Thời kỳ 1998 – 2003

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thời kỳ sau chiến tranh lạnh (Trang 32)

Ngày 25/02/1998, Kim Dae-Jung chính thức bắt đầu nhiệm kì tổng thống mới ở Hàn Quốc, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Kim Dae-Jung muốn cải thiện quan hệ hai miền thông qua “Hội nghị 4 bên” (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên), nhằm làm dịu tình hình căng thẳng, đối đầu trên bán đảo. Ông đưa ra

chính sách 3 điểm về Triều Tiên: Thứ nhất, duy trì một tư thế an ninh mạnh,

Hàn Quốc không dung thứ bất cứ mưu toan phá hoại hòa bình nào từ phía

Bắc; Thứ hai, Hàn Quốc không có ý định thống nhất đất nước bằng cách sát

nhập miền Bắc, mà thay vào đó, sẽ tìm cách cùng tồn tại và cùng phát triển thịnh vượng với miền Bắc; Thứ ba, Hàn Quốc sẽ tiếp tục cải thiện và phát triển quan hệ hai bên bằng cách đẩy mạnh trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Triết lý thống nhất của ông Kim Dae-Jung bao gồm 3 nguyên tắc cơ bản: đó là độc lập, hòa bình và dân chủ. Theo đó, tất cả những vấn đề có liên quan đến bán đảo, kể cả vấn đề thống nhất cần phải được giải quyết theo tinh thần tự quyết dân tộc, thông qua đàm phán hòa bình và dân chủ.

Trên cơ sở đó, Tổng thống Kim Dae-Jung đã nêu ra “Chính sách Ánh dương” đối với miền Bắc. Chính sách này được thực hiện theo nguyên tắc

tách kinh tế ra khỏi chính trị. Theo đó Hàn Quốc tiến hành đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đầu tư vào miền Bắc (giải tỏa hoàn toàn lệnh cấm vận đầu tư, sửa đổi khung trần giới hạn vốn đầu tư.v.v.), công bố các kế hoạch cung cấp viện trợ nhằm hợp tác kinh tế với Triều Tiên.

Về phía mình Triều Tiên cũng áp dụng một số chính sách linh hoạt hơn. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là một cú sốc nặng nề giáng vào chế độ chính trị ở miền Bắc. Nga và Trung Quốc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc đã không còn là liên minh chiến lược của Triều Tiên. Quan hệ đồng minh Bắc Kinh – Bình Nhưỡng xấu đi và liên minh quân sự Nga – Triều Tiên trên thực tế đã mất đi hiệu lực sau khi Liên Xô tan rã, nhất là vào tháng 9/1995, Nga tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước quân sự mà Liên Xô đã ký với Triều Tiên.

Một sự kiện chính trị đặc biệt có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai miền là vào trung tuần tháng 6/2000, lần đầu tiên, nguyên thủ quốc gia của Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng. Nội dung của cuộc gặp này là tập trung bàn bạc về khả năng thống nhất trên 3 nguyên tắc độc lập, hòa bình và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định lại nguyện vọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; đoàn tụ những gia đình ly tán để tiến tới sự hòa hợp và đồng nhất dân tộc; bàn các vấn đề hợp tác kinh tế song phương, vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân cùng các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc như đã nêu trong Hiệp định cơ bản Bắc – Nam năm 1991.v.v.

Cuộc gặp cấp cao lịch sử này đã tạo đà cho hai bên hàn gắn vết thương chia cắt, hướng tới sự thịnh vượng trong hòa bình và thống nhất. Tuy nhiên, nhiều thập kỉ nghi kỵ và đối đầu giữa hai miền không thể xóa tan trong một sớm một chiều. Giữa hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề cơ bản khó có thể giải quyết. Khi mà cả hai bên vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với nhau và có những hành động mang tính quân sự, đối đầu như: Triều Tiên vẫn sản xuất và

thử vũ khí hạt nhân; Hàn Quốc vẫn tập trận chung với Mỹ; 37.000 lính còn đang đóng ở miền Nam và Hàn Quốc tích cực tham gia vào Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) của Mỹ…thì hai bên khó có thể tìm kiếm được một sự thống nhất chung để tiến tới hợp tác hoàn toàn. Dẫu sao, đó cũng là bước khởi đầu hết sức tích cực thúc đẩy quá trình hòa bình và tái thống nhất bán đảo. Nó đã đem lại một sức sống mới cho những cố gắng nhằm đảm bảo hòa bình một cách lâu dài và bền vững ở khu vực trong thế kỷ XXI.

