1.2.1 Con người là một bộ phận không thể tách rời mà giới tự nhiên đã sản sinh ra.
Các sự vật, hiện tượng đa dạng, phong phú, vô cùng vô tận, song chúng không phải là những mảnh tách rời, biệt lập, không phải là những bản chất đối lập nhau, chúng chỉ là những biểu hiện khác nhau của vật chất đang vận động.
Từ những vật hết sức nhỏ bé đến các hành tinh khổng lồ, từ giới vô sinh đến giới hữu sinh, từ động vật cho đến con người, tất cả đều chỉ là những dạng khác nhau của một thế giới duy nhất là thế giới vật chất.
Các bộ phận khác nhau của thế giới vật chất không tĩnh tại, không cô lập, chúng luôn tác động qua lại, vận động, chuyển hoá lẫn nhau theo nguyên lý về mối liên hệ phổ biến. Con người là một bộ phận phát triển cao của thế giới vật chất, nhưng dù có phát triển cao như thế nào chăng nữa thì cũng chỉ là một bộ phận trong hệ thống bao trùm Tự nhiên - Con người -Xã hội, nó không tách rời khỏi mạng lưới các liên hệ. Mỗi liên hệ trong hệ thống là một mâu thuẫn biện
chứng trong đó con người và tự nhiên vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn, chúng luôn tác động qua lại nhau để cùng vận động, phát triển. Hệ thống Tự nhiên - Con người - Xã hội có cấu trúc liên hoàn, chặt chẽ, một hệ thống cân bằng động trong đó những cân bằng liên tục bị phá vỡ và cân bằng mới được thiết lập nhờ khả năng tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự phục hồi của nó. Song khả năng này có những giới hạn nhất định và có thể mất đi nếu con người tác động tùy tiện trái với quy luật của tự nhiên, vượt quá giới hạn tự phục hồi của giới tự nhiên. Quan hệ biện chứng giữa con người và giới tự nhiên không phải do một lực lượng tinh thần siêu nhiên quy định, nó dựa trên tính thống nhất vật chất của thế giới. Theo Ph. Ăngghen: “Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên” [29; 67]. Lịch sử phát triển lâu dài và khó khăn của khoa học tự nhiên đã cho ra đời những phát minh vĩ đại vào thế kỷ XIX (định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng; học thuyết tế bào; thuyết tiến hoá ...) chứng minh cho tính thống nhất vật chất của thế giới. Ngày nay, các khoa học hiện đại về vũ trụ đã chứng minh tính thống nhất vật chất của thế giới ở bề rộng, ở tầm vĩ mô của nó. Bên cạnh đó, các thành tựu của vật lý học, hóa học… lại chứng minh tính thống nhất của thế giới ở bề sâu, ở mức độ vi mô. Đặc biệt đóng góp của các ngành sinh học phân tử, di truyền học ... đã cho thấy sự thống nhất về thành phần cấu trúc, tổ chức của các cơ thể sống và các trình độ phát triển khác nhau của chúng. Không còn nghi ngờ gì, chính sự phát triển của khoa học tự nhiên đã khám phá ra bản chất của sự sống và sự thống nhất vật chất của nó với giới tự nhiên. Giờ đây, để xem xét thế giới “hệt như nó tồn tại” thì phải loại trừ sự đối lập một cách tuyệt đối giữa con người và giới tự nhiên, phải thấy rằng “con người với tự nhiên là một”. Nguyên lý tính thống nhất vật chất của thế giới phải
là nền tảng trong việc xem xét mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Nó bác bỏ hoàn toàn những quan điểm phi lý và trái tự nhiên của đạo Thiên chúa về bản chất thần thánh của con người, về sự đối lập giữa con người và giới tự nhiên [xem 29; 655].
