Cơ sở hình thành tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (Trang 26)

7. Kết cấu của đề tà

1.2.1.Cơ sở hình thành tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh – một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo cách mạng quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức và có nhiều cống hiến vào việc phát triển những đạo đức mới.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ những cơ sở lý luận và thực tiễn, dân tộc và nhân loại.

* Truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự phản ánh của đời sống xã hội, của thực tiễn cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam thông qua nhận thức và hoạt động của Người. Không thể hiểu được tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nếu không tìm hiểu nó trong mối quan hệ với truyền thống đạo đức dân tộc.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc trọng đạo đức. Nhân dân ta luôn luôn đòi hỏi mỗi người phải tu dưỡng đạo đức để giữ làng, giữ nước. Trong quá trình đó đã

hình thành nên đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam, thành lương tri của người Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu quý con người, coi “người là hoa đất”, nên rất mực đề cao tình người: tình cha mẹ yêu thương con cái, tình nghĩa vợ chồng, tình anh em, bạn bè, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình cốt nhục đồng bào,… Người Việt Nam luôn đề cao lối sống tình nghĩa, thủy chung, luôn nhấn mạnh: tình trước nghĩa sau, tình sâu nghĩa nặng, có truyền thống cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn.

Một nét nổi bật trong truyền thống đề cao các đức tính cần cù, giản dị, tiết kiệm,… đồng thời cũng phê phán gay gắt, đả kích không thương tiếc các thói: tham ăn, lười biếng, khoác lác,… những kinh nghiệm ứng xử đó được đúc kết trong các bài vè, ca dao, tục ngữ, các truyện khôi hài, tiếu lâm…Trong khi nêu cao các chuẩn mực cần có, nhân dân ta đòi hỏi nó phải được thể hiện cụ thể trong hành vi hằng ngày, tức là trong thực hành đạo đức: nói đi đôi với làm, ngôn hành phải hợp nhất. Hồ Chí Minh đã kế thừa những tư tưởng đạo đức nói trên của dân tộc Việt Nam và nâng nó lên một tầm cao mới dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức học Mác - Lênin.

Cùng với đạo đức truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng và tiếp thu có chọn lọc, có phê phán tư tưởng đạo đức của nhân loại.

* Tiếp thu tinh hoa đạo đức nhân loại

Những giá trị đạo đức phương Đông ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh trước hết và cơ bản là những yếu tố tích cực của Nho giáo. Nho giáo là một học thuyết chính trị- đạo đức. Giai cấp phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng của mình nhưng không nên đồng nhất Nho giáo với hệ tư tưởng phong kiến. Thái độ của Hồ Chí Minh đối với Nho giáo là một mẫu mực về phương pháp luận cho chúng ta học tập. Theo Người, cái gì gắn với ý thức hệ phong kiến, phục vụ cho lợi ích giai cấp thống trị thì phê phán triệt để: tư tưởng đẳng cấp, khinh lao động chân tay, coi thường phụ nữ,… cái gì có giá trị tích cực, có sức sống, cần phải được kế thừa, cải tạo để sử dụng.

Nho giáo vốn coi trọng tu dưỡng đạo đức, đề cao sức mạnh của đạo đức, chủ trương: từ thiên tử cho đến thứ dân, ai cũng phải lấy tu thân làm đầu, bởi trách nhiệm của kẻ sĩ thì nặng, có đạo đức mới gánh được nặng, đi được xa. Hồ Chí Minh từng nhận xét: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”.

Nho giáo coi đạo đức là cái con người phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ, công phu mới đạt tới được. Đặc biệt, Nho giáo chủ trương kẻ sĩ, người cầm quyền càng phải thực hành đạo đức để làm gương cho mọi người noi theo. Mạnh Tử nói: Bậc quốc trưởng trước hết phải giữ mình cho ngay thẳng, sau đó thiên hạ mới quy thuận theo mình.

