Đây là nghiệp vụ hoàn toàn mới của NHPT VN và mang tính đặc thù cao do khách hàng vay vốn là các nhà nhập khẩu ở các quốc gia khác nhau. Tại các nước phát triển, nghiệp vụ này ngày càng chiếm vai trò quan trọng và thay thế dần nghiệp vụ tín dụng dành cho bên bán, tỷ trọng dư nợ TD người mua trên tổng dư nợ của các Tổ chức tài trợ xuất khẩu chính thức có xu hướng tăng dần.
- Hình thức cho vay này có thể được thực hiện thông qua 2 kênh:
+ Cho vay trực tiếp nhà nhập khẩu: nghiệp vụ này đòi hỏi rất nhiều thông tin và hệ thống quản lý tại nước nhà nhập khẩu như: khả năng tài chính, khả năng thanh toán, mức độ tín dụng của nhà nhập khẩu, thị trường tại nước nhà nhập khẩu…
+ Cho vay gián tiếp (cho vay lại) đến nhà nhập khẩu: Thông qua Chính phủ của nước nhập khẩu (tương tự như hình thức tài trợ vốn ODA): Đây là hình thức tương đối an toàn bởi người vay theo hình thức này chính là một chính phủ nước ngoài, thực chất đây là hình thức bảo lãnh cao nhất. Thông qua một ngân hàng hoặc một số tổ chức tài chính tại nước nhà nhập khẩu có quan hệ tốt với NHPT Việt Nam để cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu, nếu cho vay theo hình thức này thì ngoài các thông tin về nhà nhập khẩu cần quan tâm đến uy tín, quy mô, hoạt động của tổ chức tài chính này.
- Chủ yếu áp dụng trong trường hợp xuất khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư với thời hạn vay tương đối dài (thường trên 5 năm).
- Mặc dù không có chuẩn mực về bảo đảm an toàn TD áp dụng chung cho tất cả các loại người mua ở các quốc gia khác nhau nhưng các tổ chức cho vay đều có gắng hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất thông qua việc yêu cầu Chính phủ nước nhập khẩu/ ngân hàng lớn có uy tín trên thế giới bảo lãnh cho khoản vay hoặc bảo hiểm TD hoặc cơ chế kiểm soát đặc biệt luồng tiền thu về của dự án/nhà nhập khẩu để đảm bảo khả năng trả nợ.
Quá trình thẩm định khoản vay là một quá trình phức tạp diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối dài (thông thường từ 3-6 tháng cho một dự án có quy mô trung bình) với sự tham gia của rất nhiều bên như: Chính phủ các nước, các ngân hàng thương mại tại nước sở tại, luật sư, các chuyên gia tư vấn kỹ thuật…
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay khả năng cung cấp TD người mua của NHPT VN sẽ rất hạn chế vì vậy việc cung cấp TD người mua chủ yếu thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều kiện cho vay được Chính phủ hoặc Ngân hàng trung ương nước nhập khẩu bảo lãnh, khoản vay sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng từ phía người vay. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy nếu gặp rủi ro, quá trình thu hồi nợ vay cũng rất khó khăn và phức tạp. Hơn nữa, NHPT VN sẽ trực tiếp chịu rủi ro về mặt tỷ giá do thực hiện cho vay và thu hồi nợ bằng các đồng tiền khác nhau. Thông thường việc giải ngân thực hiện trực tiếp cho Nhà xuất khẩu Việt Nam. Việc giải ngân này có thể thực hiện ngay trong giai đoạn sản xuất chế biến hàng hóa hoặc khi hàng hóa đã được chuyển giao cho nhà nhập khẩu.