- Thứ nhất: Tại công ty vẫn còn tình trạng một loại NVL được nhập vào hai kho khác nhau, cả hai kho này cùng quản lý một loại NVL nên gây khó khăn cho việc hạch toán. Sự quản lý chồng chéo gây bất tiện cho kế toán khi xác định tổng giá trị, số lượng tồn kho cũng như theo dõi tình hình biến động nhập - xuất dễ gây nhầm lẫn. Việc đối chiếu giữa thủ kho với kế toán sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn. Mặt khác, cũng gây kho khăn cho việc mã hoá vật tư, cùng một tên vật tư nhưng lại có hai mã khác nhau. Ví dụ: Cùng vật tư Xăng lại có 2 mã là 14075 (vật liệu phụ) và NNL004 (nhiên liệu).
- Thứ hai: PNK, PXK khi đã có đầy đủ chữ ký hợp lý, hợp lệ được thống kê phòng Vật tư nhập dữ liệu vào máy để quản lý chi tiết, theo dõi sự biến động của NVL và làm căn cứ đối chiếu với Thủ kho. Kế toán nhận được PNK, PXK thì kiểm tra chứng từ và nhập dữ liệu vào máy tính. Như vậy cả kế toán vật tư và thông kê phòng vật tư đều thực hiện công việc trùng lắp. Đặc biệt trong điều kiện của Công ty sử dụng nhiều chủng loại NVL, nghiệp vụ nhập, xuất kho xảy ra thường xuyên thì công tác này tốn khá nhiều thời gian.
- Thứ ba: Hàng ngày các nghiệp vụ nhập, xuất vật tư diễn ra thường xuyên liên tục mà việc viết phiếu nhập, phiếu xuất bằng thủ công (kê giấy than viết) mất rất nhiều thời gian, lại không mang lại hiệu quả.
- Thứ tư: Do Công ty có nhiều kho và chủng loại NVL đa dạng, nghiệp vụ xuất kho diễn ra thường xuyên với khối lượng lớn nên bộ phận kế toán NVL phải làm nhiều công việc, công tác tổng hợp số liệu, lên báo cáo nói
chung nhiều khi chưa kịp thời. Mặt khác kế toán NVL kiêm cả kế toán TSCĐ do đó khối lượng công việc là rất lớn đối với nhân viên kế toán dẫn tới khó tránh khỏi sai sót.
- Thứ năm: Phòng vật tư chưa áp dụng được phần mềm theo dõi nhập, xuất vật tư tại các kho nên việc đối chiếu số liệu giữa phòng vật tư và phòng kế toán còn gặp nhiều khó khăn.
- Thứ sáu: Việc ghi lý do xuất kho trên phiếu xuất kho còn chung chung, rất nhiều trường hợp ghi “Phục vụ sản xuất” mà không ghi rõ là sử dụng cho mục đích cụ thể nào gây khó khăn cho kế toán định khoản chi tiết cho các tài khoản kế toán. Đồng thời tại mục “Xuất tại kho” trên Phiếu xuất kho nhiều khi chỉ ghi tên thủ kho của các kho đó, như vậy rất khó cho công tác kiểm tra của kế toán tổng hợp để xác định kế toán vật tư định khoản có chính xác không.
- Thứ bảy: Việc tập hợp đúng, đủ chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ là cơ sở để tính giá thành chính xác. Công ty đã lựa chọn phương pháp tính giá thực tế NVL xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ. Như vậy đến cuối tháng Công ty mới xác định đơn giá vật liệu xuất kho để từ đó tính giá trị thực tế của NVL xuất dùng trong tháng, lên Bảng kê phiếu xuất rồi mới lắp giá vào Phiếu xuất kho, công việc dồn nhiều vào cuối tháng, không thực sự tối ưu khi Công ty đã áp dụng tin học hoá vào công tác kế toán.
- Thứ tám: Trang thiết bị ứng dụng công nghệ tin học trong công tác kế toán còn hạn chế đôi khi làm giảm năng suất làm việc của các nhân viên kế toán.