Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý vốn đầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại huyện Đầm Hà - Tỉnh Quảng Ninh (Trang 29)

7. Nội dung nghiên cứu của luận văn

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

2.1.1.1. Vị trí địa lý kinh tế

Đầm Hà là huyện miền núi biên giới giáp biển về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 120 km, cách cửa khẩu quốc tế Móng cái 70km. Huyện có tọa độ địa lý ở 21o12’49’’ đến 21o29’59’’ Vĩ độ bắc và từ 107o27’56’’ đến 107o41’31’’ Kinh độ đông.

− Phía Bắc giáp huyện Bình Liêu; − Phía Đông giáp huyện Hải Hà; − Phía Nam giáp huyện Vân Đồn; − Phía Tây giáp huyện Tiên Yên.

Huyện có thị trấn Đầm Hà là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện và 9 xã trực thuộc, có Quốc lộ 18A chạy qua và 21km bờ biển. Đồng thời vị trí địa lý và lợi thế đặc biệt quan trọng trên trục kinh tế Đông Bắc-ĐBSH với hành lang QL18A là khu vực phát triển kinh tế-sinh thái-du lịch. Hệ thống giao thông đa dạng, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối phát triển; đặc biệt là vùng nằm trong “Hai hành lang đi Quảng Tây-Vân Nam (Trung Quốc) và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”. Những yếu tố đó có tác dụng thúc đẩy Đầm Hà phát triển thành một khu vực kinh tế quan trọng phía Đông của tỉnh, là căn cứ chiến lược cho phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

2.1.1.2. Địa hình, địa chất

*) Địa hình:

Đầm Hà là huyện có địa hình miền núi, trung du ven biển, nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều-Bình Liêu. Phía Bắc và Tây Bắc của huyện có nhiều núi cao tới 1.000m, sườn núi dốc có nhiều cây rậm rạp. Tiếp đến là vùng núi thấp đến đồi gò, địa hình chia cắt mạnh tạo thành các thung lũng là các ruộng bậc thang có độ cao trung bình từ 100 - 400m, độ dày tầng đất trung bình, lớp phủ thực vật thưa thớt. Kế tiếp là vùng phù sa ven biển, được chia làm hai vùng cơ bản:

Tiểu vùng phù sa cổ chạy dọc đường 18A với độ cao trung bình 25m, có nơi cao trên 50m, địa hình dốc thoải lượng sóng.

Tiểu vùng phù sa mới đuợc bồi tụ ven biển: Bị ngăn cách bởi đồi núi chạy sát biển, địa hình thấp thoải dần ra biển có độ cao từ 1,5 - 3m. Một phần đã được đưa vào canh tác, phần còn lại là các bãi sú vẹt, cồn cát ven biển bị ngập nước thủy triều. Những vùng đất trong đê đã được khai phá cày cấy, nơi cao bị rửa trôi bào mòn.

Vùng địa hình quần đảo ven biển: Bao gồm một số đảo như đảo Vạn Đước, Đá Dựng,...Độ cao phổ biến khoảng trên dưới 100m. Phần lớn các đảo này đều trơ trụi và hình thái địa hình của chúng tương tự các dải đồi trong đất liền. Bờ biển khu vực này thuộc dạng bờ xâm thực bị ngập nước. Chúng bị chia cắt phức tạp và chắn bởi các hòn đảo có đường phương cấu trúc địa chất song song với đường bờ Bờ biển bị lún phức tạp thêm bởi sự xen kẽ các đoạn bờ nguồn gốc trầm tích - sú vẹt.

*)Địa chất:

Ở địa hình núi cao - đồi núi thấp, các loại đá phổ biến là các trầm tích Triat. Phân bố ở phía Bắc của huyện chủ yếu là các đá của hệ tầng Mẫu Sơn gồm đá cát màu xám, đá sét và bột kết màu phớt đỏ, tím, đôi khi lốm đốm. Phía nam bao gồm các đá cuội kết, sỏi kết, đá cát, bột kết, bột kết chứa than, đá sét. Ngoài ra còn xuất hiện đá vôi Pecmi ẩn tinh, màu xám và xám tro có chứa ít sét.

Các đồng bằng hẹp duyên hải nằm gần như ngang với mực nước biển và là sản phẩm tích tụ của phù sa biển và phù sa sông. Chúng còn được tiếp tục lấn ra ngoài khơi bởi những bãi phù sa biển rộng lớn. Vật liệu của các bãi phù sa biển gồm có cát thô ở bên dưới, cát mịn và bùn nhão giàu chất hữu cơ ở phía trên.

Các đảo huyện Đầm Hà này được cấu tạo chủ yếu bởi cuội kết hạt trung, sỏi kết và đá cát có độ hạt khác nhau. Các đá màu đỏ tím tuổi Jura hạ chủ yếu là đá cát, cuội kết xen các lớp kẹp đá sét .

Địa hình, địa chất huyện Đầm Hà tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh đặc biệt ở vùng núi cao, vùng núi thấp và trung du khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; vào mùa mưa thường có lũ đột ngột gây ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý vốn đầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại huyện Đầm Hà - Tỉnh Quảng Ninh (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)