Hồ Chí Minh đã kế thừa những yếu tố tích cực trên của Nho giáo. Tuy nhiên, giữa tư tưởng đạo đức của Nho giáo với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sự khác biệt về bản chất, một bên nhằm củng cố trật tự, đẳng cấp phong kiến, phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị; một bên để phục vụ sự nghiệp cách mạng, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng người lao động. Như Hồ Chí Minh đã nói: “Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người ngược đầu xuống đất, chân chổng lên trời”[14, tr.320]. Và chính Người đã lật ngược nó lại, đưa vào nội dung mới để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Ngoài Nho giáo, Hồ Chí Minh còn tiếp thu những tư tưởng tích cực của Phật giáo, Lão giáo. Đặc biệt, Người chịu ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức phương Tây.

Trong gần 30 năm bôn ba, khảo sát các nước tư bản lớn như Mỹ, Anh, Pháp và các thuộc địa của họ, Bác đã tìm hiểu qua sách báo, tài liệu, qua tiếp xúc với các nhà chính trị - xã hội nổi tiếng và cả qua xem xét thực tế cuộc sống của dân chúng, trực tiếp hoạt động trong các tổ chức chính trị- xã hội ở các nước đó, rút ra những nhận xét, đánh giá, để tìm ra những gì là “tinh hoa” tốt đẹp cần tiếp thu và những gì còn hạn chế cần khắc phục.

Từ đó, Hồ Chí Minh nhận ra ảnh hưởng bao trùm lên đời sống văn hóa- đạo đức của xã hội phương Tây là tư tưởng Cơ đốc giáo, do đó nói đến tư tưởng đạo đức Cơ đốc giáo. Nét nổi bật của đạo đức Cơ đốc giáo là lòng nhân ái, thương người,

tinh thần khoan dung, không cố chấp. Chúa Giêxu răn dạy con chiên của mình hãy sống cho trong sạch, thủy chung, không tham lam, trộm cướp, không dối trá,… phải an ủi, cứu giúp người hoạn nạn, bệnh tật, đói khát,… Hồ Chí Minh thấy được mặt tích cực của đạo đức Cơ đốc giáo nên đã viết: “Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả”.

Đương nhiên, Người cũng thấy cả mặt tiêu cực của Cơ đốc giáo khi nó bị giai cấp thống trị lợi dụng để ru ngủ con người , kêu gọi thỏa hiệp với kẻ thù, kéo con người đến phục dưới chân Chúa xin được ban phước lành, thủ tiêu mọi đấu tranh,… Tuy nhiên, Hồ Chí Minh phân biệt rõ tư tưởng nhân ái của các nhà sáng lập tôn giáo chống lại nhân dân, không bao giờ Người có thái độ vơ đũa cả nắm, mà luôn luôn thể hiện sự tôn trọng đối với đức tin của người có đạo.

Nói đến đạo đức phương Tây còn phải nói đến ảnh hưởng của truyền thống nhân văn phương Tây đối với đạo đức con người. Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng đã khẳng định: chính con người mới là cao quý, chứ không phải các vị thánh! Họ đã tập trung ca ngợi sức mạnh, vẻ đẹp trí tuệ và cơ thể của con người, chống lại mọi sự khinh rẻ đối với con người, từ đó đề ra tư tưởng về quyền tự do, bình đẳng, dân chủ giữa người với người. Cuộc vận động cải cách tôn giáo đã chống lại mọi luật lệ hà khắc của giáo hội, cởi trói con người khỏi mọi ràng buộc của giáo lý nhà thờ trung cổ. Bước sang thời kỳ cách mạng tư sản thế kỷ 18, nhiều tác phẩm về nhân quyền, nhân đạo, dân chủ,… ra đời, đặt cơ sở cho cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền dân chủ, tự do và bình đẳng trước pháp luật,… góp phần phát triển thêm một bước chủ nghĩa nhân văn phương Tây.

Tất nhiên, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện được mặt trái của lá cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái qua sự đối lập giữa đạo đức giả dối mà giai cấp tư sản rêu rao với thực trạng đầy rẫy áp bức bất công của xã hội tư sản. Người thấy đó là những cuộc cách mạng chưa đến nơi, nó chưa thỏa mãn được lý tưởng chính trị và đạo đức của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng triệt để con người, nâng con người lên một tầm đạo đức mới.

Nói tóm lại, trong quá trình hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức của mình, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, cổ điển và hiện đại. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nâng nó lên một tầm cao mới, một chất mới.