Kể từ cuộc họp thượng đỉnh giữa hai bên lần thứ nhất vào ngày 15/06/2000, mối quan hệ hai miền được cải thiện đáng kể. Về chính trị, các cuộc hội đàm song phương diễn ra liên tục, nhất là sau khi ông Roh Moo Huyn đắc cử tổng thống vào tháng 12-2002, Hàn Quốc đã từng bước tiến tới hội đàm hai bên và thúc đẩy việc thống nhất. Chỉ tính đến tháng 10-2005 đã có tất cả 159 cuộc hội đàm. Trong giai đoạn đó, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc họp về các lĩnh vực kinh tế, quân sự, thể thao cũng như các cuộc họp của Hội chữ thập đỏ và 16 vòng đàm phán cấp bộ. Trong các cuộc hội đàm, miền Bắc đã nhân cơ hội đàm phán để nhận viện trợ từ phía Hàn Quốc và Mỹ, giảm bới khó khăn về kinh tế.

Mục đích của các cuộc họp cấp bộ gồm 2 phần. Thứ nhất là Triều Tiên nhận viện trợ kinh tế từ Hàn Quốc (hỗ trợ thường xuyên 40.000 tấn gạo và 300.000 tấn phân bón mỗi năm); Thứ hai là Mỹ sẽ đảm bảo về an ninh cả bán đảo do đã duy trì các cuộc hội đàm cấp bộ với Hàn Quốc dưới hình thức “Hợp tác Nam – Bắc”.

Theo tuần tự, miền Bắc trước hết tận dụng cơ hội trong các cuộc hội đàm để đem lại lợi ích về kinh tế, nhấn mạnh vào mối quan hệ hai miền để chống lại Mỹ như là một cách đề cập đến vấn đề khủng hoảng hạt nhân từ giai đoạn giữa (cuộc họp lần thứ 8) và tạo cơ sở cho việc hợp tác và trao đổi trong giai đoạn tiếp theo (cuộc họp lần thứ 10, có chính phủ tham dự).

Hội nghị thượng đỉnh lần này đã đề ra Tuyên bố chung trong đó nêu rõ: miền Bắc chủ động hưởng ứng các hoạt động riêng lẻ bao gồm các sự kiện thể thao và các sự kiện văn hóa; Tổ chức ủng hộ người Triều Tiên thăm thành phố quê hương của họ và thể hiện sự mong muốn giải quyết các vấn đề tù nhân chiến tranh và những người Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt cóc. Triều Tiên đồng ý cho phép các gia đình ly tán được gặp nhau, được trao đổi thư từ cũng như lập địa điểm để đoàn tụ, cho phép các gia đình ly tán được gặp gỡ nhau qua cầu truyền hình; Thống nhất thúc đẩy kinh tế của cả hai miền, trao đổi và hợp tác, cùng nhất trí tạo các điều kiện về thể chế cho việc hợp tác kinh tế, bắt đầu hợp tác đánh cá, thực hiện trao đổi du lịch, ký hiệp định hàng hải; Miền Bắc sẵn sàng tham gia vào các cuộc hội đàm theo trình tự về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quân sự.

Trên cơ sở thành tích đã đạt được, hai bên đã cùng nhau xây dựng “Hiệp ước hòa bình” với mục đích tương tự như “Hiệp ước không xâm lược” của bản thỏa thuận cơ bản, nhấn mạnh đến sự thay đổi trật tự thế giới và mối quan hệ song phương. Nhiệm vụ cụ thể là ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình trên bán đảo vốn đã được thực thi.

