Điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, GPMB trên địa bàn thành phố đúng các quy định của nhà nước, cụ thể hoá các khâu trong mỗi bước phù hợp với điều kiện của thành phố. Quy trình bồi thường, hỗ trợ, GPMB phải gắn liền với quy trình công bố và quản lý quy hoạch, quy trình thu hồi đất và thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong mỗi bước của quy trình cần quy định rõ các khâu, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện, chủ động dự báo các khả năng xảy ra để có quy định giải quyết cụ thể.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, có sự tham gia của hệ thống chính trị đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB nói chung, đặc biệt là phân cấp trách nhiệm trong thực hiện các khâu của quy trình bồi thường, hỗ trợ, GPMB phát huy được vai trò của hệ thống chính trị cơ sở.
Phân cấp phải triệt để, đồng bộ gắn với tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra để các cấp, các ngành thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình,
không chồng chéo, không buông lỏng quản lý, trong đó cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của tập thể và cá nhân được giao nhiệm vụ.
Trước mắt cần thực hiện ngay một số biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB như: UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp về xác định nguồn gốc đất; cải tiến quy trình, đảm bảo thời gian thực hiện ngắn nhất và phải có chế tài cụ thể đối với các cơ quan chức năng về thời gian thực hiện việc kiểm kê, lập phương án bồi thường, xem xét phê duyệt và thẩm định phương án bồi thường.
Triệt để cải cách các thủ tục hành chính trong thu hồi đất, BTHT&TĐC, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết; nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch kết quả kiểm kê, phương án, cơ chế, chính sách, đơn giá áp dụng. Tiếp và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của công dân ngay khi phát sinh từ cơ sở, các ngành, cấp không đùn đẩy, né tránh.
Xác định rõ trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, Tổ chức làm công tác BTHT&TĐC; có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân cán bộ, công chức cả về kinh tế và hành chính khi không thực hiện đúng yêu cầu chức trách công việc được giao.
Kịp thời thể chế hoá các quy định mới về công tác BTHT&TĐC của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của Hải Phòng. Trước mắt, xây dựng và ban hành các quy định:
- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 130/2010/QĐ-UB ngày 22/01/2010 của UBND thành phố ban hành quy định về chính sách BTHT&TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ và sát với tình hình thực tế của địa phương.
- Sửa đổi bổ sung trình tự, thủ tục thu hồi đất, thực hiện việc BTHT&TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhằm thể chế hóa Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ (thay thế quyết định 1609/2010/QĐ-UBND ngày 30/9/2010).
Lực lượng làm công tác bồi thường GPMB phải có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân; đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền
phải được phân nhóm, báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Các cơ quan tham mưu cho UBND thành phố phải xác định rõ lỗi thuộc về phía người chịu trách nhiệm bồi thường hay của người có đất bị thu hồi để đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý, đúng đắn, khách quan và hiệu quả.
Kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp đã tính đúng, đủ về khối lượng, đảm bảo chế độ chính sách; đã giải thích, vận động, đối thoại công khai, nhưng vẫn cố tình kiến nghị, không thực hiện việc nhận tiền, BGMB. Các trường hợp gian lận trong việc trồng cây, xây nhà sau khi đã có thông báo thu hồi đất nhằm mục đích trục lợi.