* Tư tưởng đạo đức học Mác - Lênin

Các học thuyết nói trên, dù nói nhiều về thương yêu, tôn trọng con người, nhưng vẫn còn những hạn chế rất cơ bản, nó cầu cứu sự cứu vớt của thượng đế, nó kêu gọi hòa hoãn với kẻ thù, nó chờ đợi sự ban phát, rủ lòng thương của giai cấp thống trị.

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và được thức tỉnh bởi một tư tưởng vĩ đại của Mác: “Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải do giai cấp công nhân tự đảm nhiệm lấy”. Điều đó có nghĩa là: Sự nghiệp giải phóng con người là do chính con người tự làm lấy. Đó là một bước ngoặt của tư tưởng nhân văn nhân loại mà trước đó chưa có nhà tư tưởng nào phát hiện được.

Hồ Chí Minh đã tìm thấy trong tư tưởng của V.I.Lênin điều mà Người rất khâm phục: Sau khi giải phóng nhân dân mình, V.I.Lênin còn muốn giải phóng các dân tộc bị áp bức khác nữa, đó chính là chủ nghĩa quốc tế vô sản – một nét mới vĩ đại trong tư tưởng đạo đức nhân loại, phải đến thời đại cách mạng vô sản mới có được.

Hồ Chí Minh cũng tìm thấy trong tấm gương đạo đức của V.I.Lênin những phẩm chất cao cả làm đẹp cho chủ nghĩa cộng sản, cho những người cách mạng chân chính, đó là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy… đã khiến cho trái tim quần chúng hướng về Người không gì ngăn cản nổi.

Tóm lại, chính nhờ có tư tưởng và tấm gương đạo đức của Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã hoàn thiện tư tưởng đạo đức của mình. Cần nói rõ thêm: tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ là sự kế thừa, chắt lọc tinh hoa đạo đức của nhân loại. Hồ Chí Minh thu hái tinh hoa đạo đức cổ- kim, đông- tây rồi vận dụng phép duy vật biện chứng mácxít làm thăng hoa toàn bộ giá trị đạo đức nhân loại, phù hợp

với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, từ đó sáng tạo ra một hệ thống tư tưởng đạo đức mới, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Nếu tư tưởng đạo đức nhân loại là một quá trình phát triển liên tục thì tư tưởng đạo đức Mác - Lênin- Hồ Chí Minh là bước phát triển nhảy vọt. Có thể nói, Hồ Chí Minh cùng với Mác - Lênin đã làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức.

Như vậy, thực tiễn phong phú của thời đại và của bản thân cuộc sống và hoạt động mà Hồ Chí Minh đã từng trải qua là một nguồn gốc, một cơ sở có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh làm cho tư tưởng ấy ngày càng nâng cao tính chất vừa cách mạng, vừa khoa học. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

* Nhân cách và phẩm chất Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là người sống có hoài bão, có lý tưởng yêu nước thương dân sâu sắc, nhất là đối với những người cùng khổ bị áp bức bóc lột; có bản lĩnh kiên định, có khí tiết kiên cường trong đấu tranh thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn. Người là một con người đặc biệt thông minh, sắc sảo, nhạy bén với cái mới, ham học hỏi; có tư duy độc lập sáng tạo; có trí tuệ uyên bác, kiến thức sâu rộng; biết nhiều ngoại ngữ, do đó có điều kiện tiếp xúc với văn hóa của nhiều dân tộc. Người là người có lòng tin mãnh liệt ở nhân dân, có ý chí, nghị lực phi thường: có đầu óc thực tiễn, thiết thực cụ thể, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm.

Sinh thời, Hồ Chí Minh bàn nhiều đến vấn đề đạo đức. Người để lại một tấm gương đạo đức sáng ngời. Người thực hành nhiều hơn những điều Người nói và viết. Vì vậy, muốn nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, không thể chỉ dừng lại ở bài nói, bài viết mà phải thâm nhập vào toàn bộ thực tiễn của Người, phải nghiền ngẫm các tác phẩm của các học trò xuất sắc của Người và tiếng nói tâm huyết của bạn bè quốc tế về Người. Người là người mẫu mực về đạo đức cách mạng; tác phong bình dị, chân tình, khiêm tốn, gần gũi mọi người; có sức cảm hóa đối với mọi người.

Tóm lại, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, mà còn có bước phát triển mới làm phong phú thêm tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về đạo đức.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (Trang 26)