Mặc dù vấn đề xây dựng lòng tin, giảm bớt căng thẳng và vì hòa bình không có trong Tuyên bố chung, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc hội đàm quân sự, trong đó có một cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng. Cả hai bên đều nhất trí đảm bảo nguyên tắc an ninh trong việc thực hiện các thỏa thuận trong bản Tuyên bố chung và trong các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng lần thứ nhất (26-26 tháng 9-2000) đã nói cùng cố gắng ngăn chặn không để xẩy ra cuộc chiến tranh khác trên bán đảo. Cả hai phía cùng nhất trí chú trọng đến các vấn đề quân sự sau vấn đề trao đổi công dân, hợp tác trong tương lai, an ninh, các dự án nối đường sắt và xây dựng đường bộ. Bên cạnh đó, các cuộc hội đàm quân sự nhằm hỗ trợ việc hợp tác kinh tế hai miền cũng được tiến

hành dựa trên các thỏa thuận của vòng một. Cả hai phía đều nhất trí những thỏa thuận về việc quản lý chung khu phi quân sự và đẩy nhanh dự án đường sắt Gyeongui, nhất trí một thoả thuận quân sự cho việc đi lại qua các tuyến đường tạm thời ở các vùng biển Đông và phía Tây dưới sự giám sát của cả hai bên. Những thỏa thuận này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục lại các tuyến đường sắt và đường bộ, tăng cường hợp tác kinh tế hai miền.

Tuy vậy, đối với các vấn đề quân sự nhạy cảm, Triều Tiên vẫn tỏ ra ít thay đổi lập trường, không đả động đến các can dự quân sự vòng 2 ở vùng biển phía Tây năm 2002 trong các cuộc hội đàm năm 2003, trì hoãn các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức hai bên ở Panmunjom, đe dọa đưa ra các biện pháp quan trọng mới về hiệp định đình chiến. Trong lịch sử, Triều Tiên đã liên tục bãi bỏ hiệp ước đình chiến và loại bỏ Hàn Quốc như một biện pháp trả đũa.

Trong lúc Triều Tiên nhất trí xây dựng sự tin tưởng về quân sự bằng việc nhất trí Bản thỏa thuận 4 điểm tại các cuộc hội đàm chung về các biện pháp ngăn chặn can dự quân sự dọc ranh giới hai bên đường phân chia ranh giới biển phía Tây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc; ngừng việc tuyên truyền về đường ranh giới quân sự. Tuy nhiên, từ đó, Triều Tiên đã liên tục vi phạm đường giới hạn phía Bắc (NLL). Triều Tiên đã giải thích rằng, họ muốn chủ động về mặt trận quân sự trong các mối quan hệ hai bên và tăng hay giảm căng thẳng bất cứ khi nào họ muốn.

Triều Tiên chỉ tham dự một cuộc hội đàm cấp bộ trưởng, hai cuộc họp cấp bình thường và chỉ một vài cuộc họp nếu thấy cần thiết. Điều này chứng tỏ rằng, Triều Tiên chỉ đồng ý tham gia các cuộc họp quân sự khi muốn làm giảm bớt khó khăn về kinh tế trong khi tránh thảo luận về các vấn đề an ninh trên bán đảo.

Nhìn chung, Triều Tiên đã đưa ra chiến lược để đạt được mục đích thu lợi về kinh tế qua hợp tác với Hàn Quốc; giải quyết mối lo ngại về an ninh qua việc tạo ra lập trường chống lại Mỹ; cộng tác với Hàn Quốc trong việc thống nhất bán đảo. Mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên thực sự được khởi sắc từ năm 2000, sau cuộc họp thượng đỉnh hai nước lần thứ nhất, chuyển từ đối đầu sang cùng tồn tại hòa bình và mở ra con đường giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và hợp tác.

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thời kỳ sau chiến tranh lạnh (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)