Sự xuất hiện con người là kết quả sự tiến hoá của giới tự nhiên trong nhiều triệu năm. Con người là “một cơ thể phức tạp nhất mà giới tự nhiên đã sản sinh ra được” [29; 475]. Từ sự hình thành vũ trụ, các hành tinh, những thể An-bu-min đến chất nguyên sinh sống. Từ những cỏ cây, động vật đầu tiên đến những loài động vật có xương sống và đến con người. Đó là quá trình phát triển mang tính khách quan và tất yếu. Một quá trình khách quan được Ph. Ăngghen phân tích rất sâu sắc trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, nó cho chúng ta thấy con người là tiếp nối của tự nhiên. Tuy rằng con người ngày nay đã bỏ xa giới động vật trong quá trình tiến hoá, nhưng như thế không có nghĩa là con người đã lột bỏ tất cả những cái tự nhiên, cái sinh học để không còn một sự liên hệ nào với tổ tiên của mình. Ngược lại, yếu tố tự nhiên, yếu tố sinh học luôn luôn là một mặt trong bản chất con người, nó làm cho con người hình thành và hoạt động như một cá thể phải phục tùng các quy luật tự nhiên, gắn bó hữu cơ như một bộ phận của tự nhiên.
Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế triết học 1844, C. Mác viết : “Giới tự nhiên - cụ thể là cái giới tự nhiên trong chừng mực bản thân không phải là thân thể của con người – là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”[32; 135]. Trong những tác
phẩm như “Hệ tư tưởng Đức”; “Tư bản”, trong các thư từ và ghi chép khác, C.
Mác và Ph. Ăngghen đã nhiều lần trực tiếp hay gián tiếp đề cập, phân tích sâu thêm vấn đề này. Đáng tiếc rằng những tư tưởng này của C. Mác và Ph.
Ăngghen đã có lúc không được chúng ta nhận thức đúng mức và đầy đủ. Một số học giả tư sản lại còn cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã không quan tâm tới giới tự nhiên, không xem xét mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên ở mức độ cần thiết, rằng con người trong triết học Mác bị tách rời khỏi giới tự nhiên, rằng triết học Mác tuyệt đối hoá con người xã hội ... Theo chúng tôi đó là sự xuyên tạc vô căn cứ.
Chỉ ra mối quan hệ tiếp nối từ giới tự nhiên vô cơ đến giới tự nhiên hữu cơ và đến con người, triết học Mác cũng đồng thời chỉ ra rằng con người không chỉ là sản phẩm của giới tự nhiên một cách thụ động. Kế thừa tư tưởng biện chứng của Cantơ và Hêghen về vai trò của hoạt động thực tiễn, hoạt động xã hội trong sự hình thành bản chất con người, Mác và Ănghen cho rằng chính thực tiễn biến đổi giới tự nhiên là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người.
Trí tuệ con người đã phát triển song song với việc con người học biến đổi giới tự nhiên. Khi thực hiện bước nhảy vọt từ loài vượn sang loài người, một mặt con người vẫn mang bản chất của tự nhiên, thống nhất với tự nhiên, mặt khác nó tách ra như một mặt đối lập với tự nhiên, mâu thuẫn với tự nhiên, nhờ đó con người có thể nhận thức và cải tạo lại tự nhiên. Thông qua việc tác động trở lại giới tự nhiên, cải biến tự nhiên, con người đã tạo ra cho mình những điều kiện sinh tồn mới, đó là một thiên nhiên thứ hai, thiên nhiên đã được nhân tính hoá. Con vật (con kiến, con ong, con hải ly ...) cũng tác động vào thế giới xung quanh nhưng gần với số không. Chỉ có con người với bộ óc biết tư duy, với đôi bàn tay lao động mới đạt đến chỗ in dấu ấn của mình vào tự nhiên. Loài vật chỉ biết lợi dụng giới tự nhiên bên ngoài. Con người không chỉ dừng lại ở đó mà còn cải tạo giới
tự nhiên, thống trị lại giới tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ những mục đích, nhu cầu ngày càng cao hơn của bản thân mình, đó chính là sự khác nhau chủ yếu và cuối cùng giữa con người và các loài vật khác. Nhờ lao động mà con người có được sự khác nhau ấy. Nhờ lao động mà con người tự nâng mình lên cao hơn động vật, tự nâng mình lên cao hơn giới tự nhiên. “Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức độ và trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: Lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”
[xem 29; 475, 641, 654].
