6. Bố cục của luận văn
1.3.5. Về chính trị
So với các cộng đồng châu Á khác, tỷ lệ được nhập quốc tịch Mỹ của người Việt là cao nhất (71%), tạo thuận lợi cho người Việt trong việc tham gia đời sống chính trị ở địa phương và toàn liên bang. Thời kỳ đầu, do nhiều người Việt phải rời bỏ quê hương, nên thường có tâm trạng chung là mặc cảm, bị bạc đãi, bị bỏ rơi ở Mỹ. Nhưng về sau, phần lớn người ra đi vì lý do kinh tế, nên mối quan tâm hàng đầu của họ là
thích nghi với điều kiện mới để làm ăn và phát triển, những người này ít quan tâm đến chính trị. Từ nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cộng đồng người Việt đã tích cực tham gia vào đời sống chính trị địa phương. Số người đi bầu trong các cuộc bầu cử địa phương ngày càng tăng.
Về khuynh hướng đảng phái, giai đoạn đầu đa số người Việt trung thành với Đảng Cộng hòa, có lẽ do ảnh hưởng tư tưởng chống cộng của chính quyền Nixon. Tuy vậy, dưới thời Bill Clinton, do Đảng Dân chủ mở rộng các chương trình xã hội có lợi cho người nghèo trong đó có người Việt, nên số người bầu cho Đảng này bắt đầu gia tăng.
Các chính trị gia gốc Việt đã đạt được những thành công nhất định trong thời gian gần đây, nhất là ở khu vực Quận Cam và thung lũng Silicon, nơi tập trung đông người Việt. Năm 1992, ông Toni Lâm là người Việt đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Westminster. Ông Hubert Võ là dân biểu trong Nghị viện bang Texas thuộc Đảng Dân chủ. Ông Trần Thái Văn giữ chức tương tự trong Nghị viện bang California, là trợ lý lãnh đạo Đảng Cộng hoà. Bà Janet Nguyễn là thành viên của Hội đồng Giám sát Quận Cam. Ông Nguyễn Minh Châu được bầu vào Hội đồng Thành phố Garrett Park ở bang Maryland năm 1995.
Một khó khăn đối với các chính khách gốc Việt là các phe phái chính trị người Việt cạnh tranh quyết liệt với nhau bằng nhiều thủ đoạn, khiến cho hiện tượng “chia phiếu” xả ra trong nhiều trương hợp và kết quả là “người ngoài” được hưởng lợi.
Một số người Việt đã giữ chức vụ cao trong chính quyền như ông John Quốc Dương (Dương Việt Quốc) được Tổng thống G. W. Bush bổ nhiệm làm Giám đốc Chương trình về người Mỹ gốc Á và các Đảo Thái Bình Dương của Nhà Trắng; ông Việt Đinh (Đinh Đồng Phụng Việt) từng làm trợ lý Bộ trưởng Tư pháp (2001-2003) và được cho là kiến trúc sư của Đạo luật yêu nước chống khủng bố gây nhiều tranh cãi ở Mỹ. Giáo sư Wendy Dương từng được bổ nhiệm làm thẩm phán ở Texas và là người Việt đầu tiên làm thẩm phán ở Mỹ. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông cũng xuất hiện một số tên tuổi người Việt như nhà văn, nhà báo đạt nhiều giải thưởng Andrew Lâm, phát thanh viên truyền hình Thuý Vũ của CBS, Betty Nguyễn của CNN...