số dân ở đây, mỗi hộ chỉ có diện tích gọi là nhà khoảng 5m2; 90% không có nhà vệ sinh;
87,7% không có nước máy; 32,8% không có hệ thống thoát nước thải [23;52]
Công nghiệp hóa, đô thị hóa không chỉ tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên mà còn gây ô nhiễm môi trường xã hội. Lối sống công nghiệp, thực dụng, gấp gáp của cuộc sống đô thị dễ dàng làm tha hóa đạo đức truyền thống, làm lung lay những chuẩn mực gia đình, làm lan tràn các tệ nạn và bệnh dịch nguy hiểm. Không phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ ly hôn và trẻ em lang thang ở thành phố cao hơn ở nông thôn rất nhiều lần. Áp lực về việc làm, y tế, giáo dục ... cũng là những vấn đề không nhỏ.
Tuy nhiên, đô thị hóa là một quá trình biến đổi các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên mang tính tất yếu. Nhờ quá trình này con người đã tạo ra cho mình một môi trường sống mới - môi trường đô thị, ở đó con người được sống trong những điều kiện thuận lợi để phát triển cả về thể lực và trí lực. Đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng phản ánh trình độ phát triển, trình độ văn minh của xã hội.
Ở nước ta, đô thị hóa, công nghiệp hóa góp phần chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chúng ta không thể quay lưng lại với công nghiệp hóa, đô thị hóa mà cần giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình này để đảm bảo một môi trường đô thị trong lành, văn minh, hiện đại và một sự phát triển bền vững.
2.2.1.3. Sự hạn chế của các quy trình kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp.
Nền sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở nước ta nhìn chung còn ở tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Biểu hiện là ở nhiều nơi tình trạng du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện tại ở nước ta có khoảng 7-8 triệu dân (12% dân số) sống ở rừng, 18 triệu dân có cuộc sống gắn trực tiếp
với rừng. Người dân vốn quan niệm cây rừng là cây tự nhiên, cây của "trời đất", vì vậy cách khai thác duy nhất là chặt phá rừng để lấy gỗ củi hoặc làm nương rẫy. Sự tàn phá quá mức đã vượt khỏi khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng.
Người dân chưa có hiểu biết về kinh doanh rừng, chưa có quan niệm về trồng và chăm sóc cây rừng. Việc phổ biến và chuyển giao kỹ thuật nghề rừng còn yếu và gặp nhiều khó khăn vì người dân còn nghèo, trình độ thấp, vốn đầu tư hạn chế.
Ngay trong ngành lâm nghiệp, các giám đốc lâm trường được đào tạo có trình độ, họ có thể thực hiện các quy trình kỹ thuật khai thác và bảo vệ rừng, nhưng do sức ép của kế hoạch khai thác và thiếu đầu tư cho canh tác rừng nên rừng vẫn bị chặt phá. Việc kết hợp nông lâm nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức mặc dù đây là một quy trình sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo được cân bằng sinh thái. Trong khi đó một số dự án phát triển kinh tế lại bộc lộ những sai lầm, bất cập ảnh hưởng xấu tới môi trường (phá rừng để nuôi tôm, xây dựng vùng kinh tế mới thiếu quy hoạch đầy đủ...)
Sự khai thác rừng bừa bãi đã dẫn đến hiện tượng xói mòn, rửa trôi, đá ong hóa, sa mạc hóa làm mất đất canh tác. Ước tính mỗi năm nước ta mất đi khoảng 74.000 ha đất trồng và một diện tích lớn giảm độ màu mỡ. Đất canh tác không những bị thu hẹp mà còn bị ô nhiễm nặng nề do mặt trái của nền nông nghiệp hóa học. Hiện nay ở nước ta hàng năm đang sử dụng khoảng 15.000 đến 20.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại trong đó có những loại nông dân quen dùng mặc dù đã bị cấm như DDT. Năm 1995 cả nước sản xuất 931.000 tấn phân hóa học, đến năm 2001, sản lượng này là 1.070.300 tấn. Sự ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí gây nên không chỉ bởi việc sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu, phân hóa học mà còn bởi ngay chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Với công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, lượng NH3, SO2, SO3 thất thoát trong quá trình sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Kết
quả nghiên cứu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đậu, đỗ, hoa quả cũng như trong đất và không khí ở các vùng nông nghiệp tập trung như Đông Anh, Đà Lạt, Khánh Hòa ... đều vượt quá TCCP nhiều lần. Các sản phẩm nông nghiệp chứa hàm lượng độc tố cao đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Việc sử dụng bừa bãi chất hóa học trong nông nghiệp còn hủy diệt các nguồn lợi thủy sản như cá, tôm, cua, ếch... và gây mất cân bằng sinh thái.
Một số phương thức sử dụng phân bón lạc hậu như dùng phân tươi, nước thải sinh hoạt hoặc đô thị để chăm sóc cây trồng đều gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Trong ngư nghiệp, ngư dân chủ yếu vẫn dùng những phương tiện đánh bắt thô sơ như lưới mắt nhỏ và tập trung ở những ngư trường quen thuộc gần bờ.
Quan niệm truyền thống cho rằng nguồn lợi thủy sản là của "trời cho" khiến ngư dân không có ý thức bảo vệ, giữ gìn, phát triển dẫn đến cạn kiệt. Sản lượng đánh bắt thủy sản ngày càng giảm sút.
2.2.1.4. Hậu quả của chiến tranh
Chiến tranh kéo dài đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với tài nguyên, môi trường Việt Nam. Hàng trăm năm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, tài nguyên thiên nhiên nước ta đã kiệt quệ. Thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa hết sức tàn bạo để vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động một cách triệt để. Song cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, mức độ hủy diệt lớn nhất với những vũ khí hiện đại nhất là cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Mỹ đã huy động toàn bộ tiềm năng kỹ thuật quân sự của một cường quốc công nghiệp phát triển hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam và đưa miền Bắc Việt Nam "trở lại thời kỳ đồ đá". Chúng đã ném xuống toàn lãnh thổ Việt Nam 15 triệu tấn bom đạn, 100.000 tấn chất độc dưới dạng hỗn hợp diệt cỏ, trong đó có 550kg chất Đi-ô-xin và nhiều loại chất độc