Lao động vừa là biểu hiện, vừa là hạt nhân của sự thống nhất biện chứng giữa xã hội và tự nhiên, sự thống nhất bao hàm trong đó sự khác biệt giữa những yếu tố đối lập. Sự thống nhất đó nằm ngay trong bản chất con người. C. Mác cho rằng “con người ta, do bản tính, nếu không phải là một động vật chính trị như Arixtốt nói, thì dầu sao cũng là một động vật xã hội” [31; 474]. Con người một mặt là sản phẩm của sự phát triển của giới tự nhiên, điều đó quy định bản chất con người với tính cách là một thực thể sinh học. Mặt khác, con người là sản phẩm của quá trình tác động lại tự nhiên thông qua lao động, điều đó qui định bản chất con người với tính cách là một thực thể xã hội. Cái sinh học và cái xã hội hiện diện trong con người như là hai mặt đối lập nhưng không thể tách rời của cùng một bản chất, bản chất con người thực sự cao hơn giới động vật. Theo C. Mác “bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội, vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người” và “xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên, sự phục sinh chân chính của tự nhiên” [32; 170].
Sự thống nhất giữa xã hội và tự nhiên không đồng nhất,không tĩnh tại mà là sự thống nhất động, sự thống nhất chứa đựng mâu thuẫn biện chứng làm cho xã hội và tự nhiên là một quá trình lịch sử luôn luôn vận động. Sự thống nhất đó
biểu hiện trước hết thông qua quá trình lao động sản xuất, phương thức đặc thù qua đó xã hội và tự nhiên thực hiện quá trình trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin. Nền sản xuất xã hội là mắt khâu liên hoàn trong chu trình khép kín, cân bằng của sinh quyển nhưng nền sản xuất cũng có thể phá hoại sự cân bằng của sinh quyển. Trong thể thống nhất liên hoàn của màng lưới các liên hệ, nếu bất kỳ một mắt khâu nào bị phá hoại đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ hệ thống, bởi vì, theo Ph. Ăngghen “Trong giới tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại” [29; 652].
Vậy mà trên thực tế, do nhu cầu trước mắt của sự mưu sinh, con người đã làm trái với những nguyên tắc của mối quan hệ Tự nhiên - Con người - Xã hội.
Phá vỡ những liên hệ tất yếu, khách quan đảm bảo sự tồn tại của hệ thống, điều đó cũng có nghĩa là phá vỡ cơ sở của sự tồn tại người, và cũng không ai khác ngoài chính con người phải gánh chịu hậu quả. Điều này đã được Ph. Ăngghen cảnh báo: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta” [29; 654]. Sự cảnh báo ấy chẳng những đúng với những trường hợp ở Mê-xô-pô-ta-mi, ở Hy Lạp, ở Tiểu Á ... mà còn hoàn toàn đúng với nhiều hiện tượng khác mà nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã gây ra. Chúng ta cần chú ý là, không phải chỉ có con người mới tác động vào tự nhiên mà tự nhiên cũng tác động mạnh mẽ trở lại đối với con người. Sự tác động ấy là không lường trước được và có thể phá huỷ tất cả những kết quả đầu tiên mà con người đã đạt được.
Nguyên lý tính thống nhất vật chất của thế giới, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là những cơ sở để nhận thức vị trí của con người trong hệ thống Tự nhiên - Con người - Xã hội. Nắm bắt được cội nguồn sâu xa của mối quan hệ ấy,
con người cần phải tìm ra những phương sách thích hợp cần thiết để duy trì mối quan hệ hài hoà thống nhất giữa con người và giới tự nhiên. Đó là nguyên tắc sống còn buộc tất cả chúng ta phải tuân theo để duy trì sự tồn tại của con người và xã hội. Cần xuất phát từ quan điểm hệ thống, quan điểm toàn diện để điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Cần khắc phục những sai lầm bắt đầu từ phương thức trao đổi chất của nền sản xuất xã hội đã tàn phá tự nhiên, làm giới tự nhiên “quá tải”, mất khả năng tự phục hồi của nó. Xã hội cần chú trọng tới việc thực hiện chức năng tái sản xuất những tài nguyên thiên nhiên đã tiêu dùng và thải bỏ trong quá trình sản xuất để khép kín chu trình sinh học của giới tự nhiên. Chỉ có như vậy con người, xã hội mới thực sự hoà nhập vào những mắt khâu liên hoàn của chu trình trao đổi chất, từ đó tạo điều kiện và khả năng duy trì, bảo vệ, cải thiện môi trường sống của mình. Con người phải có trách nhiệm thiết lập lại sự thống nhất mà chính họ đã phá vỡ để tạo lập sự hài hoà thực sự giữa con người, xã hội và tự nhiên, chỉ có như vậy mới có thể giải quyết được những vấn đề môi trường bức xúc đang đặt ra hiện nay.
1.2.2 Trình độ phát triển của xã hội quy định trình độ tác động vào tự nhiên của con người.
Nền sản xuất xã hội là phương thức đặc thù của sự tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người sử dụng những công cụ, những phương tiện thích hợp tác động vào tự nhiên, biến đổi, cải tạo giới tự nhiên nhằm tạo ra cho mình những “điều kiện sinh tồn mới”, nhờ vậy con người cũng làm ra lịch sử của mình. Như vậy “cùng với con người, chúng ta bước vào lĩnh vực lịch sử” [29; 476].
Lịch sử xã hội loài người là tiếp nối lịch sử của tự nhiên, mặt khác nó phát triển song hành cùng với lịch sử của tự nhiên. Tự nhiên và xã hội vừa thống nhất chặt chẽ, vừa qui định lẫn nhau. Trong Hệ tư tưởng Đức, C. Mác và Ph.
Ăngghen khẳng định: “Mọi lịch sử đều xuất phát từ những cơ sở tự nhiên” [28;
21]. Tự nhiên cung cấp vật liệu cho lao động, còn lao động thì biến những vật liệu ấy thành của cải. “Các giá trị sử dụng như … “áo, vải,” nói tóm lại là các vật thể hàng hoá đều là sự kết hợp của hai yếu tố: vật chất của tự nhiên và lao động .... Trong công việc sản xuất của mình, con người cũng chỉ có thể hành động như bản thân thiên nhiên đã làm nghĩa là chỉ có thể thay đổi hình thái của vật chất mà thôi. Hơn thế nữa, ngay trong công việc làm thay đổi hình thái ấy, con người cũng luôn dựa vào sự giúp sức của các lực lượng tự nhiên. Như vậy, lao động không phải là nguồn duy nhất của của cải vật chất. Như William Pétti nói, lao động là cha của của cải, còn đất là mẹ của nó” [31; 73 -74]. Để tồn tại và phát triển, xã hội phải thường xuyên tiến hành trao đổi chất với tự nhiên, vì toàn bộ sự sống của thế giới hữu cơ liên hệ với nhau trong trong chu trình trao đổi vật chất của sinh quyển.
Một mặt, tự nhiên là môi trường sống, là tiền đề vật chất của xã hội, xã hội phải dựa vào tự nhiên, là một bộ phận của tự nhiên. Mặt khác, xã hội lại là bộ phận phát triển cao hơn giới tự nhiên, bởi vì, nhờ lao động sản xuất mà xã hội có khả năng chi phối các quá trình của tự nhiên theo mục đích nhất định. Trong quá trình lao động sản xuất, con người đã tiến hành khai thác, biến đổi và đồng hoá các hiện tượng tự nhiên phục vụ cho sự sống của mình, cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Mức độ biến đổi và đồng hoá các hiện tượng tự nhiên của con người là sự biểu hiện cụ thể các mức độ khác nhau của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nó có tính lịch sử cụ thể, nghĩa là chúng khác nhau theo những tầng bậc phát triển khác nhau của lịch sử xã hội loài người. Theo C. Mác “chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên qui định lẫn nhau”
[28; 25].